Mối tình của công chúa Việt Nam và thương nhân Nhật Bản: Sợi dây gắn kết giữa hai đất nước
Bộ truyện tranh “Công nữ Anio: Nàng công nữ vượt đại dương” do Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành. |
Được giới thiệu chính thức tại sự kiện Vietnam - Japan Comic Fes 2023 (Lễ hội truyện tranh và hoạt hình Việt Nam - Nhật Bản có bản quyền được tổ chức thường niên) vào cuối tháng 6 vừa qua, nhưng bộ truyện “Công nữ Anio: Nàng công nữ vượt đại dương” lại được độc giả đặc biệt chú ý.
Bộ truyện kể lại mối tình của công chúa Ngọc Hoa con gái nuôi của chúa Nguyễn Phúc Nguyên, với thương nhân Nhật Bản Araki Sotaro vào đầu thế kỷ XVII.
Được biết, bản tiếng Nhật của bộ truyện do Neo Story (Nhật Bản) sản xuất, Nhà xuất bản Kim Đồng dịch và phát hành tại Việt Nam. Phiên bản trực tuyến ra mắt vào tháng 7, truy cập miễn phí trên https://japanvietnam50.org/vi - trang web kỷ niệm 50 năm ngoại giao giữa hai nước.
Khi vẽ xong "Công nữ Anio", tôi đã suy ngẫm lại mối liên hệ giữa bản thân và Việt Nam, bồi hồi khi nghĩ rằng bộ trà cụ "An Nam sứ" mà tôi đã sử dụng trong một thời gian dài để pha trà đạo có thể đã được du nhập vào Nhật Bản từ thời Công nữ Anio và vận chuyển bằng thuyền Araki. Tôi cảm thấy vui và may mắn khi vừa vẽ vừa có cơ hội học hỏi thêm về lịch sử. Thông qua hai phần của tác phẩm này, tôi hy vọng các bạn độc giả có thể cảm nhận câu chuyện tình yêu từ thời xa xưa. Nữ tác giả Higashimura Akiko |
Tôn trọng lịch sử nhưng để phù hợp nhiều lứa tuổi độc giả và chuẩn phong cách manga, bộ truyện “Công nữ Anio: Nàng công nữ vượt đại dương” có nét vẽ hiện đại, dễ thương. Một số chi tiết nhỏ được tác giả tưởng tượng và sáng tác, để khắc họa tính cách hoạt bát, ham học hỏi của nàng Ngọc Hoa và sự chín chắn, đáng tin cậy của chàng Araki Sotaro.
Cách đây 400 năm, Araki Sotaro, một thương nhân Nhật Bản, đã cùng thủy thủ đoàn của mình trên thương thuyền Châu Ấn (thuyền Araki) đi từ Nagasaki đến vùng đất Quảng Nam (miền Trung Việt Nam ngày nay). Vượt qua bão lớn, trải qua thời gian, Sotaro đã có cuộc gặp gỡ định mệnh với công nữ Ngọc Hoa, công chúa của xứ Đàng Trong và nên duyên vợ chồng. Sau đó, Công nữ Ngọc Hoa vượt biển theo chồng về làm dâu ở Nagasaki.
Đáng tiếc là sau đó những biến động của thời cuộc đã khiến Araki Sotaro phải ngừng mọi hải trình, nàng Ngọc Hoa không một lần được trở về thăm quê nhà Việt Nam.
Công nữ Ngọc Hoa được người dân bản địa yêu mến và đến tận bây giờ, người dân vùng này vẫn nhắc nhớ đến cô với cái tên “Công nữ Anio”. Lễ rước kiệu đón Anio-san còn được nhân dân địa phương tái hiện trong lễ hội Okunchi, lễ hội mùa thu vào tháng 9 hằng năm.
Được biết, tại Hội An (Quảng Nam), Lễ hội giao lưu văn hóa Hội An - Nhật Bản đều đặn diễn ra vào tháng 8 cũng có diễn hoạt cảnh đám cưới công nữ Ngọc Hoa và thương nhân Araki Sotaro với những màn biểu diễn độc đáo, để lại trong lòng người dân và du khách nhiều trải nghiệm thú vị và cảm xúc tốt đẹp.
Mối duyên lành của công chúa Ngọc Hoa và người chồng Nhật bấy giờ đã góp phần thúc đẩy hoạt động giao thương trên biển và giao lưu giữa người dân hai nước. Đây cũng là một trong những sợi dây gắn kết hai quốc gia.
Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào tháng 9/1973 đến nay, Nhật Bản trở thành một trong những đối tác thương mại, du lịch, đầu tư, giáo dục, trao đổi văn hóa và hợp tác lao động hàng đầu của Việt Nam.
Yếu tố cốt lõi tạo gắn kết lâu dài giữa Việt Nam và Kazakhstan Để thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị giữa nhân dân hai nước ngày càng bền vững, con người chính là yếu tố cốt lõi tạo nên sự gắn kết lâu dài giữa Việt Nam và Kazakhstan. | ||
Thúc đẩy hợp tác giữa tỉnh Hòa Bình và Hội hữu nghị Nhật Bản - Việt Nam tỉnh Hiroshima Đây là nội dung được trao đổi tại buổi làm việc giữa đoàn công tác Hội hữu nghị Nhật Bản - Việt Nam tỉnh Hirosima do bà Miyuki Sakuma, Chủ tịch Hội làm trưởng đoàn và Chủ tịch UBND tỉnh Hoà Bình Bùi Văn Khánh sáng 22/8 tại Hòa Bình.
|