Nhiều ấn tượng tại Liên hoan Văn hóa cồng chiêng tỉnh Đắk Lắk năm 2022
Liên hoan được tổ chức nhằm chào mừng kỷ niệm 17 năm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam và Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể, đại diện của nhân loại; kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk.
Đây là sự kiện do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức với sự tham gia của 439 nghệ nhân đến từ 15 đoàn của các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.
Liên hoan có 65 tiết mục, đa dạng, phong phú về thể loại như diễn tấu chiêng đồng, chiêng tre, độc tấu đàn T’rưng, thổi khèn, thổi sáo, hát đối đáp, hòa tấu nhạc cụ, hát dân ca, múa dân gian dân vũ...
Cùng với đó, các nghi lễ truyền thống như lễ hỏi chồng, lễ kết nghĩa anh em, lễ cúng ché mới, lễ mừng lúa mới... cũng được tái hiện một cách sinh động ngay tại sân khấu liên hoan.
Trình diễn cồng chiêng kết hợp dân vũ tại liên hoan. |
Liên hoan nhà dịp để các nghệ nhân, diễn viên quần chúng có cơ hội gặp gỡ, giao lưu văn hóa nghệ thuật gắn với diễn tấu cồng chiêng, tô thắm thêm tình đoàn kết các dân tộc anh em, tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá Di sản Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên; đồng thời tăng cường ý thức, trách nhiệm, niềm tự hào của những người làm công tác bảo vệ, gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.
Trong đêm bế mạc, Ban tổ chức đã trao một giải Nhất, hai giải Nhì và hai giải Ba cho các đoàn có thành tích cao; cùng với đó là 5 giải A, 10 giải B, 12 giải C cho các tiết mục xuất sắc nhất. Đoàn nghệ nhân huyện Krông Năng xuất sắc đạt giải Nhất toàn đoàn.
Nghệ sỹ Ưu tú Vũ Lân - nguyên Trưởng Đoàn ca múa dân tộc tỉnh Đắk Lắk, Chủ tịch Hội đồng thẩm định tại Liên hoan Văn hóa cồng chiêng tỉnh Đắk Lắk lần thứ 2 - cho biết, các đơn vị tham gia liên hoan đã có sự chuẩn bị chu đáo, công phu. Cùng với đó, điều ấn tượng trong Liên hoan là sự có mặt của các nghệ nhân cao tuổi, trong đó phải kể đến nhóm nghệ nhân nữ Ê Đê Bih huyện Krông Ana, nhóm nghệ nhân huyện Krông Bông với 9 chiếc chiêng cùng sự hiện diện của nhiều bộ chiêng cổ. Ngoài ra, Liên hoan có sự xuất hiện của của một số nhạc cụ dân gian truyền thống và được các nghệ nhân diễn tấu bài bản.
Trong liên hoan, lần đầu tiên phần trình diễn nghi lễ dân gian gắn bó với văn hóa cồng chiêng được phục dựng, thu hút người dân tham gia. Một số nghi lễ được phục dựng chỉn chu, tái hiện chân thực, các chi tiết nhỏ đều đúng với phong tục tập quán như lễ hỏi chồng của đoàn nghệ nhân thành phố Buôn Ma Thuột; lễ kết nghĩa anh em của Đoàn nghệ nhân huyện Krông Năng và lễ mừng lúa mới của Đoàn nghệ nhân huyện Cư M’Gar.
Theo Nghệ sỹ Ưu tú Vũ Lân, một số đơn vị còn sai sót khi gọi tên nhạc cụ hoặc nghi lễ dân gian, nhầm lẫn giữa múa dân gian và văn nghệ quần chúng. Song với sự chuẩn bị chu đáo của các đoàn cùng nỗ lực của các nghệ nhân, liên hoan đã diễn ra thành công tốt đẹp, để lại nhiều ấn tượng sâu sắc với công chúng yêu âm nhạc trên địa bàn tỉnh.
Được biết, từ năm 2022, Liên hoan văn hóa cồng chiêng tỉnh Đắk Lắk dự kiến sẽ được tổ chức hàng năm. Đặc biệt tháng 3/2023, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk sẽ tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc gắn với Lễ hội Càphê Buôn Ma Thuột lần thứ 8. Đây sẽ là sự kiện quan trọng góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân gian truyền thống, trong đó có văn hóa cồng chiêng. Do đó, các đoàn nghệ nhân của 15 huyện, thị, thành phố trong tỉnh cần tập luyện, có kế hoạch tham gia ngày hội để giành kết quả cao nhất. |
Ấn tượng bởi vẻ đẹp của đồi hoa dã quỳ tại Cao Bằng Màu sắc vàng rực của hoa dã quỳ bao trùm cả một cánh đồng lớn tại tại huyện Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng. Đây là địa điểm lý tưởng cho những chuyến dã ngoại cùng bạn bè. |
Ấn Độ hỗ trợ 2,4 tỷ đồng kỹ thuật lắp chi giả miễn phí cho 250 người khuyết tật tại tỉnh Đắk Lắk UBND tỉnh Đắk Lắk vừa ban hành Quyết định về việc phê duyệt dự án hỗ trợ kỹ thuật lắp chi giả miễn phí cho 250 người khuyết tật tỉnh Đắk Lắk do Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam tài trợ với tổng giá trị khoản viện trợ khoảng 2,4 tỷ đồng. |