Kiểm tra hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo tại 4 doanh nghiệp
Ảnh minh họa |
Đoàn kiểm tra làm việc tại An Giang, Cần Thơ
Theo đó, Bộ Công Thương cho thành lập Đoàn công tác liên ngành kiểm tra tình hình thực thi pháp luật về kinh doanh xuất khẩu gạo của các thương nhân đang kinh doanh xuất khẩu gạo tại tỉnh An Giang và Thành phố Cần Thơ.
Căn cứ vào quyết định của Bộ trưởng Bộ Công Thương, Đoàn công tác có nhiệm vụ đánh giá việc duy trì đáp ứng điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo về kho chứa, cơ sở xây, xát lúa gạo của thương nhân. Duy trì mức dự trữ lưu thông của thương nhân (kiểm tra mức độ lưu thông theo quy định tối thiểu 5% số lượng gạo mà thương nhân đã xuất khẩu trong 6 tháng trước đó để đảm bảo an ninh lương thực). Thực hiện chế độ báo cáo của thương nhân theo Nghị định số 107.
Trong thời gian từ tháng 7 đến tháng 8 năm 2024, Đoàn công tác của Bộ Công Thương sẽ đến kiểm tra 04 công ty, gồm: Công Ty Cổ Phần Nông Nghiệp công nghệ cao Đại Tài; Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Ngọc Phát Quang: Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thuận Minh.
Thời gian qua, việc thực hiện chào giá thầu quốc tế gạo Bulog – Indonesia của một số doanh nghiệp Việt Nam đã được Cục Xuất nhập khẩu (XNK) – Bộ Công Thương lưu ý.
Ngày 22/7, Cục XNK – Bộ Công Thương đã có công văn số 602/XNK-NS, gửi Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), các thương nhân xuất khẩu gạo về việc xuất khẩu gạo sang Indonesia, yêu cầu các thương nhân thực hiện nghiêm túc các quy định tại Nghị định 107 về kinh doanh xuất khẩu gạo.
Để giữ uy tín, thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường thế giới, giữ vị thế gạo Việt Nam tại thị trường Indonesia, Cục XNK đề nghị VFA theo dõi sát chuyển biến thị trường trong và ngoài nước để trao đổi, khuyến cáo doanh nghiệp có sự cân nhắc, tính toán cẩn trọng, chắc chắn về nguồn hàng, giá chào xuất khẩu để bảo đảm hiệu quả kinh doanh và giữ uy tín cho xuất khẩu gạo Việt Nam vào thị trường Indonesia.
Tuyên truyền, phổ biến đến các hội viên để nắm rõ và nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật về kinh doanh xuất khẩu gạo, pháp luật về cạnh tranh và phòng vệ thương mại.
Thương nhân cần thực hiện nghiêm túc Nghị định 107
Với thương nhân xuất khẩu gạo, Cục đề nghị các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo thực hiện nghiêm túc các quy định tại Nghị định 107/2018/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo và các quy định của thị trường nhập khẩu trong hoạt động đàm phán, đấu thầu xuất khẩu gạo nói chung và xuất khẩu gạo sang thị trường Indonesia nói riêng.
Tiếp tục theo dõi sát tình hình thị trường gạo thế giới và trong nước; tính toán hết sức cẩn trọng, chắc chắn khi chào giá đối với các lô hàng để đảm bảo hiệu quả kinh doanh và giữ uy tín cho xuất khẩu gạo Việt Nam.
Indonesia - quốc gia nhập khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới, vừa giao cho Bulog phát thư mời đấu thầu quốc tế mua 320.000 tấn gạo loại 5% tấm đến các doanh nghiệp xuất khẩu gạo các nước: Việt Nam, Thái Lan, Myanmar, Campuchia và Pakistan. Hạn chót nộp báo giá phiên đấu thầu là ngày 31/7. Thời gian giao hàng trong tháng 8 và tháng 9/2024.
Nguồn tin thương mại cho biết, tại gói thầu quốc tế mua 320.000 tấn gạo loại 5% tấm của Bulog, Việt Nam đã ký được 07 hợp đồng xuất khẩu có trọng lượng là 185.000 tấn gạo trắng 5% tấm sang Indonesia. Các doanh nghiệp Myanmar ký được hợp đồng xuất khẩu 05 lô hàng còn lại với trọng lượng là 135.000 tấn.
Các doanh nghiệp có trụ sở tại Thái Lan có giá bỏ thầu thấp nhất là 584,50 USD/tấn (CNF), và doanh nghiệp tại Pakistan là 588 USD/tấn (CNF). Với mức giá chào cao hơn doanh nghiệp Việt Nam và Myanmar nên các doanh nghiệp Thái Lan và Pakistan không thể trúng bất kỳ lô hàng nào, do giá của họ cao hơn giá bỏ thầu từ các doanh nghiệp Việt Nam và Myanmar.
Nhiều dự đoán cho rằng, Việt Nam sẽ thắng hầu hết các lô trong phiên đấu thầu Bulog mới nhất nhờ giá cả cạnh tranh. Do vậy, thị trường giá gạo trắng Việt Nam sẽ ổn định sau kết quả đấu thầu của Bulog.
Đáng chú ý, hầu hết các lô gạo của gói thầu này từ các doanh nghiệp Việt Nam đến các doanh nghiệp Myanmar đều giá chào thầu chung mức giá là 563 USD/tấn, giá CNF.
“Việt Nam và Myanmar chiếm ưu thế trong cuộc đấu thầu về khối lượng. Giá thầu trúng thầu cho 12 lô gạo Bulog lần này đều là 563 USD/tấn, giá CNF. Trong đó có với 07 lô từ nguồn Việt Nam và 05 lô từ nguồn Myanmar”, nguồn tin nhận định.