Kết nghĩa giữa các địa phương của Việt Nam - Thái Lan: Minh chứng sống động cho tình đoàn kết, hợp tác cùng phát triển
Ngày 13/3/2013, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Quảng Bình tổ chức lễ đón đoàn gần 800 khách du lịch của tỉnh Nakhon Phannom (Vương quốc Thái Lan) tại Cửa khẩu quốc tế Cha Lo. Đây là đoàn khách du lịch đông nhất được đón theo đường bộ tại tỉnh Quảng Bình ở thời điểm bấy giờ. Trong đoàn còn có các quan chức cấp cao của tỉnh Nakhon Phanom, lãnh đạo những doanh nghiệp có nhu cầu tìm hiểu tiềm năng phát triển du lịch, thương mại, vận tải theo tuyến đường 12…
Đại diện Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch đón đoàn du lịch Thái Lan tại cột mốc biên giới Cửa khẩu quốc tế Cha Lo (Quảng Bình). |
Chỉ vài năm sau đó, vào tháng 8/2017, Quảng Bình đã phối hợp với hãng Hàng không Jetstar Pacific của Việt Nam thực hiện đường bay thẳng Đồng Hới - Chiang Mai, đường bay trực tiếp đầu tiên từ Việt Nam đến Chiang Mai, mở ra nhiều cơ hội hợp tác, phát triển kinh tế - xã hội giữa Quảng Bình và các tỉnh phía Bắc Thái Lan. Các doanh nghiệp du lịch Quảng Bình và các tỉnh khu vực Bắc miền Trung cũng đã triển khai có hiệu quả chương trình du lịch bằng đường bộ “Một ngày ăn cơm 3 nước” đến các tỉnh Đông Bắc Thái Lan qua Cửa khẩu quốc tế Cha Lo.
Ngày 25/5/2018, tại thành phố Đồng Hới, Sở Du lịch Quảng Bình phối hợp với Văn phòng chính quyền tỉnh Nakhon Phanom tổ chức chương trình kết nối du lịch giữa tỉnh Quảng Bình và tỉnh Nakon Phanom với sự tham gia của đông đảo các doanh nghiệp du lịch hai nước tham gia thi đấu thể thao, đối thoại doanh nghiệp và chính quyền về tạo thuận lợi cho thương mại xuyên biên giới giữa 3 tỉnh Quảng Bình-Khăm Muộn Nakhon Phanom, giao dịch thương mại, hội chợ...
Tỉnh Quảng Bình và tỉnh Nakhon Phanom ký Biên bản hợp tác hữu nghị từ năm 2004. Hai tỉnh cũng là thành viên của Hiệp hội 9 tỉnh 3 nước Việt Nam-Lào-Thái Lan có sử dụng đường 8 và đường 12.
17 năm kể từ khi tỉnh Quảng Bình kết nghĩa với tỉnh Sakhon Phanom, có ý kiến cho rằng: Trong dòng chảy của quan hệ hữu nghị, hợp tác Việt Nam - Thái Lan, quan hệ giữa hai tỉnh Quảng Bình - Nakhon Phanom như một minh chứng sống động cho tình đoàn kết, hợp tác cùng phát triển, đem lại hiệu quả ngày càng cao, góp phần thắt chặt tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước, đáp ứng những yêu cầu cụ thể, thiết thực về sản xuất, đời sống và việc làm cũng như tình cảm của nhân dân hai nước.
Đại diện lãnh đạo hai tỉnh cắt băng khởi động chương trình kết nối du lịch giữa tỉnh Quảng Bình và tỉnh Nakon Phanom. |
Kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1976 đến nay, quan hệ Việt Nam và Thái Lan đã phát triển tốt đẹp trên tất cả các lĩnh vực. Hai quốc gia có 13 cặp tỉnh/thành thiết lập quan hệ kết nghĩa, quan hệ hữu nghị. Đặc biệt, dự án hợp tác giữa các cặp tỉnh/thành kết nghĩa đều được hình thành và phát triển dựa trên tiềm năng và lợi thế của mỗi địa phương.
Năm 2021, TP.HCM và Bangkok kỷ niệm 6 năm chính thức ký kết bản ghi nhớ thiết lập quan hệ kết nghĩa. 6 năm qua, hai thành phố đã đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực như quản lý đô thị, phát triển hạ tầng giao thông công cộng, chống ngập, du lịch, thương mại, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.
Tỉnh Cà Mau và tỉnh Trat ký kết bản ghi nhớ thiết lập quan hệ hữu nghị vào tháng 8/2017. Ngay sau đó, hai tỉnh đã có nhiều hoạt động hợp tác, tổ chức các đoàn giao lưu, học hỏi kinh nghiệm phát triển về du lịch, nông nghiệp, nuôi trồng, khai thác thủy sản… Lãnh đạo hai địa phương cũng đã trao đổi các vấn đề liên quan đến việc chuyển giao quy trình sản xuất giống lúa chất lượng cao; các loại giống cây ăn trái, chế phẩm sinh học và việc tái tạo nguồn thủy lợi tự nhiên, liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, thống nhất tạo điều kiện cho doanh nghiệp có nhiều cơ hội đầu tư, hợp tác…
Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Trần Hồng Quân (bên trái) tặng ngài Phó tỉnh trưởng tỉnh Trat Prathan Surakit Bovon bức tranh về rừng đước Cà Mau. |
Nhắc tới quan hệ hợp tác, gắn bó giữa các địa phương Việt Nam – Thái Lan, nếu bỏ qua sự hợp tác chặt chẽ giữa tỉnh Nakhon Phanom với các tỉnh miền Trung Việt Nam, trong đó có việc kết nghĩa với tỉnh Hà Tĩnh là thiếu sót lớn. Hoạt động này đã góp phần gìn giữ, quảng bá du lịch những di sản chung của nhân dân hai nước trên địa bàn tỉnh, như Làng hữu nghị tại huyện Na-Chọc, Trung tâm Dạy tiếng Việt Nakhon Phanom - Hà Nội và Tháp đồng hồ…
Có thể thấy, việc thiết lập quan hệ kết nghĩa giữa các tỉnh thành của Việt Nam và Thái Lan đã đóng góp vào việc tăng cường tình hữu nghị, sự hiểu biết lẫn nhau và sự phát triển chung của quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước, bằng nhiều hoạt động cụ thể, đa dạng.