Hành trình người Pháp quảng bá du lịch Đông Dương
Thành lập cơ quan chuyên trách
Theo Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, năm 1923 Ủy ban Du lịch Trung ương ra đời, do Toàn quyền Đông Dương đứng đầu, với các thành viên là quan chức cấp cao và đại diện từ các ngành báo chí, khách sạn, lưu trú và vận tải. Cùng năm, Văn phòng Du lịch Trung ương trực thuộc Nha Kinh tế được thành lập, chịu trách nhiệm quảng bá, xây dựng các tour du lịch, và điều phối hoạt động du lịch. Tính đến năm 1937, 10.000 tờ rơi về Đông Dương; 10.000 bản đồ du lịch bằng tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Hà Lan; 30.000 tờ rơi về Angkor; 10.000 brochure về đường Cái quan và 20.000 bản đồ Sài Gòn đã được phát hành. Văn phòng cũng tham gia nhiều triển lãm và hội chợ ở Batavia, Sài Gòn, Hà Nội, Hải Phòng và Phnom Penh.
Trang đầu Nghị định thành lập Ủy ban Du lịch trung ương, 27/7/1923. (Nguồn: Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I) |
Xuất bản sách hướng dẫn du lịch
Năm 1918, Claudius Madrolle khởi xướng việc biên soạn sách hướng dẫn "Indochine du Nord" với sự ủng hộ của chính quyền Bắc Kỳ. Cuốn sách ra mắt năm 1923 và được tái bản hai lần, cung cấp thông tin về lịch sử, địa lý, khảo cổ, dân tộc học và các tour du lịch ở Bắc Đông Dương. Phần về Nam Đông Dương được Madrolle bổ sung vào năm 1926 với cuốn "Indochine du Sud".
Ngoài ra, các tác giả khác như Norès và Taupin cũng xuất bản những sách hướng dẫn du lịch quan trọng, cung cấp bản đồ chi tiết và các hành trình tham quan tự thiết kế, giúp khách du lịch khám phá Đông Dương. Một số sách hướng dẫn chuyên biệt về các điểm tham quan như Đà Lạt, Ngũ Hành Sơn và Trung Kỳ cũng được xuất bản trong giai đoạn này.
Bìa sách hướng dẫn du lịch Đông Dương do G.Taupin & Cie xuất bản. (Nguồn: Thư viện Quốc gia Pháp) |
Tham gia hội chợ và triển lãm quốc tế
Nha Kinh tế Đông Dương phụ trách tổ chức và tham gia các hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước, giúp quảng bá hình ảnh Đông Dương. Đáng chú ý, tại triển lãm quốc tế ở San Francisco năm 1919, khu vực Đông Dương thu hút gần 1 triệu khách tham quan, đặc biệt là khu du lịch, nơi khơi gợi sự hứng thú của người Mỹ về việc khám phá vùng đất Viễn Đông này.
Tại triển lãm Paris năm 1931, Pháp đã tái hiện những di tích nổi tiếng của Đông Dương, đặc biệt là đền Angkor, thu hút tới 8 triệu khách tham quan, làm nổi bật tiềm năng phát triển du lịch và khai thác thuộc địa.
Nỗ lực của các Hội Xúc tiến Du lịch
Theo Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, các tổ chức như Hội Xúc tiến Du lịch Sa Pa, Tam Đảo và Hà Nội đã thành lập Liên hiệp Xúc tiến Du lịch Bắc Đông Dương, chịu trách nhiệm quảng bá du lịch và kết nối với các tổ chức trong và ngoài thuộc địa. Văn phòng Du lịch Đông Dương, dưới sự bảo trợ của Hội Xúc tiến Du lịch, đã phát hành tạp chí Revue du Tourisme Indochinois vào năm 1923 và nhanh chóng phân phối 30.000 bản trên toàn cầu.
Những nỗ lực này đã đưa Đông Dương lên bản đồ du lịch quốc tế, nhưng do hạn chế về giao thông, lượng khách quốc tế vẫn rất khiêm tốn trong những năm đầu thế kỷ XX.