Halloween và Tháng cô hồn có gì giống, khác nhau?
Trang trí Halloween tại phố Hàng Mã, Hà Nội (Ảnh: Việt Anh) |
Nguồn gốc
Halloween bắt nguồn từ khoảng 2.000 trước với lễ hội tưởng nhớ thánh Samhain của người Celtic. Thánh Samhain là vị chúa cai quản linh hồn những người chết, có quyền cho các linh hồn trở về gặp mặt gia đình.
Vào ngày nay, các tu sĩ hay linh mục Celtic sẽ tiên đoán về tương lai cuộc sống người dân vùng này. Do đó, trong đêm Halloween mọi nhà đều tắt lửa để ma quỷ không thể vào, mọi người dân và tu sĩ sẽ quay quần bên đống lửa để nghe lời tiên chiêm tinh. Đồng thời, người dân vùng Celtic còn xem ngày này là ngày đánh dấu kết thúc vụ mùa, chuyển sang mùa Đông giá rét. Họ tin rằng vào ngày này, địa ngục mở ra thì ranh giới giữa sự sống và cái chết trở nên mờ nhạt. Vì vậy, họ hoá trang thành ma quỷ để xua đuổi các linh hồn đã chết.
Khi thánh Patrick cùng đoàn truyền giáo đến vùng Celtic thì lễ hội này ít được tổ chức hơn. Sau đó, các nhà thờ đã thay đổi lễ hội thành lễ mang ảnh hưởng của đạo Kito giáo. Đến thế kỷ thứ 8, Giáo hoàng Gregorius III đã chuyển ngày lễ Các thánh từ ngày 13/5 sang ngày 1/11 nên vào ngày này, người dân sẽ tổ chức lễ Samhain và đêm trước các Thánh nên gọi chung là ngày Halloween.
Có nhiều lý giải về nguồn gốc của Tháng cô hồn trong văn hóa Việt Nam. Tác giả Bùi Xuân Mỹ viết trong cuốn Tục thờ cúng của người Việt: "Theo tín ngưỡng truyền thống thì vào ngày Rằm tháng 7, các tội nhân ở cõi âm được tha tội một ngày, bởi vậy các gia đình ở dương gian làm cỗ bàn cúng gia tiên, đốt vàng mã và cầu cúng tụng kinh độ trì cho họ".
Một số ý kiến cho rằng Tháng cô hồn có nguồn gốc từ Đạo giáo: Trong tháng Bảy Âm lịch, Diêm Vương mở quỷ môn quan cho các vong linh được quay trở về dương gian. Vì thế, mọi người trên dương thế thường mở rộng lòng từ bi bằng cách cúng cháo, gạo... để bố thí cho các vong linh, quỷ đói đồng thời mong muốn các vong linh đừng quấy phá đời sống của người trần gian.
Các hoạt động hóa trang được hưởng ứng trong lễ Halloween (Ảnh: Thái Ngọc Mỹ Linh) |
Phong tục
Halloween là ngày lễ ma quỷ và những lời tiên tri. Do đó, bên cạnh các hoạt động phổ biến như lễ hội hóa trang, làm đèn bí ngô, đốt lửa để xua đuổi ma quỷ, người dân phương Tây còn tham gia vào nhiều hoạt động như ăn bánh Barnbrack - một món bánh trái cây giấu các món đồ tiên tri như đồng xu (biểu tượng cho một năm thịnh vượng), chiếc nhẫn (biểu tượng cho một năm hạnh phúc),... Một số quốc gia có phong tục ném than vào đống lửa để dự đoán về tương lai của các cặp đôi.
Halloween đến vào mùa thu hoạch táo, do vậy, nhiều hoạt động liên quan đến táo được tổ chức trong ngày lễ này, như thi gọt táo, cắn táo trong chậu nước,... với niềm tin rằng ai gọt táo dài hơn sẽ sống lâu hơn, ai cắn được nhiều táo hơn sẽ gặp nhiều may mắn, hạnh phúc.
Về Tháng cô hồn tại Việt Nam, trong cuốn Phong tục thờ cúng của người Việt do NXB Văn hóa Thông tin phát hành có viết: "Tết Trung nguyên là tết tổ chức vào ngày rằm tháng bảy, dân gian còn gọi là ngày Xá tội vong nhân. Nhiều người bày lễ cúng chúng sinh ngoài sân, trước thềm nhà, rìa đường phố, cúng cô hồn, ma đói, dùng lễ vật sơ sài như bánh đa, bánh bỏng, ngô bắp, khoai lang, trứng luộc".
"Lễ vật để cúng cháo có cháo hoa nấu bằng gạo, cơm nắm vắt thành nắm nhỏ, hoa quả, bánh, bỏng, trầu cau, xôi chè và đồ vàng mã. Khi cúng xong, các cô hồn, những người nghèo, trẻ em giành và chia nhau các thứ đó" - tác giả Bùi Xuân Mỹ liệt kê.
Hoa hồng cài áo - một hoạt động trong lễ Vu Lan (Ảnh; Làng Mai) |
Lễ cô hồn và ngày Vu Lan
Theo Giáo hội Phật giáo Việt Nam, lễ Vu Lan hay còn gọi là lễ báo hiếu, là một trong những ngày lễ chính của Phật giáo được tổ chức vào Rằm tháng Bảy Âm lịch hàng năm. Vu Lan gắn liền với sự tích Mục Kiền Liên cứu mẹ. Mục Kiền Liên là đệ tử của Phật Thích Ca. Thấy mẹ chịu thống khổ trong địa ngục do lối sống xa hoa, lãng phí, không tin Phật pháp, ông cầu cứu tới Đức Phật. Phật nói rằng: “Muốn cứu thì vào ngày Rằm tháng Bảy, là lúc mà chư Phật hoan hỷ, hãy thiết lễ Vu Lan Bồn.... Vào ngày này, ông thiết trai cúng dường Tam Bảo thì mẹ của ông sẽ lìa khổ được vui”. Khi thực hiện đúng lời Phật dạy, mẹ của Mục Liên đã được giải thoát. Từ đó về sau tín đồ Phật giáo đã duy trì gọi Rằm tháng Bảy hàng năm là ngày lễ Vu Lan hay còn gọi là lễ báo hiếu.
Lễ Vu Lan được tổ chức vào rằm tháng Bảy âm lịch, trùng ngày với lễ Xá tội vong nhân. Theo ông Hoàng Triệu Hải, Giám đốc Trung tâm Lý học Đông Phương, Xá tội vong nhân được coi là ngày Diêm Vương mở cửa Quỷ Môn Quan để linh hồn được tự do trở về dương thế. Trong khi Vu Lan là lễ báo hiếu với đấng sinh ngày, các tục lễ trong ngày Xá tội vong nhân lại cho thấy tinh thần nhân văn, chia sẻ với những linh hồn không nơi nương tựa.
Người trẻ hòa vào không khí Halloween tại phố Hàng Mã (Ảnh: Việt Anh) |
Giới trẻ Việt kỉ niệm Halloween thế nào?
Halloween đang ngày càng trở nên phổ biến trong giới trẻ Việt Nam. Khác với các quốc gia phương Tây nơi Halloween được tổ chức rộng rãi, tại Việt Nam, Halloween là dịp gặp gỡ bạn bè, tham gia vào các trải nghiệm mới.
Trần Dương, 19 tuổi, sinh viên Đại học Thương Mại chia sẻ: "Đối với mình, Halloween là ngày hội của những trải nghiệm thú vị và đặc biệt. Năm nay, mình dự định cùng bạn bè đến Hàng Mã - con phố bán đồ trang trí theo phong cách Halloween. Mình cũng muốn được hòa vào các sự kiện hóa trang, mặc trang phục siêu anh hùng."
Tuy không phải ngày lễ truyền thống của Việt Nam, Halloween là dịp để nhiều câu lạc bộ, trung tâm, trường học tổ chức những sự kiện sôi động, thu hút sự quan tâm của giới trẻ. Ngọc Ánh, thành viên Câu lạc bộ Tiếng Anh, Đại học Thương Mại cho biết, năm nay, CLB sẽ tổ chức một buổi sinh hoạt với chủ đề Halloween. "Chúng mình sẽ học những từ vựng Tiếng Anh liên quan đến chủ đề ngày hội Halloween, trải nghiệm một số hoạt động như hóa trang và hát những bài hát về Halloween. Mình rất mong chờ được tham gia vào buổi sinh hoạt đó và hy vọng các thành viên trong CLB mình sẽ có một ngày lễ thật vui vẻ."
Bận rộn với công việc trong những tháng cuối năm, Thu Hiền, 25 tuổi, nhân viên văn phòng vẫn cố gắng sắp xếp thời gian gặp gỡ bạn bè, chuẩn bị những món quà nhỏ cho dịp Halloween. Hiền chia sẻ: "Mình thấy Halloween đang ngày càng được biết đến rộng rãi ở Việt Nam, nhất là trong giới trẻ. Ngay trong nhóm bạn của mình, mấy năm trước mọi người không ai nói nhiều tới Halloween, nhưng đến năm nay thì tất cả đã bắt đầu rục rịch rủ nhau đi chơi trong dịp này rồi. Halloween với mình là một ngày lễ thú vị với không khí, cách thức trang trí, vui chơi hoàn toàn khác với những dịp khác trong năm. Sự phổ biến rộng rãi hơn của dịp lễ này ở Việt Nam càng thể hiện sự hội nhập của đất nước trong khía cạnh văn hóa. Ngoài ra, đây cũng là một cơ hội để bạn bè, người thân tụ tập và cùng nhau có những trải nghiệm thú vị, đáng nhớ".
Cách đón Halloween thú vị của cộng đồng người nước ngoài tại Việt Nam Dịp lễ này, như mọi năm, cộng đồng người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam thường tìm đến những bữa tiệc hoá trang, thực hiện những chuyến đi du lịch cuối tuần hoặc cùng bạn bè, người thân đón lễ hội theo phong tục truyền thống. |
Xem gì mùa Halloween: Những bộ phim hài hước, nhân văn không thể bỏ qua Không chỉ dừng lại ở kinh dị, nhiều phim điện ảnh gây ấn tượng với thế giới bởi việc lồng ghép các giá trị nhân văn, yếu tố hài hước, mang đến những trải nghiệm mới cho khán giả. Mùa Halloween này, đừng bỏ qua những bộ phim dưới đây. |