Những mùa xuân của lưu học sinh Campuchia tại Việt Nam
Hương vị quê nhà trên đất Việt
Năm 2024 là lần thứ hai Chav Channy, sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội, đón Tết Chol Chnam Thmay trên đất Việt. “Giống như người Việt, người Campuchia cũng mong muốn bỏ lại những điều không may của năm cũ và cầu mong một năm mới an lành”, Channy chia sẻ, ánh mắt lấp lánh khi kể về ý nghĩa của dịp lễ. Vào đêm giao thừa, người dân Campuchia sẽ tiến hành nghi lễ đón tiên nữ (một trong 7 nàng tiên con của thần Kabul Maha Prum) giáng trần. Vị tiên nữ này được cử xuống trần gian thay thế cho vị thần năm cũ để chăm lo cho người dân trong năm mới, thể hiện hy vọng vào một tương lai tốt đẹp.
Chav Channy (bên phải) cùng bạn rán chả nem cho bữa cơm tất niên với bố mẹ đỡ đầu thuộc Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia Chùa Tháp, tháng 2/2024. (Ảnh: Đinh Hòa) |
Xa nhà, Chav Channy dồn nỗi nhớ gia đình vào việc chuẩn bị các tiết mục văn nghệ đậm chất văn hóa Campuchia để cùng bạn bè biểu diễn tại trường. “Chúng em hy vọng qua những điệu múa, bài hát truyền thống, bạn bè quốc tế sẽ hiểu thêm về văn hóa Campuchia”, Channy nói. Cảm giác được hòa mình và những điệu múa Khmer, nghe âm nhạc truyền thống vang vọng trong sân trường đã giúp em vơi bớt nỗi nhớ nhà và tạo thêm động lực cho hành trình học tập tại Việt Nam.
Channy cũng có cơ hội đón Tết Nguyên đán Việt Nam, với lần đầu tiên vào năm 2023 tại Trường Hữu nghị 80. Khi ấy, em cùng các bạn lưu học sinh hào hứng tham gia tiệc tân niên, nhận lì xì đỏ và những lời chúc từ thầy cô. "Sự nồng hậu và quan tâm của các thầy cô giúp em cảm thấy như đang đón Tết bên gia đình", Channy kể lại.
Đặc biệt hơn, cô giáo chủ nhiệm Trần Tố Loan đã mời Channy về nhà đón Tết cùng gia đình tại làng cổ Đường Lâm, Hà Nội. Lần đầu tiên bước vào gian bếp ngày Tết Việt, Channy lúng túng nhưng rất hào hứng: "Em không giỏi nấu nướng, nhưng cô Loan đã tận tình chỉ dạy". Channy cùng gia đình cô chế biến các món ăn truyền thống như nem rán, giò lụa và thịt kho trứng, cảm nhận không khí đầm ấm của ngày Tết qua từng công đoạn chuẩn bị món ăn. “Em rất thích món nem rán Việt Nam. Đó là tổng hòa của nhiều nguyên liệu thơm ngon, màu sắc hài hòa và hương vị giòn tan”, Channy cho biết. Em hy vọng trong thời gian học tập ở Việt Nam sẽ có thêm nhiều cơ hội khám phá các món ăn truyền thống khác cũng như các phong tục đẹp của ngày Tết Việt.
Niềm vui đón Tết Việt càng trọn vẹn hơn khi năm 2024, Channy được mẹ đỡ đầu, bà Yos Bopha, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia Chùa Tháp, mời đón Tết tại nhà. "Em thích được cùng mẹ Bopha đi chợ Tết, hòa mình vào dòng người đông đúc và tự tay chọn một cành đào nhỏ xinh để trang trí trong phòng, tạo không khí Tết Việt", Channy chia sẻ.
Chợ Tết Việt qua góc nhìn lưu học sinh Campuchia
Với Sok Sovandeth, sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội, Tết Việt có nhiều điểm tương đồng với Tết Chol Chnam Thmay tại quê nhà. “Ở Campuchia, người dân cũng sửa soạn bàn thờ, quét dọn nhà cửa, đi lễ chùa và gửi lời chúc năm mới cho người thân như ở Việt Nam”, Sovandeth nói. Chàng trai Campuchia cũng bày tỏ sự ngạc nhiên và thích thú khi khám phá các phong tục Tết độc đáo của Việt Nam, như mâm ngũ quả, tục hái lộc, lì xì mừng tuổi và cả phong tục xông đất đầu năm.
Một tiết mục văn nghệ đậm nét văn hóa Campuchia trong lễ đón Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay năm 2568 (theo Phật lịch) tại Trung tâm hỗ trợ đào tạo quốc tế - Cục Hợp tác Quốc tế (Bộ Giáo dục và Đào tạo), tháng 4/2024. (Ảnh: Đinh Hòa) |
Tết Giáp Thìn 2024, Sok Sovandeth cùng mẹ đỡ đầu Yos Bopha đón năm mới tại Hà Nội. Bà Bopha tận tình hướng dẫn em chọn cành đào trang trí trong phòng, hòa vào dòng người tấp nập đi chợ Tết và ngắm nhìn các loại hoa rực rỡ sắc xuân. “Em đã biết cách phân biệt hoa mai vàng của miền Nam và hoa đào của miền Bắc. Mỗi loài hoa đều mang một vẻ đẹp và ý nghĩa khác biệt”, Sovandeth hào hứng kể lại. Đặc biệt, chuyến đi chơi cùng bạn bè trên phố Hàng Mã đã để lại trong Sovandeth ấn tượng sâu sắc. “Phố ngập tràn sắc đỏ của đèn lồng, câu đối và các vật phẩm may mắn, tất cả tạo nên một không gian Tết lung linh, huyền ảo. Em đã mua một bao lì xì đỏ với mong muốn năm mới nhiều may mắn và thịnh vượng”, Sovandeth nói.
Bà Bopha cũng cho biết, việc tổ chức các buổi liên hoan và đón Tết cho các lưu học sinh Campuchia không chỉ giúp các em cảm nhận được hơi ấm ngày Tết mà còn tạo điều kiện để các em trải nghiệm văn hóa Việt một cách trọn vẹn. “Chúng tôi hy vọng các em sẽ học được những giá trị nhân văn trong văn hóa Việt Nam, để từ đó tạo nên sự kết nối sâu sắc hơn giữa nhân dân hai nước”, bà Bopha nói.
Trong thông điệp gửi đến các lưu học sinh Campuchia nhân dịp Tết Chol Chnam Thmay năm 2568 (theo Phật lịch), Đại sứ Campuchia tại Việt Nam Chea Kimtha khuyến khích các em hãy yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau và tuân thủ quy định nhà trường, luật pháp Việt Nam. Đại sứ cũng nhắn nhủ các em chính là cầu nối quan trọng, góp phần củng cố quan hệ hữu nghị, bền chặt giữa hai nước Việt Nam - Campuchia trong tương lai.
Với những cái Tết đặc biệt trên đất Việt, Chav Channy, Sok Sovandeth và các lưu học sinh Campuchia khác không chỉ được trải nghiệm giá trị truyền thống mà còn tích lũy thêm những kỷ niệm đáng nhớ. Những khoảnh khắc giao thừa, phút giây quây quần bên mâm cơm Tết và các phong tục mới lạ đã giúp các em hiểu hơn về đất nước Việt Nam, đồng thời tạo động lực để các em không ngừng cố gắng, trau dồi bản thân trở thành nhịp cầu nối hữu nghị cho tình đoàn kết giữa hai dân tộc.