Sinh khí mới trong hoạt động Ươm mầm hữu nghị Việt Nam - Campuchia
Chị Linh Nhân (32 tuổi), thành viên Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia cựu phiên dịch kể: Hội có nhiều hội viên trẻ, từng học tại Campuchia. Trước khi tham gia chương trình Ươm mầm hữu nghị, các hội viên đã quen biết, thân thiết với nhiều lưu học sinh Campuchia, nhiều lần mời các bạn về nhà ăn cơm, tìm hiểu văn hóa, nếp sống của gia đình Việt Nam.
"Thời gian tới chúng tôi sẽ mời các em lưu học sinh đỡ đầu đến nhà thường xuyên hơn vào các dịp lễ, tết, cuối tuần. Chúng tôi cũng dặn các em khi ốm đau hay có bất cứ khó khăn gì cứ liên hệ, chúng tôi sẽ hỗ trợ trong khả năng của mình. Chúng tôi mong rằng trong thời gian học tập tại Việt Nam, các lưu học sinh sẽ có nhiều kỷ niệm đẹp, từ đó nuôi dưỡng tình cảm gắn bó với Việt Nam và sau này trở về Campuchia vẫn tiếp tục giữ gìn tình cảm đó", chị Linh Nhân nói.
Chị Linh Nhân (thứ sáu, từ trái qua) cùng các tập thể, cá nhân nhận Quyết định giao nhận đỡ đầu sinh viên Campuchia năm học 2023-2024. (Ảnh: Trường Hữu nghị 80) |
Ngày 9/3/2024 tại Hà Nội, Trung ương Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia đã tổ chức Lễ giao - nhận đỡ đầu lưu học sinh Campuchia khu vực Hà Nội năm học 2023-2024. Theo quyết định của Hội, có 10 tập thể và 11 cá nhân hội viên tiếp nhận đỡ đầu 102 sinh viên Campuchia đang học tập tại các cơ sở giáo dục đại học ở khu vực Hà Nội kể từ năm học 2023-2024 đến hết khóa học. |
Từng học tập tại Campuchia 5 năm nên anh Nguyễn Thiện Tài (28 tuổi) đồng cảm với những khó khăn của sinh viên nước ngoài sống xa nhà. Khi biết đến chương trình Ươm mầm hữu nghị, anh đăng ký nhận đỡ đầu 2 lưu học sinh Campuchia.
Theo chị Linh Nhân và anh Thiện Tài, tuy chưa có nhiều kinh nghiệm nhưng lợi thế của hội viên trẻ là sự gần gũi về độ tuổi, góc nhìn nên việc tiếp xúc, chuyện trò với các em lưu học sinh cũng thuận lợi hơn. Các em gọi chúng tôi là anh, chị và nhanh chóng trở nên thân thiết với các thành viên trong gia đình đỡ đầu.
Seng Kimhong, lưu học sinh Campuchia được Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia cựu phiên dịch nhận đỡ đầu. (Ảnh: NVCC) |
Seng Kimhong, sinh viên năm thứ nhất Trường Đại học Kinh tế kể em cảm thấy hạnh phúc và ấm áp khi được các anh chị trong Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia cựu phiên dịch nhận đỡ đầu.
"Em đi học xa nhà, xa bố mẹ, lại ở một đất nước khác nên ban đầu không khỏi cảm thấy lạc lõng, cô đơn. Nhưng rồi em được gặp các anh chị ở Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia cựu phiên dịch. Các anh chị từng học tập ở Campuchia nên đồng cảm với chúng em. Các anh chị thường giúp đỡ em cả về vật chất lẫn tinh thần, chia sẻ kinh nghiệm du học, cho em nhiều lời khuyên trong học tập và cuộc sống. Các anh chị cho em cảm giác như ruột thịt, khiến em thấy an toàn như ở nhà với bố mẹ. Đặc biệt, bởi độ tuổi gần nhau nên em cũng dễ dàng chia sẻ với các anh chị hơn", Seng Kimhong nói.
Học tiếng Việt ở Trường Hữu nghị 80 được 5 tháng, Chhon Sreyni (19 tuổi, quê ở tỉnh Prey Veng, Campuchia) cho biết, tiếng Việt có nhiều thanh và phụ âm, vì vậy khi mới sang Việt Nam em gặp nhiều khó khăn, hầu hết giao tiếp của em với các thầy cô giáo phải qua ứng dụng Google Dịch. Điều may mắn là em tham gia công tác Đoàn, thường xuyên phải luyện nói; các cô thầy giáo cũng kiên nhẫn chỉ dạy cho em. Ngoài ra, nhà trường thường xuyên tổ chức các chuyến ngoại khóa để các em thực hành tiếng Việt. Cho đến nay, Chhon Sreyni có thể nghe, đọc, viết tiếng Việt khá tốt.
Được cô Chu Kim Phượng, Hiệu trưởng Trường Hữu nghị 80 nhận làm con đỡ đầu, Chhon Sreyni thấy bản thân rất may mắn. Em đã thông báo tin này với bố mẹ đẻ ở Campuchia. "Bố mẹ em rất vui vì có mẹ đỡ đầu ở Việt Nam sẽ giúp em như có người thân ở bên, vơi bớt nỗi nhớ nhà. Bố mẹ dặn em phải lắng nghe lời khuyên từ mẹ đỡ đầu, cố gắng học tập. Sau khi hoàn thành khóa học tiếng Việt, em sẽ học tập tại Trường Đại học Y Dược Thái Bình", Chhon Sreyni nói.
Trao đổi với phóng viên tạp chí Thời Đại, ông Lê Tuấn Khanh, Phó Chủ tịch Trung ương Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia cho biết: việc những người trẻ tham gia chương trình Ươm mầm hữu nghị nằm trong chủ trương mở rộng đối tượng, đa dạng hóa các hình thức đỡ đầu của Hội. Năm nay, ngoài các đơn vị, đối tượng truyền thống như cựu chuyên gia, cựu quân tình nguyện, các quân khu, mặt trận, Hội mở rộng tới các hội viên trẻ thuộc Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia cựu phiên dịch, Câu lạc bộ doanh nghiệp Việt Nam - Campuchia.
"Các bạn trẻ từng học tập tại Campuchia, biết tiếng Khmer hoặc có hoạt động đầu tư, kinh doanh có liên quan đến Campuchia, do đó giao lưu, tiếp xúc với các lưu học sinh thuận lợi, dễ hòa nhập hơn. Đặc biệt khi các lưu học sinh có nhu cầu thực tập, tìm việc làm, Câu lạc bộ doanh nghiệp Việt Nam - Campuchia có thể hỗ trợ các bạn thực tập/làm việc ngay tại doanh nghiệp thành viên của mình", ông Khanh nói.
Ông cho biết: Thu hút người trẻ tham gia chương trình Ươm mầm hữu nghị sẽ tạo tiền đề cho những năm tiếp theo. Thời gian tới Trung ương Hội tiếp tục triển khai chương trình bằng cách vận động các tổ chức, đoàn thể xã hội như Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, các tổ chức, doanh nhân, doanh nghiệp có tâm huyết, điều kiện tham gia, qua đó góp sức vun đắp tình hữu nghị Việt Nam - Campuchia.