Tình hình mua bán người vẫn diễn biến phức tạp trên phạm vi cả nước
Bàn giao công dân Việt Nam từ Campuchia về nước tại Cửa khẩu Quốc tế Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang). (Ảnh: TTXVN phát) |
Theo thông tin từ Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ (Ban Chỉ đạo 138/CP), nếu năm 2022, các lực lượng chức năng phát hiện, điều tra 90 vụ với 247 đối tượng phạm tội mua bán người liên quan đến 222 nạn nhân bị mua bán, chỉ trong 8 tháng năm nay, số nạn nhân bị mua bán đã lên đến 254 người.
Với vai trò là Cơ quan Thường trực phòng, chống mua bán người của Bộ Quốc phòng, trong đợt cao điểm đấu tranh với loại tội phạm này, từ ngày 1/7 đến ngày 30/9/2023, các đơn vị Bộ đội Biên phòng trên cả nước đã phát hiện, xử lý 31 vụ với 62 đối tượng có liên quan đến tội phạm mua bán người; giải cứu, tiếp nhận, hỗ trợ, bảo vệ và chuyển tuyến 141 người nghi là nạn nhân của tội phạm mua bán người, tăng 19 vụ, 56 đối tượng với 120 người nghi là nạn nhân so với đợt cao điểm năm 2022.
Trong giai đoạn trước đây, từ năm 2012 đến năm 2020, mua bán người chủ yếu là mua bán người ra nước ngoài, chiếm trên 85% số vụ, thời gian gần đây xuất hiện ngày càng nhiều vụ mua bán người ở trong nước. Riêng năm 2022, số vụ mua bán trong nước chiếm trên 45% tổng số vụ.
Tại Việt Nam, với sự phát triển của Internet và mạng xã hội hiện nay, tội phạm mua bán người đã lợi dụng triệt để không gian mạng để thực hiện hành vi phạm tội.
Các đối tượng Nguyễn Văn Hưng, Vũ Văn Dân, Bùi Văn Chung (từ trái sang) bị bắt vì tội mua bán người tại Cơ quan Điều tra tỉnh Thái Bình. (Ảnh: TTXVN phát) |
Không trực tiếp tiếp xúc với nạn nhân, các đối tượng sử dụng các tài khoản ẩn danh, sim điện thoại không chính chủ để kết bạn, làm quen, hứa đưa ra nước ngoài làm việc có thu nhập cao, hoặc lấy chồng người nước ngoài rồi tìm cách đưa “con mồi” ra nước ngoài.
Gần đây, cơ quan chức năng phát hiện ngày càng nhiều vụ mua bán người để ép nạn nhân làm mại dâm hoặc cưỡng bức lao động gây bất an, lo âu trong nhân dân.
Theo đánh giá của lực lượng chức năng, thời gian tới, dự báo tình hình tội phạm mua bán người vẫn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguyên nhân phát sinh như lợi dụng tình trạng đưa người di cư trái phép, thiếu lao động phổ thông, mất cân bằng giới tính; lợi dụng công nghệ thông tin tuyển dụng lao động xuất khẩu trái phép; thiếu việc làm, đói nghèo; lợi dụng sơ hở trong quản lý nhà nước... , dẫn tới sự gia tăng tội phạm mua bán người.
Bên cạnh đó, sự nhẹ dạ, cả tin của người dân, trong đó phần lớn là phụ nữ, trẻ em là cơ sở chính để tội phạm mua bán người lợi dụng.
Trước diễn biến phức tạp cùng hệ lụy xã hội do tội phạm mua bán người gây ra, Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết Bộ, các ngành chức năng và các địa phương trên cả nước đã triển khai nhiều chiến dịch, các chương trình hỗ trợ để giúp nạn nhân tránh nguy cơ sa vào các tệ nạn xã hội và bị tái mua bán.
Các chiến sỹ công an xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) tuyên truyền pháp luật cho đồng bào dân tộc Khơ Mú ở bản Đỉnh Sơn 1 nhận diện các thủ đoạn, phương thức của tội phạm mua bán người, bào thai. (Ảnh: Văn Tý/TTXVN) |
Công tác tuyên truyền về phòng, chống mua bán người đang được các tỉnh, thành phố xác định là công tác trọng tâm và được quan tâm chỉ đạo thực hiện. Nội dung tuyên truyền tập trung vào thủ đoạn của tội phạm mua bán người; trách nhiệm của cá nhân, gia đình, xã hội trong phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân; chế độ, chính sách của Nhà nước đối với nạn nhân bị mua bán trở về.
Nội dung trên được các tỉnh, thành phố truyền tải thông qua các phương tiện thông tin đại chúng với nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Các tỉnh, thành phố đã lồng ghép tuyên truyền phòng, chống mua bán người, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán với phòng, chống mại dâm, cai nghiện ma túy và phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS, chú trọng hoạt động tuyên truyền trong học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng nghề, công nhân lao động khu công nghiệp, khu chế xuất; thanh niên thiếu việc làm, nhất là nữ thanh niên khu vực nông thôn để phòng ngừa nguy cơ bị mua bán.
Năm 2023, các tỉnh, thành phố trên cả nước đã tổ chức gần 6.000 buổi truyền thông với trên 350.000 lượt người dự, xây dựng hơn 4.000 pano, ápphích; cấp phát 337.445 tờ rơi, sách mỏng có nội dung về phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân; đăng tải hàng nghìn tin, bài về công tác phòng, chống mua bán người, tuyên truyền 15.579 lượt trên hệ thống truyền thanh từ huyện đến xã, thôn về phương thức thủ đoạn của tội phạm mua bán người và các văn bản liên quan đến Luật phòng, chống mua bán người.
Theo TTXVN
https://www.vietnamplus.vn/tinh-hinh-mua-ban-nguoi-van-dien-bien-phuc-tap-tren-pham-vi-ca-nuoc-post915572.vnp