Ký ức về Hiệp định Paris 1973
Việt kiều cùng bạn bè Pháp vẫy cờ trên đường phố chung quanh Trung tâm Hội nghị quốc tế Kléber vào ngày ký kết Hiệp định Paris. (Ảnh: Lê Tấn Xuân) |
Sang Pháp năm 1964, tôi được các anh chị dẫn dắt tham gia phong trào yêu nước tại Pháp, lúc đó còn là Hội sinh viên Việt Nam tại Pháp.
Đại hội Liên hiệp Việt kiều tại Pháp năm 1969. (Ảnh: Lê Tấn Xuân) |
Sau này, trong lúc bắt đầu đàm phán Hiệp định Paris, Hội đã suy nghĩ và chuẩn bị Đại hội Việt kiều Pháp đoàn kết dân tộc và hợp thức hóa với chính quyền Pháp để đi đến Đại hội Liên hiệp Việt kiều tại Pháp năm 1969 với khẩu hiệu: "Đoàn kết và hòa giải dân tộc, yêu chuộng hòa bình và thống nhất đất nước bắc nam một nhà".
Những buổi tiếp xúc của hai đoàn với kiều bào. (Ảnh: Lê Tấn Xuân) |
Năm 1978 đại hội đổi tên Liên hiệp Việt kiều thành Hội Người Việt Nam tại Pháp cho đến hiện nay. Nhìn lại quá khứ, tôi rất vinh dự được tham gia vào các hoạt động ủng hộ công cuộc đấu tranh của đất nước.
Phong trào Việt kiều yêu nước tại Pháp đã nỗ lực hết mình cùng với Hội Hữu nghị Pháp-Việt và Đảng Cộng sản Pháp trong những năm tháng diễn ra đàm phán Hiệp định Paris, hỗ trợ tích cực về hậu cần cho 2 đoàn đàm phán. Gần 5 năm là một chặng đường vô vàn khó khăn và đáng nhớ đối với dân tộc Việt Nam và Việt kiều tại Pháp.
Tại Paris, thủ đô nước Pháp, phong trào Việt kiều tại Pháp hỗ trợ cả hai đoàn miền bắc và miền nam như nhau. Việt Nam ta là một. Hai đoàn tuy ở hai nơi nhưng có chung một mục tiêu đàm phán để giành lại hòa bình cho đất nước.
Phái đoàn đàm phán của Việt Nam. (Ảnh: Lê Tấn Xuân) |
Thắng lợi của Hiệp định Paris có sự đóng góp của bà con Việt kiều khi đó đang sinh sống, học tập và làm việc tại Pháp - những người đã thầm lặng giúp đỡ, bảo vệ và ủng hộ cho hai đoàn đàm phán của Việt Nam hoàn thành nhiệm vụ.
Trong thâm tâm những người con Việt Nam tại Pháp, đất nước cần, làm được gì, họ sẵn sàng làm dù khó khăn đến đâu, bởi họ biết những khó khăn ấy không thấm vào đâu so với những khổ sở mà đồng bào trong nước phải chịu lúc bấy giờ. Quê hương nghĩa nặng tình sâu trong lòng mỗi người Việt xa xứ. Kiều bào không thể tách rời dân tộc Việt Nam.
Có những thành viên của Hội Liên hiệp Việt kiều tại Pháp tham gia đoàn đàm phán Hiệp định Paris, cũng có những thành viên của hội âm thầm tham gia vào lực lượng hậu cần như hành chính, y tế, bảo vệ an ninh cho đoàn, nấu ăn và in ấn tài liệu, hay hợp tác với Hội Hữu nghị Pháp-Việt và Đảng Cộng sản Pháp huy động mít-tinh...
Trong suốt chặng đường gần 5 năm, Việt kiều bao giờ cũng liên hệ mật thiết với hai đoàn và khăng khít cùng nhau như người trong nhà. Mỗi lần Tết đến, nhân dịp tiếp xúc với kiều bào tại Pháp ở hội quán của Hội người Việt Nam tại Pháp hay dự buổi trình diễn văn nghệ của kiều bào mừng Tết tại nhà tương tế Maubert, đoàn thân thiết hỏi thăm và thường xuyên có buổi thông tin tình hình đất nước và biến chuyển của cuộc đàm phán.
Đoàn đàm phán Việt Nam tiếp xúc với kiều bào. (Ảnh: Lê Tấn Xuân) |
Có những lúc, để cho đoàn thư thả sau những buổi đấu trí căng thẳng trong đàm phán, hội tổ chức những buổi dã ngoại, mời cả đoàn đến dự; thân mật xưng hô "chị Hai" với chị Nguyễn Thị Bình, "anh Xuân" với anh Xuân Thủy, hay "anh Sáu" với anh Lê Đức Thọ.
Các dịp hỗ trợ hai đoàn liên tục trong gần 5 năm tạo mối gắn bó lâu dài của 2 đoàn với Việt kiều tại Pháp, để lại rất nhiều tình cảm không bao giờ quên.
Ngày 27/1/1973 là một dấu mốc lịch sử. Tôi cảm động rơi nước mắt, khi cờ đỏ sao vàng cùng với cờ xanh đỏ sao vàng bay phất phới dưới bầu trời mùa đông giá lạnh. Tôi cảm thấy ấm lòng và tự hào vì là người Việt Nam. Sáng 27/1/1973, Kiều bào hẹn nhau tại các ga tàu điện ngầm, tại các quán cà phê gần nơi diễn ra hội nghị, cờ đỏ sao vàng và cờ nửa đỏ nửa xanh sao vàng cất sẵn trong người.
Đến giờ hẹn, khi hai đoàn xe trên đường đến Trung tâm Hội nghị quốc tế Kléber, hàng nghìn kiều bào cùng bạn bè Pháp kịp thời tụ tập suốt dọc chặng đường vào nơi ký kết, vẫy cờ và hô vang chào đón thắng lợi của nhân dân Việt Nam. Cờ đỏ sao vàng cùng với với cờ nửa đỏ nửa xanh sao vàng phất phới trên lề đại lộ Kleber và tất cả hát lên bài ca "Như có bác Hồ trong ngày vui đại thắng".
Những chi hội của Hội Liên Hiệp Việt kiều tại các tỉnh ở Pháp tổ chức đến Paris để chào mừng ngày ký kết Hiệp định Paris với hành trình 700 hay 800km chỉ để đứng trước Trung tâm Hội nghị quốc tế Kléber phất cờ chào mừng phái đoàn ký kết hiệp định hòa bình cho đất nước Việt Nam rồi đi về.
Hiệp định Paris trong ký ức của người phiên dịch Là một thành viên của Phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Paris, ông Phạm Ngạc, nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức Quốc tế (Bộ Ngoại giao), nguyên Đại sứ Việt Nam tại Thụy Điển, kiêm nhiệm Phần Lan, Na Uy, Đan Mạch, Ireland dù ở tuổi 88 vẫn hào hứng, xúc động kể về những ngày đấu trí căng thẳng trên bàn đàm phán tại Hội nghị Paris, tiến tới Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. |
Hiệp định Paris: Chiến thắng vĩ đại của Việt Nam và nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới Tuyên truyền cho nhân dân thế giới hiểu về tính chất chính nghĩa cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam; tập hợp nhu yếu phẩm, hàng viện trợ; tổ chức các cuộc biểu tình phản đối chiến tranh ở Việt Nam, tích cực vận động dỡ bỏ lệnh cấm vận với Việt Nam, đấu tranh cho các chính sách hỗ trợ nạn nhân chiến tranh… Đó là một số những giải pháp được bạn bè quốc tế triển khai để ủng hộ cuộc kháng chiến của Việt Nam. Sự ủng hộ đó đã góp phần quan trọng làm nên thắng lợi của Hiệp định Paris 50 năm trước và thiết thực vun đắp cho quan hệ hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân các nước hôm nay. |