Hà Nội: Metro chạy xuyên giao thừa, xe vào nội đô theo 6 hướng dịp Tết Ất Tỵ 2025
Metro hoạt động xuyên giao thừa
Theo kế hoạch, trước ngày 26/1 (27 Tết) và sau 1/2 (Mùng 4 Tết), vào ngày thường, tàu chạy từ 5 giờ 30 - 22 giờ, giãn cách 10 phút/chuyến, giãn cách giờ cao điểm 6 phút/chuyến. Thứ Bảy, Chủ nhật, tàu chạy từ 5 giờ 30 - 22 giờ, giãn cách 10 phút/chuyến.
Hà Nội Metro thông báo lịch chạy tàu trong dịp Tết 2025. |
Riêng ngày 28/1 (29 Tết), tàu chạy đến 2 giờ ngày 29/1. Mùng 1 Tết (29/1) tàu khởi chạy lúc 10 giờ, mùng 2 Tết khởi hành lúc 8 giờ, mùng 3 Tết lúc 6 giờ và đều kết thúc lúc 22 giờ.
Từ ngày 3/2, ngày đi làm trở lại sau nghỉ Tết, tàu trở lại hoạt động bình thường.
Theo Hà Nội Metro, việc kéo dài thời gian chạy tàu trong đêm giao thừa nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu đi lại của nhân dân Thủ đô và du khách đón Tết Ất Tỵ 2025 và trải nghiệm dịch vụ liên thông xanh-sạch-an toàn.
Phân luồng giao thông nội đô dịp Tết
Trước đó, Sở Giao thông vận tải Hà Nội có thông báo hướng dẫn phân luồng giao thông ra vào nội đô theo 6 hướng từ ngày 22/1 đến 22/2.
Cụ thể, hướng thứ nhất, từ Hà Nội đi các tỉnh phía Nam: Phương tiện có thể đi theo các lộ trình: Trung tâm Hà Nội đi nút giao Pháp Vân - Cầu Giẽ vào cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ; trung tâm Hà Nội đi Quốc lộ (QL) 1 cũ: Giải Phóng - Ngọc Hồi - QL1 vào cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ tại nút giao Vạn Điểm; nút giao Đại Xuyên (huyện Phú Xuyên); QL6 (trục Nguyễn Trãi - Trần Phú - Quang Trung) - ngã ba Ba La đi đường 21B - QL38 để ra QL1 cũ (nút giao Đồng Văn) hoặc vào nút giao Vực Vòng đi cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ; QL6 (trục Nguyễn Trãi - Trần Phú - Quang Trung) - rẽ trái đi đường Phùng Hưng - đến đường trục phía Nam - rẽ trái đường tỉnh 427B - ra ga Thường Tín để vào cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ; QL6 đi thị trấn Xuân Mai - đi đường Hồ Chí Minh - đường 21B.
Hướng thứ hai, từ các tỉnh phía Nam đi về Hà Nội, phương tiện đi theo các lộ trình: Nút giao Liêm Tuyền trên đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ: Đi đường TL494 - QL21B - QL6 (ngã ba Ba La, Hà Đông); tại nút giao Vực Vòng trên đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đi theo 2 hướng sau: Rẽ trái đi QL38 - QL21B - QL6 (ngã ba Ba La, Hà Đông), hoặc rẽ phải đi QL38 - qua cầu Yên Lệnh - QL39A - đường tỉnh 379 - nút giao với đường Vành đai 3 (cầu Thanh Trì); tại nút giao Vạn Điểm: Rẽ trái đi QL1 - đường tỉnh 429 - QL21B - QL6 (ngã ba Ba La, Hà Đông); tại nút giao Thường Tín: Đi đường tỉnh 427 - đến đường trục phía Nam - đường Phùng Hưng (Hà Đông).
Hướng thứ ba, từ Hà Nội đi các tỉnh phía Đông Bắc (Bắc Giang, Bắc Ninh, Lạng Sơn...) và ngược lại có thể đi theo các hướng sau:
Đường Vành đai 3 - cầu Thanh Trì - cao tốc Hà Nội - Bắc Giang; cầu Nhật Tân - Võ Nguyên Giáp - QL18 đi cao tốc Hà Nội - Bắc Giang; cầu Chương Dương - Nguyễn Văn Cừ - Hà Huy Tập - Ngô Gia Tự - cầu Đuống - đi cao tốc Hà Nội - Bắc Giang.
Hướng thứ tư, từ Hà Nội đi các tỉnh phía Tây Bắc (Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái...) và ngược lại có thể đi theo lộ trình: Cầu Thăng Long - Võ Văn Kiệt - QL2 vào cao tốc Hà Nội - Lào Cai; cầu Thăng Long - tỉnh lộ 23 - đường Mê Linh đi QL2; cầu Thăng Long - cầu vượt Nam Hồng - đường 23 - QL2 - đường tỉnh 310B đi cao tốc Hà Nội - Lào Cai; QL3 - đường tỉnh 296 - vào cao tốc Hà Nội - Lào Cai; QL32 đi Phú Thọ.
Hướng thứ năm, Hà Nội đi các tỉnh phía Bắc (Hòa Bình, Sơn La...) và ngược lại có thể đi theo lộ trình: Đại lộ Thăng Long - đường Tản Lĩnh - Yên Bài - cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình; QL6 - thị trấn Xuân Mai - Hòa Bình.
Hướng thứ sáu, các phương tiện từ Hà Nội đi các tỉnh phía Đông (Quảng Ninh, Hải Phòng, Hưng Yên, Hải Dương..) và ngược lại có thể đi theo các hướng sau: Đường Cổ Linh - nút giao đường Vành đai 3 đường Cổ Linh - cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; đường tỉnh 379 đi Hưng Yên, Hải Phòng; QL5 cũ (Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Đức Thuận) đi Hải Dương; cầu Thanh Trì - đường cao tốc Hà Nội - Bắc Giang - đi QL18.