Liên hợp quốc: Cần hành động khẩn cấp để ngăn chặn nạn đói tại Somalia
Nói với báo chí, ông Abdelmoula nhấn mạnh: "Somalia đang trên bờ vực của nạn đói", có thể cướp đi sinh mạng của hàng trăm nghìn người. Kể từ đầu năm, tình trạng khẩn cấp về hạn hán ở Somalia đã trở nên tồi tệ hơn và nguy cơ về một thảm họa đang ngày càng rõ nét.
Khoảng 7,1 triệu người Somalia hiện đang đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng do hạn hán và giá lương thực toàn cầu ở gần mức kỷ lục - Ảnh: Reuters. |
Điều phối viên nhân đạo của LHQ Adam Abdelmoula đã nêu lên thực trạng hiện nay tại Somalia, theo đó 4 mùa mưa liên tiếp đã không đủ để cung cấp nước, gây ra đợt hạn hán tồi tệ nhất ở Somalia trong ít nhất 4 thập niên. Trong khi đó, giá lương thực tăng vọt và hàng triệu người dân vẫn chưa thể tiếp cận hỗ trợ nhân đạo trong bối cảnh các nguồn lực đáp ứng nhu cầu của người dân vẫn còn hạn chế.
Theo số liệu của LHQ, khoảng 7,1 triệu người Somalia hiện đang đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng - một nửa dân số của nước này sẽ không thể duy trì lượng thức ăn tối thiểu và có thể phải bán tài sản để sống qua ngày. Cùng với đó, hơn 805.000 người đã phải rời bỏ nhà cửa lánh nạn.
Khoảng 213.000 người Somalia đang đối mặt với nguy cơ chết đói, tăng gần ba lần so với mức dự báo hồi tháng 4 - theo tuyên bố chung từ Chương trình Lương thực Thế giới (WFP), Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA).
Không chỉ vậy, quốc gia châu Phi còn phải tiếp tục trải qua nạn hạn hán. Các nhà khí tượng học cảnh báo lượng mưa vẫn sẽ ở mức dưới trung bình vào cuối năm nay do khí hậu thế giới trở nên thất thường hơn.
Bên cạnh đó, hạn hán kéo dài từ giữa năm 2021 đã giết chết khoảng 3 triệu gia súc ở Somalia - một con số khủng khiếp đối với quốc gia phụ thuộc vào ngành chăn nuôi. Các gia đình Somalia sống dựa vào nguồn thịt, sữa và thu nhập từ gia súc.
Nạn đói đặc biệt nguy hiểm đối với miền Nam Somalia. Sự hiện diện của các chiến binh thuộc nhóm vũ trang al-Shabab khiến khu vực này khó có thể tiếp cận các nguồn trợ cấp nhân đạo.
Cũng theo LHQ, Kế hoạch Ứng phó Nhân đạo năm 2022 của tổ chức chỉ có thể tài trợ 18% cho Somalia. Nước này cũng phải cạnh tranh nguồn tài trợ với các điểm nóng khẩn cấp khác trên thế giới trong bối cảnh tình trạng mất an ninh lương thực lan rộng toàn cầu.
Trước tình hình đó, ông Abdelmoula cho rằng nếu không có hành động khẩn cấp, Somalia chắc chắn sẽ rơi vào nạn đói. Bên cạnh việc bảo vệ mạng sống và ngăn chặn nạn đói, cộng đồng quốc tế cũng phải đầu tư vào sinh kế bền vững, khả năng phục hồi, phát triển cơ sở hạ tầng, thích ứng với khí hậu và các giải pháp lâu bền.
Được biết, năm 2011, nạn đói khiến khoảng 250.000 người thiệt mang ở Somalia - một nửa trong số họ là trẻ em dưới 6 tuổi.
Ứng dụng công nghệ và khuyến khích sự tham gia của cộng đồng để ngăn chặn nạn tảo hôn Kết hôn trẻ em, kết hôn sớm và cưỡng ép kết hôn là một vấn đề toàn cầu ảnh hưởng nghiêm trọng tới nhiều triệu trẻ em gái. Ước tính tới năm 2030, sẽ có hơn 800 triệu phụ nữ trên toàn cầu phải chịu đựng các hậu quả của tảo hôn, so với con số 650 triệu hiện nay. |
Nghị quyết về an ninh lương thực toàn cầu được Liên Hợp Quốc thông qua không cần bỏ phiếu Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) đã thông qua nghị quyết kêu gọi cộng đồng quốc tế khẩn trương phối hợp, hỗ trợ các nước bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng an ninh lương thực. |