Hydroxanh – giải pháp quan trọng để thực hiện cam kết Net zero
Hydro xanh là hydro được sản xuất bằng cách tách nước bằng điện phân, sử dụng điện được tạo ra bằng năng lượng tái tạo. Quá trình này chỉ tạo ra hydro và oxy. Chúng ta có thể sử dụng hydro và thải oxy vào khí quyển mà không có tác động tiêu cực nào. Đây là một trong những cách sạch nhất tạo ra hydro, sau đó có thể được sử dụng làm nhiên liệu.
Hydro xanh rất hữu ích trong việc chống lại biến đổi khí hậu vì có thể thay thế nhiên liệu hóa thạch trong các ứng dụng mà quá trình khử carbon phức tạp như vận tải hàng hải và hàng không hoặc các quy trình công nghiệp nhất định. Hơn nữa, có tiềm năng lớn như một hệ thống lưu trữ năng lượng theo mùa (dài hạn), có thể tích lũy năng lượng trong một thời gian dài, sau đó sử dụng theo nhu cầu.
Nhiều chuyên gia đánh giá Hydro xanh chính là một trong những giải pháp quan trọng để Việt Nam thực hiện cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại COP 26.
Các chuyên gia đến từ UNDP tại Việt Nam nhận định Chính phủ Việt Nam đã nhìn thấy tiềm năng tác động của biến đổi khí hậu và nỗ lực thực hiện các giải pháp thông qua cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại COP26, cùng với đó gia tăng 4 lần công suất năng lượng mặt trời và gió từ năm 2019. Đồng thời, công bố Đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng trị giá 15,5 tỷ USD với liên minh các đối tác quốc tế (JETP), một vài đại diện của các đối tác khác.
Tuy nhiên, Việt Nam cần tận dụng tốt các nguồn năng lượng thay thế hữu hiệu trong đó có hydro xanh từ mặt trời và gió. Hydro xanh được coi là năng lượng không carbon, có thể lưu trữ năng lượng, sau đó được giải phóng một cách có kiểm soát ở nơi khác giống như với pin lithium lưu trữ điện.
TS. Phạm Duy Hoàng, Chuyên gia nghiên cứu của Tổ chức Sáng kiến về chuyển dịch năng lượng Việt Nam (VIETSE) chia sẻ: “Việt Nam có tiềm năng phát triển hydro xanh từ nguồn năng lượng tái tạo dồi dào. Hydro xanh là năng lượng sạch, có thể thay thế nguồn nhiên/nguyên liệu hóa thạch đang được sử dụng trong một số ngành sản xuất công nghiệp và giao thông vận tải, góp phần vào quá trình chuyển dịch năng lượng. Phát triển công nghiệp hydro xanh trong tương lai không chỉ đóng góp vào mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính mà còn giúp Việt Nam hướng tới một nền kinh tế carbon thấp”.
Sản xuất hydro xanh từ pin năng lượng mặt trời. (Ảnh: nghenhinvietnam)
Tuy nhiên, cho đến nay, Việt Nam chưa công bố mục tiêu hoặc kế hoạch cụ thể về việc phát triển hydro xanh. Dựa theo mục tiêu giảm phát thải của các lĩnh vực, hiệu quả kinh tế, mức độ sẵn sàng về công nghệ và cơ sở hạ tầng tương ứng tại Việt Nam, Sáng kiến về Chuyển dịch Năng lượng Việt Nam (VIETSE) xây dựng 03 kịch bản phát triển hydro.
Cụ thể, Kịch bản 1 (kịch bản chính sách hiện hành) được tính toán dựa trên các chính sách của chính phủ về lộ trình giảm phát thải ở từng ngành công nghiệp, vận tải, năng lượng; Kịch bản 2 (kịch bản độ trễ công nghệ) được tính toán dựa trên xu hướng phát triển công nghệ trên thế giới, khả năng của Việt Nam và nhu cầu thị trường nội địa; Kịch bản 3 (kịch bản tăng tốc) đặt ra tham vọng Việt Nam sẽ song hành với sự phát triển công nghệ và đủ nội lực để sản xuất hydro đáp ứng nhu cầu nội địa và xuất khẩu.
Theo đó vào năm 2050, mỗi năm Việt Nam sẽ có nhu cầu tương ứng 58,3 triệu tấn hydro sạch (kịch bản chính sách hiện hành); 4,4 triệu tấn hydro sạch (kịch bản độ trễ công nghệ) và 9,17 triệu tấn hydro sạch (kịch bản tăng tốc). Các chuyên gia tham dự tọa đàm chỉ ra rằng nhu cầu hydro trong kịch bản chính sách hiện hành cao hơn khả năng cung ứng được đưa ra trong dự thảo Quy hoạch năng lượng quốc gia. Với Việt Nam, hydro xanh nên được ưu tiên sử dụng trong các ngành sản xuất công nghiệp (phân đạm, lọc dầu, thép, xi măng), giao thông (xe tải đường dài, xe khách, vận tải biển và hàng không), năng lượng (nguồn phát linh hoạt), và để xuất khẩu.
Để hiện thúc đẩy phát triển hydro xanh đến năm 2030, theo các chuyên gia, Việt Nam cần xây dựng các chính sách, quy định, hướng dẫn cho phát triển hydro xanh; Thực hiện các dự án thí điểm. Đồng thời, xây dựng chính sách khuyến khích sản xuất, sử dụng hydro xanh; phát triển cơ sở hạ tầng và chuỗi cung ứng. Xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn về an toàn trong sản xuất, lưu trữ và vận chuyển hydro.