Nhà văn Việt kiều Pháp và câu chuyện chiến thắng COVID-19 nhờ bản lĩnh Việt
Chương trình Ngày trở về 2021 được dẫn dắt bởi MC Khắc Nguyện và nhà văn Hồng Vân - Ảnh: VTV |
Với chủ đề 'Trái tim có nắng', chương trình Ngày trở về năm nay đã tái hiện câu chuyện của những người Việt trên khắp thế giới trong cuộc chiến với COVID-19, có nước mắt, có nụ cười và trên tất cả là niềm tự hào về bản lĩnh, khí chất Việt Nam.
Đó là câu chuyện của nhà văn Việt kiều Pháp - Bùi Hồng Vân, người đã vừa chiến đấu với căn bệnh đã làm hàng triệu người tử vong trên toàn cầu trong năm vừa qua: COVID-19.
Chưa đầy một tuần sau lệnh phong tỏa Pháp, nhà văn Hồng Vân biết mình bị lây nhiễm COVID-19 từ cộng đồng. Khi thuốc giảm sốt không có một chút hiệu nghiệm, người cô bắt đầu đau và khó chịu khác thường, không giống mọi lần ốm trước. Mỗi giờ trôi qua là khẳng định cho mình điều mà không ai mong muốn.
"Trong lúc hoang mang về bệnh của mình, tôi dự định sẽ đi siêu thị để dự trữ lương thực. Thế nhưng, dù đã trang bị đầy đủ đồ bảo hộ, tôi vẫn chần chừ. Tôi cứ đi ra đi vào quanh cửa, và rồi quyết định sẽ không ra ngoài vì lo mình sẽ lây virus cho những người khác. Tôi quyết định lau chùi cửa thang máy rồi đi vào nhà. Cũng may, con trai tôi trước khi rời đi cũng đã mua đủ đồ ăn tích trữ cho mẹ. Và thế là tôi tự mình cách ly giữa bốn bức tường. Hiếm bao giờ cảm giác cô đơn thế" - nhà văn Hồng Vân bồi hồi nhớ lại những giờ phút đầu tiên khi biết mình đã nhiễm virus Corona ở Pháp.
Cô cũng chia sẻ, trong những ngày một mình chống chọi với bệnh tật, chính dòng máu Việt, tinh thần Việt chảy trong huyết thanh của cô đã giúp cô vượt qua được nghịch cảnh.
"Trong cuộc khủng hoảng của toàn xã hội, tôi nhận ra rằng mình không thể trông chờ sự giúp đỡ từ ai cả. Tôi phải tự cứu lấy mình, như ngày nhỏ bố tôi vẫn hay dạy: "Con sẽ phải chịu trách nhiệm cho quyết định của con!". Tôi chắc rằng điều khiến mình chiến thắng đại dịch chính là nhờ hạt mầm "kháng thể" mà tôi đã được bố mẹ gieo cho mình từ tấm bé.
Là một người đã từng có tuổi thơ đi qua chiến tranh tại Việt Nam, tôi chiêm nghiệm ra rằng kháng thể để người Việt vượt qua tất cả những điều kinh khủng đó nằm chính trong bản thân chúng ta. Nó là mầm phẩm chất, mầm kiên định, can đảm… sâu thấm xuyên nhiều thế hệ. Đó là nguồn sống Việt, càng gặp khó khăn, càng bị dày vùi, thì lại càng mạnh mẽ và lớn lao."
Nữ nhà văn người Việt đã tự chữa trị cho mình bằng mọi cách. Từ việc tự chăm sóc chế độ ăn uống cho mình cho đến việc tập luyện để có sức khoẻ. Và hơn cả, là "cái đầu thắng cái thân" - luôn nghĩ đến những điều tích cực, tới sự yêu thương của mọi người.
"Kể cả khi ngủ, kể cả khi tôi gần như bất tỉnh, gần như hôn mê… điện thoại luôn để trên ngực. Mỗi lần điện thoại rung, là một nguồn sống truyền tiếp vào tim cho tôi" - chị Vân xúc động.
Nhà văn Hồng Vân là đại diện của lớp người Việt Nam đang sống ở nước ngoài đã vượt qua mọi cuộc khủng hoảng bằng niềm tin tuyệt đối vào tinh thần và phẩm chất Việt. Cái nhìn và đánh giá sâu sắc qua ngòi bút sắc sảo của chị chính là một phần không thể thiếu để giúp Ngày trở về năm nay lột tả hết mọi khía cạnh, phẩm chất và sự tương thân tương ái của người Việt trong khủng hoảng.
Tinh thần tương thân tương ái đó còn được hiển lộ trong câu chuyện của bác sĩ Tiền Võ, Tổng giám đốc Trung tâm Y khoa Vo tại El Centro và Calexico, vùng đất xa xôi hẻo lánh ở bang California, Mỹ, ở gần biên giới với Mexico.
Bác sĩ Tiền Võ trong phòng xét nghiệm COVID-19 mà anh tự mở cùng người vợ của mình tại El Centro và Calexico đã cứu giúp được nhiều mạng sống của người dân nơi đây - Ảnh: NVCC |
Trước cơn bão của COVID-19, tưởng chừng như mảnh đất này sẽ gục ngã trước dịch bệnh, nhưng nhờ tinh thần xả thân của bác sĩ Tiền Võ và người vợ Vy Nguyễn, những người dân nghèo tại đây đã được xét nghiệm COVID-19 sớm nhất toàn bang. Nhiều bệnh nhân nghèo với hoàn cảnh khốn cùng, tuyệt vọng đã được bác sĩ Tiền Võ cứu ngay trước khi họ rơi vào lưỡi hái tử thần.
Họ rơi nước mắt trước những nghĩa cử cao đẹp và lòng nhân ái mà một bác sĩ gốc Việt tại vùng đất khó khăn này. Không những thế, những bệnh nhân đã được anh Tiền Võ chữa khỏi đã lập thành nhóm thiện nguyện đi phát đồ ăn cho những người khó khăn do dịch bệnh. Báo chí sở tại đã ca ngợi bác sĩ Tiền Võ là "ngôi sao chống dịch”.
Đó là câu chuyện của giáo sư Tâm Vũ, giáo sư người Việt giảng dạy tại hai trường đại học lớn danh tiếng ở nước ngoài: Colorado (Mỹ) và Oxford (Anh), sở hữu 27 bằng phát minh tại Mỹ, đồng thời là người đang khởi nghiệp với doanh nghiệp công nghệ Earable.
Chiếc máy kỳ diệu, giúp con người ngủ ngon hơn, sâu hơn, nhanh hơn, xua tan đi những căng thẳng của áp lực cuộc sống, đặc biệt là áp lực bị phong tỏa ở nhà trong dịch COVID-19 - Ảnh: NVCC |
Trong khi giới công nghệ trên thế giới điêu đứng vì dịch, thì anh đã “biến nguy thành cơ”, tận dụng nguồn vốn nhàn rỗi và nhân lực tốt đang chưa có việc làm cho sự phát triển của mình. Anh cũng sáng tạo ra một chiếc máy kỳ diệu, giúp con người ngủ ngon hơn, sâu hơn, nhanh hơn, xua tan đi những căng thẳng của áp lực cuộc sống, đặc biệt là áp lực bị phong tỏa ở nhà trong dịch COVID-19.
Triết lý của anh là luôn phải tìm kiếm cơ hội trong những lúc khủng hoảng, những công ty có thể vươn lên sau “cơn bão hủy diệt” để đón ánh nắng đầu tiên sẽ là những công ty mạnh nhất sau này.
Những câu chuyện trong chương trình Ngày trở về 2021 đã cho khán giả thấy rằng, bệnh dịch hay bất cứ một thảm họa nào đều đáng sợ, nhưng lạ kỳ thay, nó lại như hồi chuông thức tỉnh, bắt mỗi chúng ta phải tìm được lòng can đảm trong nỗi sợ hãi, tìm được nguồn gắn kết trong cảnh chia ly, và tìm được tình yêu trong sự thù hận.
Tất cả đều phải xuất phát từ bên trong, từ những giá trị thẳm sâu được truyền lại qua nhiều thế hệ người Việt. Nó là một mạch nguồn thường trực âm thầm, mãnh liệt, như nhựa sống luôn chảy trong thân cây dù mùa đông có lạnh lẽo đến chừng nào, chờ ngày xuân tới, lại bung ra những mầm xanh.
Pháp mùa COVID Trước thềm năm mới, bộ trưởng y tế Pháp nói “Cách ăn Tết tốt nhất là đừng ăn Tết”. Giáng Sinh không giới nghiêm, Giao thừa giới nghiêm, hạn chế 6 người tại nhà, 100 nghìn cảnh sát tăng cường tuần đêm… “Giờ cao điểm” đã trôi qua tương đối êm thấm, nhưng liệu đại dịch sẽ bùng phát dữ dội hơn sau các ngày lễ chăng? |
Những ngôi chùa ở Pháp mà Việt Kiều nên đi lễ đầu năm Đi lễ chùa đầu năm là một nét đẹp văn hóa tâm linh không thể thiếu của bà con người Việt tại Pháp mỗi dịp Tết đến, Xuân về để cầu sức khỏe, cầu an, cầu lộc cho gia đình, người thân...Tại Pháp có rất nhiều chùa, những ngôi chùa quen thuộc không chỉ với người Việt mà còn với cả cộng đồng người Pháp. |
Điện Biên: Ngăn chặn Covid 19 từ biên giới Tăng cường các biện pháp ngăn chặn, phòng ngừa ngay từ tuyến biên giới, thực hiện nghiêm việc cách ly, đó là những biện pháp mà tỉnh Điện Biên đưa ra trong công tác phòng chống dịch Covid 19 trên địa bàn. |