Những phong tục "ngủ" kỳ lạ của các dân tộc miền sơn cước
Ngủ ngửi để quen hơi nhau
Người dân tộc Dao đeo tiền Xuân Sơn ở huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ có tập tục kỳ lạ là thực hiện “ngủ ngửi” để chọn vợ, chọn chồng. Bao đời nay, các thế hệ người Dao đeo tiền ở Xuân Sơn thành vợ, thành chồng và thuỷ chung, gắn kết với nhau một cách khó lý giải bắt đầu cũng từ tập tục thú vị này.
Các thiếu nữ người Dao đeo tiền, đến tuổi “ngủ ngửi” đang mong chờ tiếng cộc kệch vang lên vào mỗi buổi tối, để khẳng định rằng mình đã lớn.
Các cụ kể lại, người Dao đeo tiền ngày xưa thường ở nơi xa xôi, cheo leo, hẻo lánh. Thuở hồng hoang, ông trời chỉ cho trái đất này có 2 người Dao, 1 nam, 1 nữ nhưng lại ở hai nơi heo hút, xa lắc và bắt họ phải tự tìm đến với nhau.
2 người Dao mải miết đi tìm nhau. Tìm được rồi, vì quá say tình, họ đã thành vợ thành chồng, bỏ quên cái nhã ý của ông trời là buộc họ phải làm quen hơi nhau.
Ông trời trừng phạt con người, bắt họ phải xa cách nhau, khiến đôi lứa gần mặt nhưng xa lòng. Họ cũng hiểu ra rằng là vợ chồng mà không thể hòa hợp được thì thật là một sự đầy ải. Vì vậy, ông bà của người Dao đeo tiền từ thuở sơ khai ấy đã buộc cháu con khắc phục lại lỗi thiếu sót của họ với lời nguyền “ngủ ngửi”.
Theo anh Bàn Xuân Lâm – chủ tịch xã và cũng là một người Dao đeo tiền của thế hệ mới (có nghĩa là biết chữ, có kiến thức và đã làm quen đủ các phương tiện thời hiện đại) thì hiện tại tập tục Ngủ ngửi để chọn vợ của người Dao ở Xuân Sơn vẫn còn lưu giữ, không bị mai một.
Anh Lâm kể rằng ngay bản thân anh, 13 tuổi anh đã được bố mẹ cho phép, được các anh lớn tuổi và bạn đồng lứa rủ đi “ngủ ngửi”. Cuộc đời anh, 13 năm trôi qua, 13 mùa xuân đi ngủ, ngủ rồi không hợp hơi lại thôi, cho tới lúc tuổi đã gần 30 anh mới gặp được người vợ bây giờ. Người con gái ấy, ngủ buổi đầu, hợp hơi ngay và anh chị đã nên vợ nên chồng, có 2 con gái, 1 con trai. Đến bây giờ cô gái đầu lòng đang làm cô giáo mầm non ở xã, cũng đã đến tuổi đi “ngủ ngửi”. Mỗi tối, tiếng cộc cộc gõ cửa vang lên từng nhịp, anh biết con mình đã lớn.
“Ngủ mèo” nên duyên vợ chồng của dân tộc Chơ Ro
Ở dân tộc Chơ Ro, con trai, con gái hễ đủ 15 tuổi sẽ được phép “ngủ mèo” để tìm hiểu nhau trước khi bén duyên vợ chồng. Luật tục từ xưa đã quy định tục “ngủ mèo” rất nghiêm ngặt để đảm bảo chế độ một vợ, một chồng; nếu ai vi phạm sẽ bị phạt rất nặng. Theo quy định, thanh niên người Chơ Ro khác dòng họ đến tuổi cập kê được tự do tìm hiểu, hẹn hò nhau.
Khi tình cảm 2 phía đã đến độ đắm say và có ý muốn kết thành vợ chồng thì chàng trai chủ động hẹn, cô gái nhận lời cùng “ngủ mèo” để tìm hiểu kỹ lưỡng hơn về nhau. Khi màn đêm buông xuống, chàng trai đi “ngủ mèo” tại nhà người yêu sẽ mang theo một cây đòn và một roi mây. Với người Chơ Ro, chiếc roi mây vừa có tác dụng làm tín hiệu cho cô gái, vừa là vũ khí tự vệ của các chàng trai khi đi trong đêm tối để xua các loài thú dữ.
Những cô gái, chàng trai dân tộc Chơ Ro
Chàng trai đứng ở dưới sàn dùng cây đòn gõ nhẹ lên vị trí buồng nằm, đồng thời đưa roi mây qua khe báo hiệu cho cô gái. Nếu thời điểm thích hợp, cô gái sẽ nắm roi mây rung để báo cho người yêu trèo lên. Lên nhà rồi, chàng trai sẽ dùng chiếc đòn mang theo, đặt xuống sàn và đi trên chiếc đòn này. Đây là nghi thức để tránh làm các thành viên khác trong nhà thức giấc. Và dù cha mẹ cô gái có thể biết, nhưng họ làm ngơ vì tin vào sự lựa chọn của con mình và cho đó là theo ý Giàng.
Trong thời gian “ngủ mèo”, chàng trai không được phép ngủ đến sáng mà phải ra về trước khi mọi người trong nhà cô gái thức giấc. Theo luật tục, người nhà cô gái chỉ chấp nhận cho chàng trai “ngủ mèo” nhiều nhất là 3 lần. Sau đêm thứ 3, anh ta phải chủ động đến trình diện bố mẹ cô gái và xin phép được cưới.
Nếu khi ấy chàng trai không xin phép để gia đình nhà mình đến bàn chuyện cưới hỏi thì nhà cô gái có quyền giữ lại rồi cử người đến nhà chàng trai đánh tiếng tế nhị rằng: “Chuồng nhà tôi hiện đang giữ một con trâu nhà ai bị lạc. Gia đình bên này thử sang xem có phải của nhà mình không?”. Lúc đó, nhà chàng trai phải hiểu vấn đề rồi nhanh chóng cắt đặt người đại diện mang rượu qua nhà cô gái để đáp lời “nhận trâu” và bàn các thủ tục cho đôi trẻ cưới nhau
Ngủ thăm để được cưới vợ
Đây là một tục lệ từ hàng nghìn năm nay của đồng bào các dân tộc thiểu số Thái, Mông, Dao, Mường…ở Mường Lát (Thanh Hóa). Tục lệ này cho phép những chàng trai đến tuổi trưởng thành được phép tới "ngủ thăm" nhà một cô gái mà họ ưng.
Những cô gái, chàng trai miền sơn cước chỉ 14-15 tuổi đã có thể ngủ thăm
Các cô gái đến tuổi trưởng thành, ban ngày đi làm việc, tối đến đốt một ngọn đèn, buông màn sớm và nằm trong đó. Các chàng trai có nhu cầu tìm hiểu người con gái mình sẽ lấy làm vợ, có thể tìm đến để "ngủ thăm". Nếu đèn trong buồng cô gái còn sáng, nghĩa là chưa có ai đến ngủ thăm, chàng trai phải tự cạy cửa để vào nhà.
Vào được rồi, chàng trai sẽ nằm xuống bên cạnh cô gái và phải để tự bàn tay cô gái ấy tắt hay vặn nhỏ ngọn đèn. 2 người chỉ được trò chuyện, tâm sự ở tư thế... chung chăn, chung gối mà không được chạm vào người nhau. Sau khoảng 5 - 6 đêm tìm hiểu như thế, cô gái sẽ có quyền quyết định cho chàng trai “ngủ thật” hay không.
Để được “ngủ thật”, 2 người phải thưa với bố, mẹ cả 2 bên gia đình để xem có hợp tuổi không. Khi thời gian “ngủ thật” bắt đầu, cũng là lúc chàng trai phải đến ở làm công cho gia đình cô gái. Cứ ngày đi làm cùng gia đình, tối về ngủ với cô gái mình có ý định tìm hiểu. Trong thời gian này, chàng trai không được về nhà mình, muốn về phải được gia đình cô gái cho phép. Nếu cô gái không thích chàng trai nữa thì cô gái sẽ gói quần áo cùng với một gói cơm nắm cho vào địu và bảo với chàng trai rằng: "Anh cứ về thôi!", như thế có nghĩa là cô gái đã từ chối...
Ngủ duông để chọn ý trung nhân
Người Cơ Tu có một phong tục đặc biệt riêng là "ngủ duông", tiếng địa phương gọi là lướt zướng. Cứ vào khoảng tháng 9, 10 hằng năm, khi lúa đã được thu hoạch đưa vào kho, trên khắp các bản làng Cơ Tu tưng bừng tổ chức lễ ăn mừng lúa mới, đây cũng dịp để con trai, con gái Cơ Tu có thể bắt đầu đi “ngủ duông”.
Những cô gái người Cơ Tu khi đủ tuổi có thể được tự do "ngủ duông"
Nhà “ngủ duông” được làm ở nương rẫy hoặc ở bìa rừng, gọi là nhà nhưng thực chất đây là một chòi được làm bằng các vật liệu tạm bằng cây lá và nhà này đều được cả làng đều biết. Chính vì chỉ ngủ và tâm sự thôi nên người con trai có thể “ngủ duông” với cô gái trong 5 tối, 10 tối hoặc cả tháng thậm chí hơn nữa, và có thể “ngủ duông” với nhiều người con gái.
Dù vậy, nhưng họ không được vi phạm những quy định như cấm quan hệ bừa bãi hoặc có thai trước khi cưới. Nếu trường hợp này xảy ra, tùy ở mức độ vi phạm, thường thì chàng trai bị phạt rất nặng, có thể đuổi ra khỏi làng hoặc làng bắt người con trai đó phải giết heo có khi là trâu, bò mang từng phần đến từng gia đình trong làng để tự thú tội và chia cho cả làng cùng ăn, đôi khi phải đền bù cho nhà gái nào là ché, chiêng, đồ trang sức quý... hoặc phải chịu nợ truyền kiếp từ đời này sang đời khác và đôi khi bị cộng đồng ruồng bỏ, không tiếp xúc.
Sự phạt nặng này từ xa xưa đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người cho nên nam nữ Cơ Tu khi tiếp xúc, quan hệ tình cảm với nhau đều luôn có ý thức giữ gìn, tôn trọng đạo đức. Ngày xưa mọi người đều ủng hộ “ngủ duông”, nhà nào có con gái thì nhà đó có tiền, đến ngủ với cô gái phải mất tiền.
Giữa trăng thanh, gió mát, giữa điệu nhạc du dương của đại ngàn Trường Sơn, giữa tiếng suối róc rách, giữa đêm khuya thanh vắng... mà các cặp trai gái Cơ Tu “ngủ duông” vẫn giữ cho mình sự trong trắng tinh khiết, nhiều người cho đó là chuyện cổ tích.
Ngủ lần cuối trước khi ly hôn
Người Thái và Khơ Mú rất coi trọng chuyện hôn nhân. Vì thế, khi lấy nhau, tất cả người dân phải bằng mọi cách để gia đình không tan vỡ. Nếu xảy đến việc ly hôn, thì việc chia tay cũng hết sức lạ đời.
Theo phong tục, một ngày sau khi ra tòa, cặp vợ chồng vừa chia tay phải trở về bản để chuẩn bị làm lễ ly hôn. Theo nghi thức, lễ ly hôn được tổ chức ở nhà người vợ trước. Và cũng như đám cưới, gia đình người vợ phải cho người đi đến các gia đình trong bản mời đại diện đến tham dự. 1 ngày sau, đến lượt nhà trai tổ chức nghi lễ tương tự. Cũng có rạp, loa đài mở inh ỏi, cũng mổ bò, mổ lợn tưng bừng và cúng bái tổ tiên.
Kết thúc buổi lễ, đêm hôm ấy, vợ chồng về nhà chung của 2 người (trước khi cưới, nhà trai phải dựng nhà trước) và sống với nhau một đêm cuối cùng. Thông thường những đêm như thế này, họ thức với nhau đến sáng để tâm sự và rồi ngày sau đó, người vợ và những đứa con (nếu vợ bị chồng bỏ) sẽ soạn đồ đạc và về nhà ngoại ở, chính thức chia tay nhau. Bắt đầu từ lúc này, họ chỉ còn là vợ chồng cũ và được phép tìm hiểu, xây dựng gia đình với người mới.
Nguyễn Thảo