Hợp tác Việt Nam - Cộng đồng Pháp ngữ: thách thức và triển vọng
Tham dự Hội thảo có nhiều đại diện quốc tế và Việt Nam: ông Pierre du Ville - Trưởng đại diện Phái đoàn Wallonie-Bruxelles tại Việt Nam, Chủ tịch Nhóm Đại sứ quán và Phái đoàn ngoại giao Pháp ngữ (GADIF); ông Trần Văn Công, Giám đốc Trung tâm Pháp ngữ khu vực châu Á - Thái Bình Dương; đại diện Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF), Đại sứ quán Pháp; Đại sứ Nguyễn Thiệp, Phó Chủ tịch Hội hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Pháp... cùng nhiều học giả, đại diện doanh nghiệp và sinh viên khối Pháp ngữ.
Nền tảng vững chắc cho quan hệ Việt Nam và các nước Pháp ngữ
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS Ngô Minh Thủy, Viện trưởng Viện CLEF nhấn mạnh vai trò quan trọng của nước Pháp và cộng đồng các quốc gia Pháp ngữ đối với nền văn hóa Việt Nam. Bà cho biết, Pháp cùng 88 quốc gia thuộc Cộng đồng Pháp ngữ đã tạo ảnh hưởng sâu rộng trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội Việt Nam. Mặc dù phải đối mặt với nhiều thách thức, song sự hợp tác trong các lĩnh vực văn hóa, ngôn ngữ và giáo dục giữa Việt Nam và các nước Pháp ngữ vẫn mở ra nhiều cơ hội đáng kể, giúp tăng cường hiểu biết lẫn nhau và thắt chặt quan hệ song phương.
PGS.TS Ngô Minh Thủy, Viện trưởng Viện CLEF phát biểu khai mạc. (Ảnh: CLEF) |
Hội thảo đã nghe các diễn giả trao đổi ý kiến, chia sẻ thông tin liên quan đến hợp tác văn hóa - ngôn ngữ - giáo dục giữa Việt Nam và các nước Pháp ngữ thông qua các tham luận gồm: Hợp tác văn hóa, ngôn ngữ và giáo dục giữa Việt Nam - các nước Pháp ngữ như là ngoại giao văn hóa; Đổi mới hoạt động nghiên cứu khoa học thông qua đẩy mạnh hợp tác trong cộng đồng Pháp ngữ - Tầm nhìn từ Trung tâm nghiên cứu Pháp ngữ - Đại học Ngoại Ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội; Tiếng Pháp trong chính sách giảng dạy ngoại ngữ ở bậc phổ thông tại Việt Nam; Hợp tác giáo dục đại học giữa Việt Nam và các nước Pháp ngữ - Kinh nghiệm của IFI – international; Hợp tác giữa Việt Nam và các nước Pháp ngữ trong lĩnh vực điện ảnh; Sức mạnh của ca khúc: Cơ hội hợp tác giữa Việt Nam và các nước Pháp ngữ trong lĩnh vực âm nhạc...
Các tham luận đã mang lại những góc nhìn đa chiều về thực trạng và tiềm năng của sự hợp tác này, đồng thời đưa ra những đề xuất quan trọng nhằm thúc đẩy hơn nữa quá trình hợp tác song phương trong các lĩnh vực văn hóa và giáo dục.
Đại sứ Nguyễn Thiệp, Phó Chủ tịch Hội hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Pháp trình bày tham luận tại Hội thảo. (Ảnh: CLEF) |
Theo Đại sứ Nguyễn Thiệp, Phó Chủ tịch Hội hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Pháp, ngoại giao văn hóa, ngôn ngữ và giáo dục chính là nền móng vững chắc cho quan hệ bền chặt giữa Việt Nam và Pháp cũng như các quốc gia Pháp ngữ. Ông điểm lại quá trình hợp tác lâu dài giữa Việt Nam và cộng đồng Pháp ngữ, từ việc tham gia Tổ chức hợp tác văn hóa và giáo dục (ACCT) vào năm 1979, đến việc trở thành thành viên tích cực của Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF).
Đại sứ Nguyễn Thiệp cho biết, OIF và các cơ quan thực thi đã phối hợp với một số nước thành viên Pháp ngữ thực hiện nhiều dự án tại Việt Nam, trong đó các dự án chính là: đào tạo tăng cường nghiệp vụ cho giáo viên giảng dạy tiếng Pháp (CREFAP); tăng cường tiếng Pháp ở khu vực Đông Nam Á (VALOFRASE); thành lập Nhà Tri thức Pháp ngữ tại Huế; đào tạo tiếng Pháp cho cán bộ ngoại giao và công chức Việt Nam từ 5/2013; thành lập Trung tâm nghiên cứu và hợp tác Pháp ngữ tại Châu Á-Thái Bình Dương; tổ chức Diễn đàn khu vực về hợp tác kinh tế Pháp ngữ tháng 4/2014.
Tổ chức đại học Pháp ngữ (AUF) hỗ trợ Việt Nam về giảng dạy tiếng Pháp ở cấp phổ thông và đại học cũng như về nghiên cứu khoa học với các chuyên khoa đại học Pháp trong một số lĩnh vực mũi nhọn như công nghệ, kinh tế, thương mại, dược, khoa học cơ bản, luật pháp… Đồng thời đào tạo kỹ sư tin học ứng dụng trình độ cao cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương tại Viện tin học Pháp ngữ. Hiện nay có 41 trường đại học Việt Nam là thành viên của AUF.
Các cơ quan thực thi OIF còn thực hiện các dự án quy mô nhỏ hơn về tin học, pháp luật, năng lượng, môi trường, giảm nghèo, giúp đào tạo giáo viên và hỗ trợ cơ sở vật chất trường học ở các vùng nghèo và khó khăn... Các dự án mà OIF thực hiện tại Việt Nam được đánh giá có hiệu quả.
Điểm sáng trong hợp tác văn hóa
Một thành tựu đáng chú ý của hợp tác văn hóa giữa Việt Nam và cộng đồng Pháp ngữ là lĩnh vực điện ảnh. Bà Lê Thị Hà, Viện trưởng Viện Phim Việt Nam nhận định, điện ảnh đã trở thành một phương tiện mạnh mẽ để lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống của Việt Nam đến với cộng đồng Pháp ngữ. Bà nhắc đến cột mốc quan trọng khi ba bộ phim Pháp cùng được quay tại Việt Nam vào đầu những năm 1990: "Đông Dương", "Điện Biên Phủ" và "Người tình", tạo nên những ảnh hưởng sâu rộng trong việc quảng bá hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế.
Bà Lê Thị Hà, Viện trưởng Viện Phim Việt Nam trình bày tham luận tại Hội thảo. (Ảnh: CLEF) |
Những bộ phim này, đặc biệt là "Đông Dương", đã đưa Việt Nam trở thành tâm điểm chú ý của điện ảnh thế giới khi bộ phim giành giải Oscar cho phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất năm 1992. Bà Hà cho biết, quan hệ hợp tác trong lĩnh vực điện ảnh giữa Việt Nam và Pháp đang ngày càng mở rộng, với nhiều cơ hội mới thông qua các liên hoan phim quốc tế, trong đó có sự kiện Liên hoan phim Cannes và các tuần lễ phim Pháp ngữ.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam hiện đang tích cực hợp tác với các đối tác Pháp nhằm đẩy mạnh các hoạt động hợp tác điện ảnh. Đồng thời lên kế hoạch ký kết Kế hoạch hành động hợp tác về văn hóa với nhiều chương trình, sáng kiến và hoạt động cụ thể trong thời gian tới.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm. (Ảnh: CLEF) |
Trong báo cáo của các diễn giả, có những báo cáo không trực tiếp đề cập đến vấn đề hợp tác, nhưng chính việc nghiên cứu về văn hóa, ngôn ngữ và chính việc dịch thuật các tác phẩm văn học, các cuốn sách, các bài hát từ tiếng Pháp sang tiếng Việt hoặc tiếng Việt sang tiếng Pháp là những hoạt động cụ thể, minh chứng cho sự nghiệp hợp tác Việt - Pháp trong các lĩnh vực này.
Hội thảo đã giới thiệu dự án truyện tranh webtoon "Đêm đầy sao" - một sản phẩm hợp tác sáng tạo giữa Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) và Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam. Đây là minh chứng cho sự hợp tác không ngừng trong việc phát triển các sản phẩm văn hóa và thúc đẩy giao lưu học thuật giữa hai bên.
Tốp ca Khoa Quốc tế Pháp ngữ IFI trình bày ca khúc "Innovations sans frontiers" (Sáng tạo không biên giới - Nhạc và lời: Ngô Tự Lập) |
Trong khuôn khổ Không gian văn hóa - nghệ thuật CLEF, các đại biểu và khách mời đã cùng thưởng thức chương trình Âm nhạc chiều thứ Bảy tháng 9/2024 với chủ đề “Cuộc đời thứ hai của ca khúc: Bài hát Pháp trong Việt”. Tại đây, nhiều bài hát Pháp nổi tiếng đã được trình bày song ngữ, cho thấy sự giao thoa văn hóa đầy sáng tạo giữa hai quốc gia. Sự hợp tác trong âm nhạc không chỉ giúp bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, mà còn mở ra những cơ hội hợp tác sâu rộng hơn trong tương lai.