Yếu tố cốt lõi tạo gắn kết lâu dài giữa Việt Nam và Kazakhstan
Đây là phát biểu của Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hoà Kazakhstan tại Việt Nam Yerlan Baizhanov nhân dịp Tổng thống Cộng hòa Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev thăm chính thức Việt Nam từ ngày 20-22/8/2023.
Theo Đại sứ Yerlan Baizhanov, nền tảng quan hệ tốt đẹp mà lãnh đạo, nhân dân Việt Nam và Kazakhstan đã xây dựng trong những năm qua chính là động lực để thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước lên tầm cao mới trong tương lai.
"Chúng ta cần tuyên truyền cho người dân hai nước, đặc biệt là thế hệ trẻ hiểu rõ về quan hệ hữu nghị truyền thống của hai dân tộc Việt Nam - Kazakhstan. Từ đó, giúp họ hiểu biết sâu sắc hơn và có ý thức cùng nhau chung tay xây dựng, thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị song phương này ngày càng phát triển tốt đẹp", Đại sứ nói.
Tổng thống Cộng hòa Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev (Ảnh: Reuters). |
Kazakhstan và Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 29/6/1992. Hơn 30 năm qua, quan hệ hợp tác giữa hai nước đã đạt được những kết quả tích cực. Hai nước đã duy trì việc trao đổi các chuyến thăm cấp cao; duy trì đối thoại chính trị thường xuyên ở tất cả các cấp; tăng cường trao đổi tại các diễn đàn song phương và đa phương như Liên hợp quốc, ASEM, CICA, IAEA, góp phần củng cố hòa bình và an ninh toàn cầu.
Hợp tác kinh tế là trụ cột quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Kazakhstan. Kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước đã tăng gấp khoảng 3 lần so với thời điểm trước khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EAEU được ký, năm 2022 đạt hơn 525 triệu USD.
Hai bên đã ký kết thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực văn hóa và thể thao. Bên cạnh đó, du lịch cũng là lĩnh vực hợp tác có tiềm năng lớn. Trung bình lượng khách du lịch từ Kazakhstan sang Việt Nam đạt khoảng 10.000 lượt mỗi năm và có xu hướng tiếp tục tăng.
Đại sứ Yerlan Baizhanov cho biết, sau đại dịch, trong bối cảnh bất ổn địa chính trị ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu, hai nước đang tìm kiếm các đối tác mới trong lĩnh vực thương mại - đầu tư để hỗ trợ nền kinh tế đang phát triển năng động. Điều này mở ra những cơ hội hợp tác cho cả hai bên. Kazakhstan đang tích cực phát triển quá cảnh thương mại qua lãnh thổ của mình, có thể mang đến cho Việt Nam cơ hội xây dựng một trung tâm trung chuyển hàng hóa, đưa nhiều chủng loại hàng hóa khác nhau từ Việt Nam và các nước thành viên ASEAN thâm nhập vào các thị trường mới.
Những năm gần đây, nhiều công ty, tập đoàn hàng đầu về công nghệ thông tin, các doanh nghiệp sản xuất ô tô Hàn Quốc, Nhật Bản đã đến Việt Nam đầu tư xây dựng khu công nghiệp và các cơ sở sản xuất, đưa Việt Nam trở thành đầu tàu kinh tế trong khu vực. Do đó, các nhà đầu tư Kazakhstan đặc biệt quan tâm và muốn cùng các đối tác Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm trong công tác quản lý, thu hút đầu tư…
Trong lĩnh vực tài chính - công nghệ, Kazakhstan có thể cung cấp các công nghệ tài chính tiên tiến trong lĩnh vực ngân hàng và thương mại điện tử.
Kazakhstan cũng quan tâm và mong muốn triển khai hợp tác với Việt Nam trong các ngành nghề khác như dệt may và chế biến thực phẩm; hợp tác trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục, du lịch...
Nhận lời mời của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Võ Văn Thưởng, Tổng thống Cộng hòa Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev thăm chính thức Việt Nam từ ngày 20-22/8/2023. Chuyến thăm nhằm tăng cường quan hệ song phương giữa hai nước trên tất cả các lĩnh vực hợp tác. Điều này đã được Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev tuyên bố trong cuộc gặp với Phó Chủ tịch nước Việt Nam Võ Thị Ánh Xuân bên lề Hội nghị Thượng đỉnh CICA lần thứ 6 tổ chức tại Astana vào tháng 10 năm ngoái. Lãnh đạo Kazakhstan dự kiến sẽ hội kiến với các lãnh đạo cấp cao của Việt Nam: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Dự kiến trong khuôn khổ chuyến thăm, hai bên sẽ ký kết hơn 10 thỏa thuận. Trong số đó có Kế hoạch phối hợp hành động nhằm thúc đẩy phát triển hợp tác kinh tế-thương mại, tạo tiền đề cơ bản mới cho hợp tác kinh tế; thỏa thuận về chế độ miễn thị thực cho công dân hai nước... |