IFAD ưu tiên phát triển kinh tế cho phụ nữ nghèo
Các đại biểu chụp ảnh tại sự kiện (Ảnh: Phụ nữ Việt Nam). |
Ngày 06/9, tại Trụ sở TƯ Hội LHPN Việt Nam, bà Trần Lan Phương - Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam - đã tiếp và làm việc với ông Francisco Pichon - Trưởng Văn phòng khu vực Mekong, Giám đốc Quốc gia Việt Nam của Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế (IFAD) để trao đổi về các kế hoạch hợp tác trong thời gian tới, nhằm hỗ trợ các hoạt động phát triển kinh tế của phụ nữ.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Francisco Pichon cho biết, giai đoạn 2019 - 2025, IFAD đã và đang thực hiện Chương trình cơ hội chiến lược quốc gia (COSOP) tại Việt Nam, hỗ trợ hộ nông dân và các doanh nghiệp nông nghiệp vừa và nhỏ ở các vùng kém phát triển và có tỉ lệ dân tộc thiểu số cao. Mục tiêu của Chương trình là cải thiện bền vững thu nhập của các hộ sản xuất nhỏ và người nghèo nông thôn, thông qua việc tham gia thị trường và giảm những tác động tiêu cực đến khí hậu.
Trong đó, ông Francisco Pichon nhấn mạnh phụ nữ nghèo là một trong những đối tượng ưu tiên được hỗ trợ của chương trình.
Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Trần Lan Phương tiếp ông Francisco Pichon - Trưởng Văn phòng khu vực Mekong, Giám đốc Quốc gia tại Việt Nam, Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế (IFAD)
Về phía Hội LHPN Việt Nam, bà Trần Lan Phương khẳng định, Hội rất chú trọng thực hiện các Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp; đầu tư mô hình phụ nữ tham gia kinh tế tập thể, kinh tế số; hỗ trợ xây dựng và duy trì các mô hình kinh tế sinh học - tuần hoàn - xanh gắn với nền nông nghiệp bền vững tại Việt Nam.
Hội LHPN Việt Nam cũng đề xuất hợp tác với IFAD trong công tác truyền thông nâng cao nhận thức về vai trò của phụ nữ trong tăng trưởng xanh, kinh tế xanh, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Thông qua đó, Hội cũng có thể tiếp cận nguồn vốn với lãi suất ưu đãi cho các doanh nghiệp, đơn vị đáp ứng được yêu cầu về sản xuất, phát triển nền kinh kế tuần hoàn...
Quỹ quốc tế về phát triển nông nghiệp (viết tắt: IFAD) là tổ chức chuyên môn của Liên Hiệp Quốc được thành lập vào năm 1977, có tính chất là một định chế tài chính quốc tế hoạt động vì mục tiêu xóa đói giảm nghèo ở nông thôn nước đang phát triển. Ý tưởng về thành lập IFAD được nêu ra tại Hội nghị Lương thực thế giới năm 1974. Hiệp định về thành lập quĩ được thông qua ngày 13/6/1976 và ký ngày 20/12/1976 khi nhận được cam kết ban đầu là 01 tỉ đô la Mỹ (USD). Hiệp định có hiệu lực từ ngày 30/11/1977. IFAD là tổ chức chuyên môn thuộc Liên hợp quốc. Trụ sở IFAD đóng tại Rôm, Italia. IFAD chính thức hỗ trợ Việt Nam từ năm 1991. Năm 1992, Chính phủ Việt Nam cam kết đóng góp 200.000 USD vào IFAD, số tiền đó đóng góp trong 3 năm. Năm 1997, Việt Nam gia nhập IFAD và nằm trong nhóm C2- nhóm các nước nhận viện trợ là chủ yếu. Việt Nam là một trong số ít quốc gia được IFAD cho hưởng vay vốn đặc biệt ưu đãi: vay lãi suất 0,75-1%/ năm, trả trong 50 năm, thời gian ân hạn là 10 năm. Các lĩnh vực ưu tiên trong hoạt động của IFAD tại Việt Nam: Hỗ trợ nông dân, ngư dân, phụ nữ nghèo; Hỗ trợ cho một số tỉnh nghèo và có nhiều đồng bào các dân tộc ít người sinh sống. |