Quan hệ hữu nghị Việt Nam - Thái Lan: Sâu đậm từ quá khứ - Rộng mở ở tương lai
Đoàn đại biểu nhân dân Việt Nam tham dự Lễ buộc chỉ cổ tay - một phong tục truyền thống của người dân Thái Lan. |
Việt Nam và Thái Lan là hai nước láng giềng gần gũi ở Đông Nam Á. Sự gần gũi về địa lý, sự tương đồng về văn hoá, điều kiện tự nhiên cũng như hoàn cảnh kinh tế là những tiền đề thuận lợi góp phần giúp quan hệ Việt Nam - Thái Lan hình thành sớm trong lịch sử. Theo tư liệu lịch sử, quan hệ giao thương giữa hai cộng đồng người Thái và người Việt đã xuất hiện từ thế kỷ XII dưới Vương triều Sukhothai (1238-1583). Trên cơ sở quan hệ thương mại phát triển, quan hệ bang giao cũng dần được thiết lập và được chính thức xác lập từ những năm đầu của thời kỳ Gia Long - Minh Mạng (1783 - 1833).
Trong thời kỳ đấu tranh chống thực dân xâm lược, Thái Lan đã trở thành địa bàn hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và là nơi dừng chân của nhiều nhà hoạt động yêu nước Việt Nam trước Cách mạng Tháng 8. Trong những ngày hoạt động tại Xiêm, Bác Hồ đã đề ra chủ trương “Thái - Việt thân thiện” và căn dặn kiều bào ta “quan hệ hữu nghị với người Thái”. Tuy thời gian Bác hoạt động ở Thái Lan không nhiều (1928-1929), song Người đã để lại những dấu ấn hết sức sâu sắc trong cộng đồng bà con Việt kiều, được người dân Thái và chính quyền địa phương rất cảm phục và kính trọng. Bác Hồ đã đặt nền móng vững chắc cho mối quan hệ hữu nghị lâu dài giữa Việt Nam và Thái Lan.
Những năm sau này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành người bạn thân thiết của Thủ tướng Thái Lan Pridi Banomyong (1946-1947), người đã hết lòng ủng hộ cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp, cả vật chất lẫn tinh thần. Thủ tướng Pridi cũng đã góp phần rất lớn vào việc phát triển quan hệ hữu nghị giữa hai dân tộc Thái Lan và Việt Nam.
Bà Nguyễn Phương Nga, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam trao tặng Huy chương Hữu nghị cho ông Prapansak Bhatayanond, Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Thái Lan - Việt Nam. |
Một nhân tố không thể không nói đến trong quan hệ hữu nghị Việt Nam - Thái Lan chính là cộng đồng đông đảo người Việt ở Thái Lan. Trong nhiều thập kỷ làm ăn sinh sống trên đất Thái Lan, mặc dù trải qua không ít khó khăn vất vả, song kiều bào ta đã có nhiều đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế xã hội ở sở tại, là cầu nối văn hoá giữa hai cộng đồng người Việt và người Thái, tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa hai dân tộc cũng như quan hệ hữu nghị giữa hai nước.
Sự hình thành và quá trình phát triển của mối bang giao Việt Nam - Thái Lan trong lịch sử, công lao to lớn của Bác Hồ, sự đóng góp của cộng đồng kiều bào ta ở Thái Lan, cùng với những lợi ích đáng kể mà quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước mang lại trên rất nhiều lĩnh vực đã khẳng định và ngày càng củng cố quan điểm chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước ta trong quan hệ hữu nghị với Thái Lan.
Quan điểm đó đã được thể hiện rõ trong các tuyên bố chính sách, các văn kiện chính thức của Đảng và Nhà nước ta và đã được minh chứng bằng những kết quả tốt đẹp của quan hệ hai nước trong hơn 40 năm qua.
Sau khi chiến tranh Việt Nam chấm dứt, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã chủ trương xúc tiến cải thiện quan hệ với Thái Lan. Ngày 5/7/1976, Việt Nam đưa ra tuyên bố chính sách 4 điểm với các nước Đông Nam Á, trong đó nhấn mạnh: Thiết lập quan hệ hữu nghị láng giềng tốt, hợp tác kinh tế và trao đổi văn hoá trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi. Giải quyết những vấn đề tranh chấp giữa các nước trong khu vực thông qua thương lượng theo tinh thần bình đẳng, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau. Ngày 6/8/1976, Ngoại trưởng Thái Lan Bhichai Ratakul thăm Việt Nam và ký Thông cáo chung về việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Thái Lan, mở ra một trang mới cho quan hệ hai nước. Chuyến thăm chính thức Thái Lan của Thủ tướng Phạm Văn Đồng tháng 8/1979 đã bồi đắp thêm quan hệ hữu nghị giữa hai nước. Trong Tuyên bố chung của chuyến thăm, Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Thủ tướng Kriangsak Chomanan đã bày tỏ quyết tâm phát triển mối quan hệ giữa Việt Nam và Thái Lan.
Từ năm 1991 đến nay, quan hệ hai nước phát triển mạnh mẽ, nhất là sau khi Việt Nam gia nhập ASEAN năm 1995.
Ngày 15/9/2018, tại Quảng trường Lý Thái Tổ (Hà Nội), Đại sứ quán Thái Lan tổ chức “Lễ hội Thái Lan thường niên lần thứ 10, năm 2018”. Tham dự có ông Vũ Hồng Nam - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao; ông Tạ Quang Ngọc - Chủ tịch Hội Hữu nghị Vi |
Trong những năm qua, hai nước đã trao đổi nhiều đoàn cấp cao. Về phía Việt Nam có: Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt (1991); Tổng Bí thư Đỗ Mười (1993); Chủ tịch nước Trần Đức Lương (1998); Thủ tướng Phan Văn Khải (2000); Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (2006); và đặc biệt là chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (2013). Trong các chuyến thăm, lãnh đạo Việt Nam đều khẳng định mong muốn và chính sách nhất quán của Việt Nam củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị hợp tác với Thái Lan. Đáng chú ý, trong chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (6/2013) hai bên đã quyết định thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, đưa quan hệ hai nước phát triển lên tầm cao mới.
Trong những năm qua, hai nước cũng đã ký kết nhiều hiệp định và thỏa thuận hợp tác, tạo cơ sở pháp lý thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực: kinh tế, thương mại, an ninh quốc phòng, giao thông vận tải, nông nghiệp, văn hoá, du lịch , giáo dục, lao động... Thái Lan hiện là một trong 10 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư lớn nhất ở Việt Nam. Thái Lan là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong ASEAN và hai nước đang phấn đấu đưa kim ngạch lên 20 tỷ USD/năm.
Không gian nghệ thuật truyền thống và đương đại đặc sắc đến từ đoàn nghệ thuật múa Southern Breeze (Làn gió phương Nam) của tỉnh Chiang Mai (Thái Lan) tại Việt Nam. |
Hai nước cũng đã hình thành nhiều cơ chế hợp tác song phương hoạt động rất hiệu quả, như: họp Nội các chung (hai nước đã họp Nội các chung 3 lần và hiện đang chuẩn bị cuộc họp nội các chung lần thứ 4), Ủy ban hỗ hợp về hợp tác song phương, tham khảo chính trị cấp thứ trưởng ngoại giao… Hợp tác giữa các địa phương hai nước cũng diễn ra sôi nổi. Đến nay đã có 13 tỉnh, thành phố của Việt Nam ký thỏa thuận hợp tác hoặc kết nghĩa với các địa phương của Thái Lan. Không chỉ hợp tác trong khuôn khổ song phương, Việt Nam và Thái Lan còn hợp tác chặt chẽ và hỗ trợ lẫn nhau trong các khuôn khổ đa phương, khu vực và tiểu vùng, như: ASEAN, GMS, ACMECS... cũng như trên nhiều diễn đàn quốc tế khác như Liên hiệp quốc, APEC, ASEM…
Hội hữu nghị Việt Nam - Thái Lan thành lập năm 1996, cùng với Hội hữu nghị Thái Lan - Việt Nam đã trở thành cầu nối quan trọng, góp phần tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau cũng như quan hệ hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước. Năm nay, 2021, Việt Nam và Thái Lan sẽ kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (06/8/1976 - 06/8/2021). Đây là dịp để chúng ta nhìn lai quan hệ hai nước trong hơn 4 thập kỷ qua và suy nghĩ cho tương lai của mối quan hệ đối tác chiến lược trong những năm tới.
Giới thiệu đất nước Thái Lan tươi đẹp đến người dân Việt Nam thông qua những nét văn hóa đa dạng, nghệ thuật truyền thống và ẩm thực hấp dẫn. |
Chúng ta tin tưởng rằng với sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, với nhu cầu hợp tác để cùng phát triển cũng như với tiềm năng sẵn có của hai nước, quan hệ hữu nghị hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Thái Lan sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển toàn diện và vững chắc hơn nữa, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì lợi ích của hoà bình, ổn định và phát triển thịnh vượng ở khu vực này và trên thế giới.