Quá trình hình thành và phát triển của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam
Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, nền ngoại giao hiện đại của Việt Nam từng bước hình thành một cách hoàn chỉnh, bao gồm ba bộ phận cấu thành đó là công tác đối ngoại của Đảng, ngoại giao Nhà nước và công tác đối ngoại nhân dân.
Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945. |
Trong giai đoạn 1945-1954, ngoại giao Việt Nam phục vụ hai nhiệm vụ kháng chiến, kiến quốc. Cách mạng Việt Nam mang tính chất nhân dân. Chiến tranh cách mạng Việt Nam là chiến tranh nhân dân, dựa vào sức mạnh đoàn kết toàn dân, mở rộng các mối liên hệ với nhân dân thế giới.
Để thực hiện nhiệm vụ trên, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ đã đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao, bao gồm đối ngoại nhân dân, có sách lược với từng đối tượng theo phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến”.
Đối ngoại nhân dân là lực lượng, binh chủng quan trọng của mặt trận ngoại giao. Qua mỗi giai đoạn của cuộc đấu tranh, đối ngoại nhân dân lại mang những nội dung và hình thức biểu hiện riêng. Thời kỳ bảo vệ và củng cố chính quyền cách mạng 1945-1946, thể hiện chủ yếu qua việc quần chúng nhân dân “biểu dương thực lực” ủng hộ chính quyền cách mạng.
Nhân dân Pháp biểu tình ủng hộ nhân dân Việt Nam kháng chiến. |
Đặc biệt, trong thời kỳ này, đối ngoại nhân dân đã phát huy vai trò trong việc tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của nhân dân thế giới đối với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Hoạt động ngoại giao của các đoàn thể nhân dân được thúc đẩy, đoàn đại biểu nhân dân đầu tiên đi tranh thủ quốc tế là đoàn đi dự Hội nghị Liên Á (New Delhi , Ấn độ, tháng 4/1947). Sau đó, đoàn của Việt Nam đã tham gia nhiều hoạt động đối ngoại nhân dân quốc tế, tham dự các hội nghị Quốc tế như Hội nghị Liên hiệp Công đoàn thế giới ở Milan (Italia), Đại hội liên hoan thanh niên sinh viên thế giới ở Budapest (Hungary, năm 1949), Hội nghị Công đoàn châu Á - Australia (Bắc Kinh, tháng 10/1949) … Cuối năm 1950, khi Hội đồng Hòa bình Thế giới chính thức được thành lập, Việt Nam được coi là một trong những thành viên sáng lập của Hội đồng.
Năm 1950, Trung Quốc, Liên Xô, các nước dân chủ nhân dân Đông Âu, Mông Cổ và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên lần lượt công nhận và đặt quan hệ ngoại giao với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Các hội hữu nghị của Việt Nam với nhân dân các nước xã hội xã hội chủ nghĩa cũng được thành lập.
Việt Nam chủ trương đoàn kết chặt chẽ với Lào, Campuchia trong cuộc kháng chiến chống kẻ thù chung, giành độc lập cho mỗi nước. Một trong những định hướng quan trọng của công tác đối ngoại và vận động quốc tế của Việt Nam trong thời kỳ này là đoàn kết với phong trào nhân dân Pháp đấu tranh cho dân sinh, dân chủ, hoà bình và chống chiến tranh Đông Dương. Thực hiện chủ trương này, tháng 7/1950, Đảng và nhà nước đã mời đồng chí Léo Figuères, Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Pháp, nghị sĩ Quốc hội, Tổng thư ký Hội Liên hiệp sinh viên Pháp, Phó Chủ tịch Liên đoàn thanh niên dân chủ thế giới, sang thăm vùng tự do Việt Bắc, sau đó Léo Figuères đã viết những bài báo quyết liệt đăng trên các báo ở Pháp. Phong trào chống chiến tranh ở Pháp ngày càng mạnh mẽ, từ đó xuất hiện những anh hùng phản chiến như bà Raymonde Dien - người nằm ngang trên đường xe lửa để ngăn cản một đoàn tàu chở vũ khí cho quân đội Pháp ở Việt Nam, ông Henri Martin - người đã phất cờ phản chiến trong hàng ngũ hải quân Pháp.
Ông Lê Đình Thám, Trưởng đoàn đại biểu của Việt Nam tại Hội nghị Hòa bình thế giới tổ chức tại Stockkhom, năm 1950. |
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã viết nhiều thư động viên binh lính và gia đình binh lính Pháp. Khẩu hiệu “Hoà bình và hồi hương” đã trở thành động lực thúc đẩy cuộc đấu tranh của nhân dân Pháp đòi chấm dứt chiến tranh, rút quân về nước. Từ Pháp, phong trào phản chiến đã lan rộng sang các nước Châu Âu khác, trong đó có các nước Bắc Âu.
Ngày 19/11/1950, Ủy ban Bảo vệ hoà bình thế giới của Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Chủ tịch Hồ Chí Minh được suy tôn là Chủ tịch danh dự; Bác sĩ Lê Đình Thám được bầu làm Chủ tịch.
Sự ra đời của Ủy ban Bảo vệ hòa bình thế giới của Việt Nam (tháng 5/1988 được đổi tên thành Ủy ban Hòa bình Việt Nam), tổ chức đối ngoại nhân dân đa phương đầu tiên được Đảng ta thành lập để hoạt động chuyên trách trong lĩnh vực hòa bình, đã gắn liền cuộc đấu tranh bảo vệ hòa bình giành độc lập dân tộc của nhân dân ta với sự nghiệp bảo vệ hòa bình của nhân dân toàn thế giới.
Ngày 17/11/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho Đại hội thành lập Ủy ban Bảo vệ hòa bình thế giới của Việt Nam, đã được chính thức lấy làm Ngày truyền thống của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam.
Tóm lại, trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, hoạt động đối ngoại nhân dân của Việt Nam, mà trọng tâm là hoạt động về hòa bình, đã tích cực phát huy tính chính nghĩa và đóng góp quan trọng trong các bước thắng lợi của Việt Nam. Với sự phối hợp và giúp đỡ của các tổ chức hòa bình quốc tế và quốc gia, trước hết là ở Pháp và các nước xã hội chủ nghĩa, đối ngoại nhân dân ta đã góp phần vận động được nhân dân nhiều nước ủng hộ cuộc kháng chiến của Việt Nam, đòi chấm dứt “cuộc chiến tranh bẩn thỉu” của Pháp ở Đông Dương, tác động tích cực vào việc ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, Lào, Campuchia.
Trong thời kỳ này, các tổ chức hữu nghị song phương và đa phương đầu tiên đã được thành lập (sau đó trở thành các tổ chức thành viên của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam). Hội Việt-Mỹ thân hữu thành lập năm 1945, Ủy ban Bảo vệ hòa bình thế giới của Việt Nam (1950), Hội Việt – Hoa hữu nghị (1950), Hội hữu nghị Việt – Xô (1950) và các hội hữu nghị song phương với các nước XHCN …
Bình Phước và Đắk Nông tổ chức Chương trình gặp gỡ hữu nghị và hợp tác nhân dân Việt Nam - Campuchia lần thứ 5 Từ ngày 5-8/11, tại 2 tỉnh Bình Phước và Đắk Nông, diễn ra Chương trình gặp gỡ hữu nghị và hợp tác nhân dân Việt Nam - Campuchia lần thứ 5 là một trong những hoạt động quan trọng trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Campuchia. |
Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đóng góp tích cực vào thành công Giải thông tin đối ngoại lần thứ VIII Tối 5/11 tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan đã tổ chức Lễ trao Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ VIII. Trong số 112 tác phẩm xuất sắc được vinh danh, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (VUFO) và bạn bè, đối tác quốc tế đóng góp 5 tác phẩm gồm: 1 giải Nhất, 1 giải Nhì, 2 giải Ba và 1 giải Khuyến khích. |