Komodo – Loài rồng độc nhất trong đời thực
Rồng Komodo – loài thằn lằn lớn nhất thế giới với cân nặng có thể đến 150 kg và dài 3 m. Nguồn: AFP |
Quái vật săn mồi với nước bọt kịch độc
Rồng được nói đến ở đây là rồng Komodo - loài thằn lằn lớn nhất thế giới với cân nặng có thể đến 150 kg và dài 3 m. Mặc dù chúng không thể bay hay phun lửa như trong những câu chuyện truyền thuyết, song với đôi răng sắc nhọn như cá mập và nước bọt có độc tính, chúng vẫn có một sức mạnh đáng nể, có thể hạ gục những con mồi to lớn như trâu nước, hươu nai, thậm chí là con người.
“Rồng Komodo là một loài sinh vật rất thú vị vì chúng có tính cách không giống bất kỳ loài động vật nào khác”, hướng dẫn viên du lịch tên Yon Johannes ở đảo Labuan Bajo (Indonesia) cho biết. Loài sinh vật này thường sống ở bìa rừng hoặc ẩn náu trong những thảo nguyên rộng lớn. Chúng có thể leo trườn trên cây hoặc lặn sâu dưới nước 5m để bắt cá, hay chạy trên mặt đất để rượt đuổi con mồi với vận tốc 30 km/h bất chấp thân hình đồ sộ.
Nhìn vẻ ngoài, chúng giống một con thằn lằn có đầu rộng, phẳng, mõm tròn, chân cong và một chiếc đuôi khổng lồ. Lưỡi chúng màu vàng, thè ra thụt vào liên tục.
Là loài săn mồi thống trị trong khu vực sinh sống, rồng Komodo ăn hầu hết mọi thứ chúng tìm thấy, gồm cả động vật đã chết, hươu, trâu nước, lợn, rồng Komodo nhỏ hơn và đôi khi là con người.
Khi săn mồi, rồng Komodo dựa vào khả năng ngụy trang và tính kiên nhẫn. Chúng nằm yên trong bụi rậm hoặc bãi cỏ hàng giờ cho đến khi con mồi đi ngang qua. Chúng vồ lấy con mồi bằng đôi chân khỏe và móng vuốt sắc lẹm, sau đó cắm những chiếc răng to nhọn vào cơ thể con mồi. Ngay cả khi may mắn thoát khỏi miệng rồng Komodo, con mồi sẽ không sống sót lâu. Nước bọt của rồng Komodo có thể đầu độc nạn nhân trong vòng 24 giờ. Rồng Komodo sẽ chậm rãi đi theo con mồi bị cắn hàng kilomet, sử dụng khứu giác nhạy bén để tìm ra xác con mồi. Chúng rất háu ăn và có thể ăn số lượng thức ăn nặng bằng 80% trọng lượng cơ thể trong một lần. Điều đó tương tự như việc một người cỡ trung bình ăn hơn 600 chiếc bánh mì kẹp thịt trong một bữa. Rồng Komodo ăn ăn cả xương, móng và ruột con mồi. Thông thường, rồng Komodo chỉ ăn khoảng một tháng một lần.
Trước đây, việc tìm hiểu chính xác nguyên nhân khiến các con mồi của rồng Komodo bị hạ gục vẫn luôn gây tranh cãi.
Rồng Komodo có thể hạ gục con vật to lớn với hàm răng sắc nhọn và nước bọt kịch độc. Nguồn: Dailymail |
Năm 1969, một nhà sinh vật học người Mỹ tên là Walter Auffenberg đã đến đảo Komodo của Indonesia để nghiên cứu loài rồng nổi tiếng này trong một năm. Trong cuốn sách lý giải về hành vi của loài sinh vật này vào năm 1981, ông Walter nhận thấy khi những động vật lớn như trâu nước bị rồng Komodo làm bị thương, chúng sẽ sớm bị nhiễm trùng và tử vong. Dựa trên quan sát này, ông cho rằng loài rồng sử dụng vi khuẩn như một dạng nọc độc. Khi cắn con mồi, vi khuẩn trong miệng tràn vào vết thương, khiến con mồi suy nhược và tử vong.
Tuy nhiên, đến năm 2009, nhà nghiên cứu Bryan Fry tại Đại học Queensland phát hiện thủ phạm thực sự đằng sau những vết cắn chết người của rồng Komodo là một loại nọc độc có trong hàm của chúng. Chất độc này làm giảm huyết áp, gây chảy máu ồ ạt, ngăn cơ chế đông máu. Cứ thế, việc mất máu dần dần dẫn đến cái chết của con mồi.
Rồng Komodo cái đẻ tới 30 quả trứng và có thể sinh sản đơn tính. Chúng không cần giao phối nhưng vẫn có thể mang thai đẻ trứng và nở ra cá thể con bình thường. Quá trình làm tổ và đẻ trứng của con cái kéo dài trong 6 tháng. Rồng con có màu xanh lục với các dải màu vàng và đen nhưng chuyển sang màu xám đặc đến nâu đỏ khi lớn lên. Những con rồng non sẽ ở trên cây cho đến khi chúng được khoảng 8 tháng tuổi để tránh những kẻ săn mồi.
Chung tay bảo tồn loài rồng hiếm
Theo các nhà nghiên cứu, rồng Komodo là loài vật xuất hiện cùng thời với khủng long từ hàng triệu năm về trước, song chúng chỉ được thế giới biết đến nhờ sự phát hiện và công bố vào năm 1910 của các nhà khoa học phương Tây. Chúng hiện phải đối mặt với những mối đe dọa ngày càng tăng.
Đầu tháng 9/2021, Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) đã thay đổi tình trạng của rồng Komodo từ loài dễ bị tổn thương thành loài có nguy cơ tuyệt chủng trong danh sách Đỏ các loài bị đe dọa.
Rồng Komodo cái có thể sinh sản đơn tính, không cần giao phối nhưng vẫn có thể mang thai đẻ trứng và nở ra cá thể con bình thường. |
IUCN cho biết hiện chỉ có khoảng 3.000 con rồng Komodo tồn tại trong tự nhiên. Do chỉ cư ngụ trên một vài hòn đảo cùng sự đa dạng di truyền bị hạn chế, rồng Komodo rất nhạy cảm với thay đổi khí hậu.
Theo một báo cáo của IUCN, nhiệt độ toàn cầu và mực nước biển tăng do biến đổi khí hậu sẽ làm giảm môi trường sống thích hợp của rồng Komodo ít nhất 30% trong 45 năm tới.
Cụ thể, mực nước biển dâng cao có thể càn quét các đồi thấp gần bờ, nơi sinh sống của hầu hết rồng Komodo. Cùng với đó, lượng mưa thường xuyên thay đổi đồng nghĩa với việc nhiều vùng rừng thưa không còn thích hợp cho rồng đẻ trứng.
Bên cạnh biến đổi khí hậu, các nhà nghiên cứu chỉ ra các hoạt động của con người như chặt phá rừng để xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng cũng đe dọa môi trường sống và sự tồn tại của rồng Komodo.
Việc có quá nhiều khách du lịch đổ xô tới các đảo ở Indonesia để “săn” rồng Komodo cũng làm gián đoạn quá trình tìm kiếm thức ăn và giao phối của chúng. Thực trạng này đã từng khiến chính phủ Indonesia phải xem xét đóng cửa tạm thời đảo Komodo - đảo có số lượng rồng Komodo sinh sống nhiều nhất.
Năm 1980, Indonesia thành lập Vườn quốc gia Komodo để bảo vệ rồng Komodo. Là di sản thế giới được UNESCO công nhận, Vườn quốc gia Komodo đã thành lập các đội tuần tra để ngăn chặn nạn săn trộm và phối hợp với cộng đồng địa phương để nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc bảo vệ loài sinh vật này.
Theo Hồng Hạnh/Báo Tin tức
https://baotintuc.vn/chuyen-la-the-gioi/komodo-loai-rong-doc-nhat-trong-doi-thuc-20240206165250829.htm