Nhớ thương Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Người bạn học "mặc quần cá rô đớp gấu"
Được tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, ông Ngô Bá Dục (82 tuổi, làng Lại Đà, xã Đông Nội, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội) ngồi lật từng tấm ảnh, mắt rướm nước hồi nhớ những kỷ niệm về người bạn thân. Trong ấn tượng của ông, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người thông minh, chăm chỉ và chịu khó tìm tòi.
Ông Dục kể: ông và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng học cùng lớp với nhau từ cấp 1 đến cấp 3. Thời phổ thông, ông và Tổng Bí thư phải lên huyện Gia Lâm học. Hai người thuê trọ ở nhà dân, cùng nhau nấu cơm ăn, cùng nhau đi dạy kiếm tiền mua sách vở và trang trải sinh hoạt.
"Thời đó vất vả, gia đình chỉ cho 15 đấu gạo, còn tiền tiêu phải tự lo. Chúng tôi từng bơi ra bãi sông Hồng để vớt củi về phơi khô đun nấu. Buổi chiều học xong, tôi và anh Trọng lại vào Khu công nghiệp Đức Giang dạy bổ túc cho công nhân để kiếm tiền. Lúc đó tôi một lớp, anh Trọng 1 lớp, mỗi tiết chỉ được 7 hào", ông Dục chia sẻ với báo chí.
Ông Ngô Bá Dục lục lại những bức ảnh kỷ niệm với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. (Ảnh: Người lao động) |
Theo ông Dục, Tổng Bí thư là người rất giản dị. Thời điểm đi học nói đến Ngô Bá Dục là người ta nói đến "anh mặc quần áo nâu", còn nói đến "người mặc quần cá rô đớp gấu" là nói đến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Bởi thời đó ông Dục hay mặc quần áo màu nâu; và quần cá rô đớp ống là vì thời đó các cụ may quần áo cho con bao giờ cũng "chừa lớn", nhưng chưa lớn thì quần đã bị sờn, rách ống.
Vất vả là thế, song ông Dục và Tổng Bí thư luôn chăm chỉ, kiên trì và được các thầy, cô nhớ mãi vì thành tích nổi bật ở lớp. Sau đó cả hai đều đỗ vào trường đại học mà mình mơ ước.
Ông Ngô Bá Dục cho biết thêm, khi công tác, giữ các chức vụ quan trọng nhưng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn giữ quan hệ tốt với bạn bè. Nhiều sự kiện họp lớp, chia tay thầy cô Tổng Bí thư luôn có mặt.
"Anh Trọng rất dân dã, có lần họp lớp anh ấy đang là Bí thư Thành ủy Hà Nội nhưng vẫn bắt xe ôm ra nhà nổi Hồ Tây để gặp các bạn. Lúc đó, Giám đốc nhà nổi ở Hồ Tây thấy cũng hoảng lên bảo có chuyện gì mà lãnh đạo thành phố đến tận đây, nhưng anh Trọng nói chỉ họp lớp bình thường chứ không có chuyện gì", ông Dục kể lại.
Năm 2000, mẹ ông Dục mất, Tổng Bí thư cũng về tận nơi thăm viếng, chia buồn cùng gia đình. Bạn bè có việc gì Tổng Bí thư đều giúp đỡ rất nhiệt tình, đến nơi đến chốn.
Bà Nguyễn Thị Thuần (80 tuổi, ở thôn Lại Đà) là bạn cùng lớp cấp 1 của Tổng Bí thư. Bà cho biết tuổi thơ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố mẹ ông đều làm nông, còn Tổng Bí thư "lớn lên" với củ khoai, củ sắn.
"Dù hoàn cảnh như vậy, ông ấy vẫn học rất giỏi. Ông Trọng rất chăm chỉ, chịu khó. Cả lớp chỉ có mình ông Trọng thoát li và làm lãnh đạo.
(...) "Ông Nguyễn Phú Trọng là một người chân thành và đặc biệt tình cảm với bạn bè. Dù giữ cương vị cao, nhưng mỗi khi ông Nguyễn Phú Trọng về làng, bà con chúng tôi chỉ thấy bóng dáng một "người già" giản dị, gần gũi như người làng mình", bà Thuần kể.
Bà cho biết thêm, dù ít về địa phương do công việc bận rộn, vào những dịp quan trọng của xóm làng, Tổng Bí thư đều xuất hiện nhưng với tư cách là một người con của thôn Lại Đà, chứ không phải với cương vị của Tổng Bí thư.
"Đợt tôi mừng thọ 70 tuổi, ông Trọng có về thăm. Khi tôi đi làm đồng về, quần áo lấm lem, đội cái nón rách, nhìn thấy ông Trọng ngại vì quần áo mình đang bẩn nên tôi đi vào nhà một người quen để tránh. Tuy nhiên, ông ấy đã chủ động đến chào, hỏi thăm sức khỏe. Hình ảnh đó, bà con chúng tôi rất xúc động, rất nhớ", bà Thuần kể lại.
Gần đây nhất, vào dịp mừng thọ tuổi 80 của những người sinh năm 1944 (năm 2023), bà Thuần cho biết Tổng Bí thư không về, nhưng ông vẫn thông qua gia đình, gửi tiền mừng đóng góp cho thôn để tổ chức buổi lễ mừng thọ.
"Trước sau vẫn là học trò của các thầy"
Nghe tin Tổng Bí thư, "học trò Nguyễn Phú Trọng" từ trần, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, Giáo sư Hà Minh Đức cho biết ông rất buồn, đau xót. Ở tuổi 90, Giáo sư Hà Minh Đức vẫn minh mẫn, nhắc lại những ấn tượng về người học trò Nguyễn Phú Trọng, nam sinh viên khoa văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội ngày ấy.
Giáo sư Hà Minh Đức bồi hồi xem lại tấm ảnh chụp cùng học trò cũ Nguyễn Phú Trọng trong dịp kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam. (Ảnh: Tuổi trẻ) |
Giáo sư Hà Minh Đức chủ nhiệm lớp K8 (khóa 1963 - 1967), khoa Văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội 4 năm. Lớp có khoảng 100 sinh viên.
"Sinh viên Nguyễn Phú Trọng ngày ấy, tôi quan sát rất ít nói, lặng lẽ, chăm chỉ học. Ông Trọng luôn cố gắng làm sao để trong thời gian ấy tích lũy được nhiều kiến thức nhất. Khi tốt nghiệp, ông Trọng làm đề tài khóa luận ảnh hưởng của thơ dân gian đến thơ Tố Hữu, việc chọn lựa này có ý nghĩa vì thơ Tố Hữu nói nhiều về cách mạng, vấn đề dân tộc", Giáo sư Hà Minh Đức kể.
Ông kể lại sự kiện lớp Văn K8 kỷ niệm 55 năm ngày ra trường và mời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tham dự: Sự kiện hôm đó tổ chức tại báo Nhân Dân (phố Hàng Trống) và tôi cũng trực tiếp tham gia. Sinh viên tụ họp về rất đông, tôi nhớ ít nhất có tới 50 - 60 anh trở về, quy tụ dưới gốc đa trong khuôn viên của báo Nhân Dân, mọi người ngồi ở đó mát lắm.
Mọi người ngồi chờ thì một lúc ông Nguyễn Phú Trọng tới, lúc đó tôi ngồi ở ghế hàng đầu cạnh gốc đa. Tôi đứng lên thì Tổng Bí thư đỡ tay tôi và mời tôi ngồi xuống: "Thầy vẫn thế".
Rồi sau đó, ông Trọng đi bắt tay, chào hỏi mọi người trong lớp. Khi Tổng Bí thư đang đi chào hỏi thì tiến sĩ Trịnh Hồ Khoa nói vọng lại: Có nhớ Trịnh Hồ Khoa nữa không?
Ngay lập tức, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiến lại và ôm lấy anh Hồ Khoa, lúc đấy anh Khoa phải chống gậy, già yếu lắm rồi.
Cô Hồ Hoa giơ tay lên chào ông Nguyễn Phú Trọng: Hồ Hoa đây. Cô Minh Mẫn, cô Hoàng nhà ở Hàng Đào, rồi mấy anh bạn nam cũng giơ tay lên chào bạn cũ…
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhớ hết từng người trong lớp, không quên một ai. Không những nhớ mà còn lại bắt tay, vỗ vai, rất chân tình...
Hôm đó là một ngày quá đẹp, sau này tôi viết một bài trong cuốn sách của tôi để tả lại cuộc gặp đấy. Dịp gặp gỡ, họp lớp cũng nhân sự kiện ông Nguyễn Phú Trọng lần thứ 3 được bầu làm Tổng Bí thư, đó là một vinh dự cho Trường đại học Tổng hợp, cho lớp Văn K8.
Hôm đó, phát biểu trước các học trò, tôi nói đồng chí Nguyễn Phú Trọng có được vị trí cao đẹp ấy là nhờ bốn yếu tố: một là trí tuệ, hai là tài năng, ba là bản lĩnh, bốn là đạo đức.
Sau đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có phát biểu ngắn gọn mấy câu:
"Tôi cảm ơn giáo sư Hà Minh Đức đã phát biểu những ý kiến minh mẫn, chuẩn mực đến từng câu từng chữ. Trước sau tôi vẫn là học trò của các thầy, là bạn thân của các anh chị của lớp. Năm tháng trôi qua như lời tôi phát biểu ở buổi gặp mặt lần thứ nhất năm 2012 như một đám mây sẽ qua đi, cái còn lại là tình bạn bè, tình bằng hữu".
Người hàng xóm giản dị, hòa đồng
Vợ chồng anh Ninh Xuân Mạnh, chị Dương Thị Phượng ở số 9 phố Thiền Quang, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội ở cách nhà Tổng Bí thư chỉ một căn. Chiều tối 19/7, xem bản tin thời sự thông tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, vợ chồng chị trào nước mắt.
Anh Mạnh kể: “Thời gian Tổng Bí thư còn khỏe, bác vẫn hay sang thăm nhà tôi. Mặc dù bác là lãnh đạo cấp cao, còn vợ chồng tôi là dân thường nhưng rất gần gũi. Biết là sinh lão bệnh tử nhưng nghe tin bác từ trần, tôi rất đau buồn, thương tiếc”.
Chị Phượng cho biết năm 2017, khi tổ dân phố tổ chức ngày hội đại đoàn kết toàn dân, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến dự, gặp mặt người dân.
“Lần đó, tôi cùng nhiều người dân được trò chuyện thân mật, chụp ảnh cùng bác Trọng. Bác rất giản dị, vui vẻ, hòa đồng với mọi người. Tôi còn nhớ mãi câu nói đùa dí dỏm của bác với người dân trong tổ dân phố rằng “thật ra cũng căn dặn người dân phải giữ gìn an ninh trật tự nhưng tôi lại là người... làm mất trật tự nhất ở khu phố này, vì đôi lúc 3-4h sáng đã có người dân đến tận cổng gọi tôi nhờ giúp đỡ”, chị Phượng kể.
Là hàng xóm sát vách, vợ chồng anh Mạnh dường như quen với tiếng xe ô tô cũ kỹ, thời gian đi làm, về nhà của Tổng Bí thư.
“Mỗi lần nghe tiếng xe là biết bác Trọng đi làm về, cảm xúc như cha mình đi làm về vậy”, chị Phượng nói và cho hay “nghe tin bác Trọng mất thật sự hụt hẫng, cảm giác như mình mất đi một người thân ruột thịt”.