Lịch sử hình thành và phát triển Liên hiệp các tổ chức hữu nghị giai đoạn xây dựng và bảo vệ đất nước
Sau chiến thắng 30/4/1975, miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất, cả nước cùng bước vào thời kỳ quá độ xây dựng chủ nghĩa xã hội với hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trước bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế với những thuận lợi cũng như khó khăn thách thức, Hội nghị Trung ương lần thứ 24 khoá III họp tháng 9/1975 đã nêu: “Nhiệm vụ công tác đối ngoại của Đảng và nhà nước ta là: Tích cực tranh thủ điều kiện quốc tế thuận lợi để nhanh chóng xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, đồng thời củng cố quốc phòng và an ninh; phát huy tác dụng của Đảng ta và nước ta trong cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội. Tăng cường đoàn kết với Lào và Campuchia, thực hiện hợp tác lâu dài, giúp đỡ lẫn nhau, làm cho ba nước Đông Dương trở thành lực lượng vững chắc của cách mạng và hoà bình ở Đông Nam Á. Củng cố và tăng cường quan hệ hợp tác giữa nước ta và các nước xã hội chủ nghĩa anh em. Xây dựng quan hệ hợp tác giữa nước ta và các nước thế giới thứ 3 cùng các nước khác trên cơ sở 5 nguyên tắc cùng tồn tại hoà bình.”
Đoàn Ủy ban hòa bình Việt Nam dự Hội nghị tư vấn các nước Xã Hội Chủ Nghĩa tại Na-khốt-ca (Liên xô cũ) vào tháng 10/1981 (Ảnh tư liệu). |
Với chính sách đối ngoại như trên, ngay sau khi miền Nam được giải phóng, Bộ Chính trị và Ban Bí thư chủ trương thống nhất sự lãnh đạo của Đảng đối với toàn bộ hệ thống chính trị trong đó có các hoạt động đối ngoại nói chung và đối ngoại nhân dân nói riêng. Ban Quốc tế Nhân dân tiếp tục tồn tại và hoạt động, có bổ sung chức năng, nhiệm vụ, tổ chức và nhân sự của đơn vị làm đối ngoại nhân dân của CP72. Lãnh đạo Ban tiếp tục là đồng chí Xuân Thủy, Trưởng Ban và đồng chí Lê Toàn Thư, Phó Trưởng Ban. Từ năm 1976, các tổ chức hòa bình, đoàn kết, hữu nghị của hai miền Nam Bắc đều lần lượt hợp nhất, cùng đặt dưới sự chỉ đạo của Ban Quốc tế Nhân dân. Ban Quốc tế Nhân dân có hai nhiệm vụ: nghiên cứu và quản lý các hoạt động đối ngoại của các tổ chức nhân dân và nghiên cứu và trực tiếp tổ chức thực hiện các hoạt động hoà bình, đoàn kết, hữu nghị.
Tháng 3/1982, Đại hội lần thứ 5 của Đảng đã đề ra mục tiêu của chính sách đối ngoại là “cần ra sức tranh thủ các điều kiện quốc tế thuận lợi và, tranh thủ sự ủng hộ quốc tế to lớn và nhiều mặt cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Đại hội khẳng định “quan hệ toàn diện với Liên Xô là hòn đá tảng trong chính sách đối ngoại của Đảng và nhà nước ta”. Hoạt động của các tổ chức hòa bình, đoàn kết, hữu nghị được tăng cường và mở rộng. Năm 1984, Đảng đoàn Ủy ban đoàn kết, hữu nghị với nhân dân các nước được thành lập, với nhiệm vụ chỉ đạo hoạt động của tất cả các tổ chức hòa bình, đoàn kết, hữu nghị. Đồng chí Trịnh Ngọc Thái được cử làm Bí thư Đảng đoàn. Tháng 12/1986, Đại hội lần thứ VI của Đảng khởi xướng quá trình đổi mới toàn diện, trong đó có đổi mới tư duy đối ngoại.
Tháng 8/1988, Bộ Chính trị khoá VI ra Nghị quyết số 13, đánh dấu việc đổi mới tư duy đối ngoại theo hướng đa dạng hoá, đa phương hóa quan hệ đối ngoại. Nghị quyết nêu rõ chủ trương góp phần giải quyết vấn đề Cam-pu-chia, bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc, cải thiện quan hệ và mở rộng quan hệ với các nước Tây Bắc Âu và Nhật Bản, từng bước bình thường hoá quan hệ với Mỹ. Tháng 5/1989, Ủy ban Việt Nam đoàn kết, hữu nghị với nhân dân các nước đổi tên thành Liên hiệp các tổ chức hòa bình, đoàn kết, hữu nghị Việt Nam. Bà Nguyễn Thị Bình được cử làm Chủ tịch kiêm Bí thư Đảng đoàn. Tháng 6/1989, Ban Điều phối viện trợ nhân dân (PACCOM) được thành lập như một đơn vị trong Liên hiệp các tổ chức hòa bình, đoàn kết, hữu nghị Việt Nam. Từ đó, Liên hiệp có thêm nhiệm vụ làm đầu mối vận động và quản lý các tổ chức phi chính phủ nước ngoài.
Đi bộ vì hoà bình Việt – Mỹ năm 1991 (Ảnh tư liệu). |
Sau Đại hội lần thứ VII của Đảng, ngày 10/01/1992, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Quyết định số 22/QĐ-TW tách Liên hiệp các tổ chức hòa bình, đoàn kết, hữu nghị Việt Nam khỏi Ban Đối ngoại Trung ương thành một tổ chức chính trị - xã hội độc lập, đánh dấu một thời kỳ phát triển mới của các hoạt động đối ngoại nhân dân trên các lĩnh vực hòa bình, đoàn kết, hữu nghị và quan hệ với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài.
Hoạt động đối ngoại nhân dân thời kỳ này tập trung theo định hướng của Đảng và nhà nước, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân thế giới với sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa, bảo vệ biên giới, lãnh thổ. Đối tác của các tổ chức hòa bình, đoàn kết, hữu nghị Việt Nam bước đầu được đa dạng hóa, nhưng chủ yếu vẫn thuộc các nước xã hội chủ nghĩa và đang phát triển.
Trong giai đoạn 1975-1992, các tổ chức hữu nghị nhân dân của Việt Nam tiếp tục củng cố, phát triển về mặt tổ chức.
Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Bạc Liêu: Đẩy mạnh vận động nguồn lực thực hiện an sinh xã hội Theo Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Bạc Liêu, năm 2023, đơn vị phấn đấu thực hiện tốt các nhiệm vụ công tác đối ngoại nhân dân theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, trong đó có đẩy mạnh vận động nguồn lực chăm lo cho người nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn. |
Giao lưu văn hóa Liên hiệp các tổ chức hữu nghị các tỉnh, thành miền Đông Nam bộ mở rộng Ngày 12/11, tại TP.Biên Hòa, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Đồng Nai tổ chức Chương trình giao lưu văn hóa giữa Liên hiệp các tổ chức hữu nghị các tỉnh, thành miền Đông Nam bộ mở rộng (Cụm 4) với Tổng Lãnh sự quán các nước tại TP.HCM. |