"Hồn Việt" ở Italy
Gieo mầm văn hóa Việt tại Italy
Mở đầu chương trình Hồn Việt, các em sinh viên đã chọn trình diễn làn điệu quan họ cổ Bắc Ninh “Mời nước mời trầu” vì bài hát là biểu tượng cho lòng mến khách mỗi khi khách đến chơi nhà.
Sau đó, cả khán phòng bừng lên bầu không khí rộn ràng với liên khúc "Dòng máu Lạc Hồng" và "Ngày Tết quê em" màn trình diễn trang phục dân tộc Việt Nam với điểm nhấn là áo dài, áo tứ thân, áo bà ba, bài "Nối vòng tay lớn" của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn, do hơn 20 em sinh viên Italy trình bày, cùng với sự tham gia của các bạn sinh viên Việt Nam đang du học tại trường.
Điểm đặc sắc của chương trình này là các em sinh viên đã giới thiệu về nghệ thuật truyền thống của Việt Nam trước khi biểu diễn minh họa, như em Clarissa Persello với trích đoạn chèo cổ “Xúy Vân giả dại” Nicola Danieletto với trích đoạn cải lương “Bá Lý Hề” Anna Battistella đọc bài thơ Chân quê của nhà thơ Nguyễn Bính.
Buổi biểu diễn đã truyền cảm hứng, sự phấn khích, niềm đam mê cũng như tình yêu đối với đất nước Việt Nam. Những người tham gia chương trình như được đắm mình trong những nét văn hóa Việt và cảm thấy mình như đang có mặt tại Việt Nam chứ không phải ở Italy.
Theo chia sẻ của các sinh viên, qua việc chọn đề tài "Hồn Việt", các em muốn thể hiện niềm đam mê đối với đất nước, lịch sử, văn hóa và truyền thống Việt Nam và việc học tiếng Việt từ sách giáo khoa, mà còn qua tìm hiểu truyền thống đặc trưng của Việt Nam qua nhiều nguồn tư liệu khác nhau.
Trước đó vào năm 2019, bộ môn tiếng Việt, thuộc khoa châu Á và Bắc Phi học của trường Đại học Ca’ Foscari đã được thành lập. Điều đặc biệt là trường còn cung cấp cho các em sinh viên những kiến thức về lịch sử, văn học, kinh tế, địa chính trị, nghệ thuật và mọi khía cạnh của văn hóa Việt Nam.
Trao đổi trên báo chí, Phó giáo sư Richard Quang Anh Tran, người được giao phụ trách việc phát triển bộ môn tiếng Việt, cho biết, thành phố Venice là cửa ngõ giao lưu của các nền văn minh và có nhiều tiềm năng để phát triển chương trình nghiên cứu Việt Nam học.
Trong khi đó, Giáo sư Marco Ceresa, Trưởng khoa châu Á và Bắc phi học cho biết, đến nay phản hồi của sinh viên là rất tốt, số sinh viên quan tâm và đăng ký học tiếng Việt khá ổn định. Ngoài chương trình cử nhân học trong ba năm, trong tương lai rất gần (1-2 năm tới), khoa sẽ mở thêm chương trình thạc sĩ tiếng Việt. Để đáp ứng nhu cầu của sinh viên, trường Ca’Foscari cũng dự định mở chương trình văn bằng cử nhân kép với các trường đại học tại Việt Nam để cho phép việc trao đổi sinh viên giữa Italy và Việt Nam cho những em sinh viên muốn có hai bằng đại học.
Mái nhà của sinh viên Việt xa xứ
Tháng 5/2022 là thời điểm đáng nhớ đối với nhiều sinh viên Việt Nam tại Italy khi Chi hội hữu nghị Italy - Việt Nam vùng Veneto (miền bắc Italy) ra mắt Nhà văn hóa Việt Nam tại Venice và trao quyền sử dụng cho các em. Từ đây, các sinh viên có địa điểm riêng biệt để tổ chức học tập và các hoạt động văn hóa của Việt Nam.
Anh Phạm Hùng Vương - sinh viên Việt Nam tại Venice cho biết: Nhà văn hóa Việt Nam là địa điểm thuận lợi để sinh viên Việt Nam tại Italy trao đổi học tập và giao lưu, quảng bá văn hóa Việt Nam tới bạn bè Italy và bạn bè quốc tế.
Chủ tịch Chi hội hữu nghị Italy-Việt Nam vùng Veneto, ông Renato Darsie trao quyền sử dụng Nhà văn hóa Việt Nam cho đại diện của sinh viên Việt Nam (Ảnh: Hải Linh). |
Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Italy Dương Hải Hưng cho biết, sinh viên Việt Nam tại Italy là những Đại sứ văn hóa của Việt Nam, cầu nối văn hóa giữa người dân Việt Nam và người dân Italy. Việc ra mắt Nhà văn hóa Việt Nam là sự kiện quan trọng trong quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Italy, góp phần tăng cường sự hiểu biết văn hóa giữa hai nước và xây cầu nối cho tương lai quan hệ giữa Việt Nam và Italy.
Đại sứ tin tưởng, sinh viên sẽ có thêm nhiều sự kiện văn hóa về Việt Nam thiết thực, bổ ích để giới thiệu tới bạn bè Italy và xây dựng tình quan hệ hữu nghị với người dân Italy, cũng như khuyến khích các bạn trẻ Việt Nam tới học tại Italy.