Nhận diện mua bán người thông qua lừa đảo trực tuyến
Thượng tá Ngô Xuân Ý cho biết, tội phạm mua bán người xảy ra trên 63 tỉnh, thành phố; 85% bán ra nước ngoài, khoảng 15% nội địa. Từ năm 2021 đến nay, trung bình mỗi năm phát hiện xảy ra gần 100 vụ, 250 đối tượng, với 200 nạn nhân. Trong đó có hơn 85% phụ nữ và trẻ em. Tội phạm mua bán người không chỉ mua bán phụ nữ trẻ em, mà con mua bán đàn ông, nội tạng, bào thai.
Phương thức, thủ đoạn hoạt động phổ biến tội phạm mua bán người
Thượng tá Ngô Xuân Ý cho biết, các đối tượng lợi dụng sự phát triển của công nghệ thông tin, qua mạng Internet, điện thoại... để kết bạn, làm quen, tán tỉnh yêu đương; hứa hẹn đưa ra nước ngoài làm việc có thu nhập cao hoặc lấy chồng người nước ngoài sẽ có cuộc sống giàu có, nhàn hạ. Sau đó, lừa bán nạn nhân, rồi ép làm mại dâm, làm vợ bất hợp pháp.
Các đối tượng người nước ngoài câu kết với người Việt Nam sinh sống tại nước ngoài và trong nước, thông qua mạng xã hội dụ dỗ, lừa gạt, tuyển mộ lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc với mức lương cao, công việc nhàn hạ, tổ chức đưa họ vượt biên trái phép.
Ảnh minh hoạ. |
Thủ đoạn mua bán người trên không gian mạng
Thượng tá Ngô Xuân Ý thông tin, các đối tượng sử dụng các nền tảng, ứng dụng mạng xã hội, ứng dụng OTT có tính ẩn danh cao, có máy chủ đặt tại nước ngoài như Facebook, Viber, Telegram,.. để tìm kiếm, tiếp cận, làm quen với những nạn nhân có nhu cầu, sau đó lừa gạt thực hiện hiện hành vi mua bán người.
Lập các hội, nhóm có nguy cơ đến hoạt động mua bán người, như: “Hội cho và nhận con nuôi”, “hội con hiếm muộn”, “môi giới mại dâm”, “môi giới bán thận”, “môi giới việc làm”... để tìm kiếm, tiếp cận, tuyển mộ nạn nhân.
Lợi dụng mạng xã hội, sử dụng tên giả, hình ảnh giả mạo các cơ quan chức năng nhằm làm quen, kết bạn, tạo lòng tin đối với nạn nhân để dụ dỗ, đưa nạn nhân đến các điểm tập kết và bán cho các chủ nhà hàng, quán bar, karaoke, massage, vũ trường… hoặc bị bán ra nước ngoài.
Nhận diện mua bán người thông qua lừa đảo trực tuyến
Thượng tá Ngô Xuân Ý cho rằng, chúng ta cần xác định rằng các nước xung quanh Việt Nam về thu nhập của người lao động cũng không cao hơn trong nước là bao nhiêu và họ cũng đang rất thừa lao động, nên không thể có việc nhẹ lương cao.
Người lao động phải biết được trình độ, năng lực của mình, với những kỹ năng, kinh nghiệm đó liệu có được trả mức lương như hứa hẹn không?
Việc xuất cảnh từ Việt Nam sang nước khác không làm thủ tục, không có hộ chiếu mà đi theo một đường dây bất hợp pháp thì phải biết đây là hành vi vi phạm pháp luật nên phải cảnh giác
Bản thân lại đi tin vào người mình không hề quen biết trên mạng xã hội, không có gì đảm bảo thì dễ bị các đối tượng xấu lợi dụng, lừa bán ra ngoài hoặc các hành vi phạm tội phạm.
Kỹ năng phòng, chống mua bán người trên không gian mạng
Theo Thượng tá Ngô Xuân Ý phải luôn cảnh giác, đề phòng người lạ quen biết trên mạng xã hội hứa hẹn tìm việc hoặc rủ hợp tác làm ăn.
Cảnh giác với những lời hứa hẹn, dụ dỗ tìm việc làm có thu nhập cao trong các nhà máy, cửa hàng, quán bar, giúp việc trong nước, nước ngoài hoặc lấy chồng nước ngoài giàu có.
Từ chối mọi sự giúp đỡ về tiền bạc, lợi ích vật chất của người khác, nhất là từ người lạ mới quen biết trên mạng xã hội.
Tìm hiểu thật kỹ về địa danh, địa điểm mà mình định đến và đặc điểm, nhân thân của những người bạn đi cùng mình như thế nào.
Trước khi đi hãy tham khảo ý kiến mọi người và thông báo, nhắn gửi cho gia đình, người thân biết bạn sẽ đi đâu, đi với ai trước khi quyết định đi xa.
Thường xuyên tìm hiểu để nâng cao trình độ văn hóa, pháp luật, kỹ năng tự bảo vệ, có thể đảm bảo an toàn cho bản thân và giúp cho người thân khỏi bị mua bán, di cư trái phép.
Quan trọng luôn nhớ địa chỉ và số điện thoại tin cậy, có thể là của chính quyền, cơ quan, tổ chức, người thân,… để có thể liên hệ giúp đỡ khi cần thiết.
Đồng thời, tuyên truyền cho những người thân trong gia đình, bạn bè biết và cảnh giác với tội phạm mua bán người và các hành vi khác có liên quan.