Kon Tum đã huy động đầu tư gần 112.600 tỷ đồng cho vùng đồng bào DTTS và miền núi
Theo báo cáo tại Đại hội, Kon Tum là địa phương có 83 xã thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi (50 xã đặc biệt khó khăn, biên giới, an toàn khu); 498 thôn (làng) vùng đồng bào DTTS. Đời sống nhân dân vùng đồng bào DTTS còn gặp nhiều khó khăn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới.
Trong những năm qua, việc thực hiện các chính sách, chương trình, dự án cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi trên địa bàn tỉnh Kon Tum đạt được những kết quả quan trọng, góp phần làm khởi sắc, đổi mới bộ mặt nông thôn, cải thiện đời sống của vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi.
Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum lần thứ IV, năm 2024 có sự hiện diện của 245 đại biểu chính thức đại diện cho hơn 324.000 đồng bào DTTS sinh sống trên địa bàn tỉnh - (Ảnh: www.kontum.gov.vn). |
Tính từ năm 2016 đến nay, tổng nguồn vốn huy động đầu tư cho vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh là 112.579 tỷ đồng; đã đầu tư mới, sửa chữa, duy tu bảo dưỡng 1.162 công trình; hỗ trợ cây, con giống, chuồng trại chăn nuôi, máy móc thiết bị, công cụ lao động; xây dựng các mô hình phát triển sản xuất; hỗ trợ nâng cao năng lực, trình độ sản xuất cho hộ thuộc diện nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ đồng bào DTTS rất ít người.
Đến nay, đã có 15.343 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo là đồng bào DTTS (chiếm trên 74,61%) đã thay đổi nếp nghĩ, không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ, giúp đỡ của Nhà nước, tự lực vươn lên thoát nghèo bằng chính nội lực của mình. Nhiều thôn (làng) đã bỏ dần những hủ tục, phong tục không còn phù hợp, mê tín dị đoan làm ảnh hưởng đến kinh tế, sức khỏe và môi trường,…
Bên cạnh đó, để bảo tồn, phát huy di sản không gian văn hóa cồng chiêng, tỉnh Kon Tum đã hỗ trợ 137 bộ cồng chiêng cho 137 thôn (làng), tổ chức các lớp truyền dạy cồng chiêng, xoang trong cộng đồng các DTTS trên địa bàn tỉnh với kinh phi thực hiện hơn 4,3 tỷ đồng.
Có thể nhận thấy, việc tập trung triển khai đồng bộ và huy động tối đa các nguồn lực đầu tư để lồng ghép thực hiện có hiệu quả chính sách, chương trình, dự án cùng với sự đoàn kết, nỗ lực thi đua phấn đấu vươn lên. Qua đó, đời sống của người đồng bào DTTS được nâng lên, văn hoá truyền thống từng bước được đổi mới, bảo tồn và phát huy, chính trị giữ vững ổn định, an ninh - quốc phòng, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.
Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Kon Tum Dương Văn Trang khẳng định: Sau 5 năm thực hiện Quyết tâm thư Đại hội lần III - năm 2019, diện mạo vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh đã có những đổi thay tích cực. Kinh tế của tỉnh tăng trưởng qua từng năm, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, xuất hiện ngày càng nhiều mô hình, điểm sáng, cách làm hay trong sản xuất nông, lâm nghiệp, các mô hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng,... góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.