Hiểu biết và đồng cảm của nhân dân hai nước là gốc rễ của quan hệ tốt đẹp Việt Nam - Thái Lan
Thưa Đại sứ, xin ngài cho biết, trong thời gian tới, Thái Lan có những chủ trương, chính sách cơ bản gì về đầu tư, thương mại với Việt Nam?
Ngài Nikorndej Balankura - Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Thái Lan tại Việt Nam. |
Thái Lan là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam trong ASEAN và là nước đầu tư lớn thứ 9 tại Việt Nam. Dù dịch bệnh COVID-19 đang bùng phát mạnh nhưng quan hệ thương mại, đầu tư giữa Thái Lan - Việt Nam vẫn trong xu hướng phát triển liên tục. Có thể tự tin khẳng định rằng, Thái Lan và Việt Nam không phải đối thủ thương mại mà là đối tác kinh tế, bổ trợ cho nhau và cùng nhau lớn mạnh. Thái Lan luôn sẵn sàng tăng cường quan hệ thương mại với Việt Nam cả về song phương lẫn trong khu vực và thế giới.
Trong hợp tác song phương, chúng ta đã thiết lập Cơ chế Ủy ban hỗn hợp thương mại Thái Lan - Việt Nam (Joint Trade Committee - JTC) nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế, nâng tầm và kết nối hai nước trở thành chuỗi sản xuất và thương mại tầm cỡ khu vực, luôn hỗ trợ lẫn nhau.
Ngoài ra, sự kết nối cũng là một yếu tố trong thúc đẩy thương mại, đầu tư giữa hai nước. Vì thế, Thái Lan và Việt Nam nên cùng nhau hợp tác nhằm tạo điều kiện cho vận chuyển hàng hóa xuyên biên giới qua tuyến quốc lộ R9 và R12 (đường R9: bắt đầu Savannakhet (Lào) - Lao Bảo - Đông Hà - Huế - Đà Nẵng (Việt Nam) tổng chiều dài 510km; đường R12: Nakhonphano (Thái Lan) - Cửa khẩu Chalo - Vinh/Vũng Áng/Đồng Hới tổng 340km). Điều này không những đem lại lợi ích cho thương mại, đầu tư giữa hai nước mà còn giúp phát triển du lịch và thúc đẩy giao lưu nhân dân.
Về lĩnh vực đầu tư, cốt lõi trong việc đầu tư của Khối doanh nghiệp Thái Lan tại Việt Nam là sự bền vững. Các doanh nghiệp Thái Lan đầu tư tại Việt Nam không chỉ chú trọng đến lợi nhuận mà còn thật sự mong muốn được tham gia phát triển đất nước mà họ đến đầu tư. Hầu như các doanh nghiệp Thái Lan đầu tư tại Việt Nam đều có điểm nổi bật trong việc điều hành hoạt động hướng đến sự bền vững, kinh doanh một cách có trách nhiệm, xây dựng xã hội, đem lại cuộc sống ấm no cho người dân địa phương và bảo vệ môi trường.
(Video: Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Thái Lan tại Việt Nam Nikorndej Balankura trả lời phỏng vấn của Tạp chí Thời Đại)
Nhân dân tỉnh Narathiwat (phía Nam Thái Lan) chào đón Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong chuyến thăm đầu tiên của một vị lãnh đạo cấp cao Việt Nam tới Thái Lan (6-10/09/1978) kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao. (Ảnh: TTXVN). |
Thưa ngài, các nhà đầu tư Thái Lan quan tâm điều gì nhất ở thị trường Việt Nam?
Việt Nam đạt được những bước tiến vượt trội về kinh tế, có nguồn tài nguyên dồi dào với tiềm năng sẵn có trong nhiều lĩnh vực là người bạn thân thiết và cũng là Đối tác chiến lược của Thái Lan, do đó đã trở thành điểm đến đầu tư quan trọng hàng đầu của Thái Lan.
Sự bùng phát của dịch COVID-19 là một trong những yếu tố thúc đẩy phát triển kinh tế số. Đồng thời, cả hai chính phủ Thái Lan và Việt Nam đều chú trọng đề cao sự phát triển thân thiện với môi trường. Vì thế Thái Lan và Việt Nam có thể hợp tác, trao đổi và học hỏi lẫn nhau về kinh tế số, đổi mới, kinh tế BCG (nền kinh tế sinh học - tuần hoàn - xanh) và năng lượng thay thế. Hiện đã có những nhà đầu tư Thái Lan sang đầu tư trong lĩnh vực năng lượng mặt trời và năng lượng gió tại Việt Nam. Hy vọng họ sẽ nhận được sự hỗ trợ từ Chính phủ và nhân dân Việt Nam để gặt hái được những thành công vì lợi ích của Việt Nam.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp Đại sứ Vương quốc Thái Lan tại Việt Nam Nikorndej Blankura đến trình Quốc thư. |
Thái Lan là nhà đầu tư lớn thứ 9 tại Việt Nam với tổng số 607 dự án, tổng trị giá 12.677 triệu USD, tập trung chủ yếu vào công nghiệp sản xuất và chế biến, phát triển cơ sở hạ tầng, kinh doanh bán lẻ, kinh doanh bất động sản, công nghiệp dầu khí... |
Theo Đại sứ, hai nước có thể hợp tác ra sao trong lĩnh vực du lịch?
Về du lịch, trong năm 2019, lượng khách Thái Lan sang Việt Nam tăng tới 50%, với tổng lượng khách vào khoảng 500.000 người. Trong tương lai gần, Thái Lan sẽ bắt đầu đàm phán Thỏa thuận “bong bóng du lịch” (travel bubble) với các nước, đặc biệt là những nước đã triển khai tiêm phòng vacxin COVID-19 một cách rộng rãi. Tôi mong rằng Việt Nam sẽ quan tâm đến việc triển khai Thỏa thuận tương tự với Thái Lan.
Phục hồi du lịch được coi là một trong những nhiệm vụ ưu tiên của Thái Lan thời kì hậu COVID-19. Đây cũng là lĩnh vực mà Thái Lan và Việt Nam có thể cùng nhau hợp tác, đặc biệt là về Du lịch bền vững (sustainable tourism) và Du lịch có trách nhiệm (responsible tourism) vốn là xu thế hiện nay trên thế giới với việc chú trọng phát triển du lịch gắn với trách nhiệm xã hội và luôn đổi mới, giảm thiểu tác động đến xã hội, kinh tế và môi trường.
Theo ngài, đâu là đột phá trong chủ trương hợp tác này?
Hiện nay, Thái Lan với đại diện là Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Thái Lan tại Hà Nội phối hợp cùng các cơ quan của Việt Nam thực hiện dự án phát triển cộng đồng kiểu mẫu bền vững trên cơ sở áp dụng Học thuyết “Kinh tế vừa đủ”. Dự án đầu tiên được thực hiện thí điểm tại tỉnh Thái Nguyên với việc đưa Học thuyết “Kinh tế vừa đủ” vì sự phát triển bền vững theo sáng kiến của Quốc vương Bhumibol Adulyadej áp dụng tại Việt Nam. Trong đó, Du lịch bền vững và Du lịch cộng đồng là một trong những nội dung hợp tác trong khuôn khổ của dự án mà Thái Lan và Việt Nam có thể trao đổi và học hỏi lẫn nhau. Thái Lan luôn sẵn sàng hỗ trợ để mở rộng triển khai dự án đến những địa phương khác của Việt Nam.
Thái Lan là đối tác lớn của Việt Nam trong ASEAN. Vào quý I/2021, thương mại song phương hai nước đạt 4,6 triệu USD. Các mặt hàng chính mà Thái Lan nhập khẩu từ Việt Nam bao gồm: điện thoại, máy móc, phương tiện giao thông, sắt, máy tính và linh kiện điện tử. |
Đại sứ có suy nghĩ gì về hợp tác và giao lưu nhân dân của hai nước? Theo Đại sứ, nên làm thế nào để thúc đẩy hoạt động này trong tương lai?
Sự hiểu biết, cảm thông giữa nhân dân cũng như giao lưu qua lại giữa hai nước là gốc rễ của quan hệ hợp tác tốt đẹp, chặt chẽ giữa Thái Lan và Việt Nam. Quan hệ giao lưu nhân dân hai nước đã tồn tại hàng trăm năm nay, đặc biệt là ở miền Đông Bắc Thái Lan, nơi có đông đảo bà con người Thái gốc Việt, hay còn gọi là Việt kiều sinh sống.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã từng đến thủ đô Bangkok và nhiều tỉnh thành khác và từng có thời gian sinh sống ở tỉnh Nakhon Phanom nhằm vận động sự ủng hộ cho công cuộc giải phóng dân tộc. Sau đó, Thái Lan và Việt Nam đã cùng nhau xây dựng làng Hữu nghị Thái Lan - Việt Nam tại Ban Nachok, tỉnh Nakhon Phanom. Hiện tại, nơi đây đã trở thành địa điểm du lịch thu hút đông đảo khách Thái Lan, Việt Nam cũng như người nước ngoài đến tham quan du lịch.
Chương trình "Làng hữu nghị Việt Nam - Thái Lan vì sự phát triển bền vững" tổ chức tại Hà Nội, tháng 4/2021. |
Những kế hoạch trước mắt, chúng ta có thể làm gì để hiện thực hóa tinh thần hữu nghị này thưa ngài?
Ngày 19/5/2021, nhân dịp kỷ niệm 131 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Thái Lan - Việt Nam, khối doanh nghiệp Thái Lan, cụ thể là Hội đồng Doanh nghiệp Thái Lan - Việt Nam đã tổ chức Lễ kỷ niệm, đồng thời bàn giao núi đá nhân tạo đã được trùng tu hoàn thiện để đặt trong Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại tỉnh Nakhon Phanom.
Việc thành lập Hội hữu nghị Thái Lan - Việt Nam và Hội hữu nghị Việt Nam - Thái Lan tựa như bắc cây cầu kết nối nhân dân hai nước cũng như phát triển hợp tác đôi bên trên mọi bình diện. Ngoài ra, Thái Lan và Việt Nam còn thúc đẩy sự tham gia của người dân tại các địa phương thông qua việc xây dựng quan hệ kết nghĩa giữa các địa phương. Tính đến nay đã có tất cả 13 cặp địa phương kết nghĩa và còn 5 cặp địa phương khác đang trong quá trình xúc tiến.
Nhân dịp kỷ niệm 45 năm quan hệ ngoại giao giữa Thái Lan - Việt Nam, một khía cạnh trong quan hệ đối ngoại nhân dân mà hai nước mong muốn thúc đẩy đó là quan hệ giao lưu giữa thanh niên hai nước. Bởi thanh niên chính là nguồn lực trong việc duy trì mối quan hệ và phát triển hợp tác trong tương lai. Thái Lan và Việt Nam đã liên tục tổ chức các chương trình trao đổi thanh niên từ năm 2009. Vào năm 2019, chương trình được đổi tên thành “Tình bạn hữu nghị Thái Lan - Việt Nam” cho phù hợp hơn với mục đích mở rộng thế giới quan, tạo cơ hội cho thanh niên hai nước được hiểu biết nhau hơn thông qua ngôn ngữ, văn hóa cũng như cùng nhau chia sẻ những quan điểm riêng.Trong thời gian qua, chương trình đã đạt được những thành công rực rỡ và trở thành hoạt động thường niên do Thái Lan và Việt Nam luân phiên tổ chức.
Trong năm 2021, do có sự bùng phát của dịch bệnh COVID-19, Đại sứ quán Thái Lan tại Hà Nội đã thay đổi cách thức tổ chức chương trình thành “Tình bạn hữu nghị Thái Lan - Việt Nam kết nối mối quan hệ thanh niên trong thời kỳ bình thường mới” nhằm gây dựng mạng lưới thanh niên hai nước thông qua công nghệ số và phương tiện truyền thông mạng xã hội (social media) với một niềm tin rằng thanh niên hai nước có thể thường xuyên trao đổi ý kiến và chia sẻ kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực hợp tác thông qua các nền tảng số (digital platform) một cách sáng tạo.
Trong tương lai, ngoài việc đẩy mạnh dạy tiếng Thái tại Việt Nam và dạy tiếng Việt tại Thái Lan nhằm tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, cả Thái Lan và Việt Nam nên đặt mục tiêu thúc đẩy để trở thành đối tác kinh tế có thể bổ trợ và cùng nhau lớn mạnh thông qua một kênh nữa đó là qua hệ giao lưu thanh niên.
Xin cảm ơn Đại sứ!