Giáo hội Phật giáo Việt Nam: Nhiều đóng góp quý báu trong công tác đối ngoại nhân dân thời kỳ mới
Đó là ý kiến của Đại sứ Nguyễn Phương Nga - Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam khi phát biểu tham luận tại tọa đàm “Hoạt động quốc tế của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong giai đoạn hiện nay” do Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) tổ chức ngày 6/10/2022 tại Bình Định.
Tạp chí Thời Đại trân trọng giới thiệu nội dung trọng tâm của bản tham luận:
Phật giáo Việt Nam luôn giữ tinh thần hộ quốc - an dân. Trong hơn 40 năm qua kể từ khi thành lập tới nay (07/11/1981), GHPGVN đã không ngừng phát triển và luôn đồng hành cùng dân tộc, kế thừa trọn vẹn truyền thống mấy nghìn năm của Phật giáo, thúc đẩy ảnh hưởng tích cực và trách nhiệm xã hội của Phật giáo với đất nước, với dân tộc. Giáo lý nhân văn, nhân bản, từ bi, bác ái, đề cao sự bình đẳng, hòa hợp, tôn trọng và yêu thương con người của Phật giáo đã góp phần làm phong phú thêm bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, chuẩn mực ứng xử và giá trị đạo đức của xã hội. Là thành viên nòng cốt của khối đại đoàn kết dân tộc, GHPGVN đã tập hợp tăng ni, tín đồ Phật giáo Việt Nam gắn bó, đoàn kết cùng đồng bào các tôn giáo khác và đồng bào không tôn giáo tích cực thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. GHPGVN đồng thời là cầu nối quan trọng, động viên tăng ni, tín đồ Phật giáo Việt Nam ở nước ngoài chung tay xây dựng quê hương, đất nước.
Đại sứ Nguyễn Phương Nga trình bày tham luận tại tọa đàm. |
GHPGVN đã giới thiệu các chức sắc tiêu biểu ứng cử, tham gia Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp; vận động tăng ni, tín đồ Phật tử ở trong và ngoài nước đóng góp nhân tài, vật lực và tham gia có hiệu quả các hoạt động giáo dục, đào tạo, y tế, bảo trợ xã hội, từ thiện, nhân đạo, xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Trong thời gian cả nước căng mình ứng phó với đại dịch Covid-19, hình ảnh các tăng ni, Phật tử trong áo blouse trắng trên tuyến đầu chống dịch là minh chứng sinh động cho lý tưởng phụng sự chúng sinh, đồng nguyện đồng hành với dân tộc của Phật giáo Việt Nam.
Hưởng ứng chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta, GHPGVN đã tích cực mở rộng giao lưu và hội nhập quốc tế, đã tham gia sáng lập và là thành viên nòng cốt trong các cơ chế đa phương, song phương của Phật giáo thế giới (như Liên minh Phật giáo thế giới, Hội Phật giáo Thế giới truyền bá Chánh pháp, Hội đệ tử Như Lai Tối thượng, Ủy ban Quốc tế Đại lễ Vesak Liên Hợp quốc…); GHPGVN đã đăng cai tổ chức đại lễ Vesak Liên hợp quốc năm 2008, 2014 và 2019 thành công tốt đẹp với sự hiện diện của tăng ni đến từ gần 112 quốc gia và các vùng lãnh thổ trên thế giới; đăng cai tổ chức thành công Hội nghị Nữ giới Phật giáo thế giới lần thứ XI các năm; tổ chức các đoàn GHPGVN đi thăm viếng Phật giáo các nước; tham dự nhiều hội nghị, hội thảo quốc tế để trao đổi kiến thức và giao lưu học thuật trên các diễn đàn Phật giáo quốc tế…
Đặc biệt, GHPGVN là một thành viên chủ động, tích cực, đạt nhiều thành tựu lớn, có nhiều đóng góp quý báu trong công tác đối ngoại nhân dân.
GHPGVN đã cử các đại diện chức sắc tiêu biểu tham gia với tinh thần trách nhiệm cao vào Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, vào Ban Lãnh đạo các tổ chức hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân các nước ở Trung ương và địa phương, tiêu biểu như Hội hữu nghị Việt Nam - Lào, Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia, Hội hữu nghị Việt Nam - Thái Lan, Hội hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ, Hội hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản, Hội Việt - Mỹ, Hội hữu nghị Việt Nam - Nepal, Ủy ban Hòa bình Việt Nam…
GHPGVN có vai trò quan trọng trong việc tăng cường và củng cố tình hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân các nước. GHPGVN tích cực phối hợp với Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và các tổ chức thành viên ở Trung ương và địa phương đón tiếp các tăng đoàn Phật giáo quốc tế: phái đoàn Phật giáo Sri Lanka, Ấn Độ, Myanmar, Thái Lan, Campuchia, Lào…; lãnh đạo GHPGVN tham gia đoàn của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và một số tổ chức thành viên thăm một số nước và phối hợp tổ chức nhiều hoạt động đối ngoại nhân dân với nội dung và hình thức phong phú, đa dạng nhân các dịp lễ, tết cổ truyền của các dân tộc như: Tết Chol Chnam Thmay, Lễ Vu Lan, Tết Nguyên đán, Lễ Bunpimay, Lễ Rằm tháng Giêng Magha Puja, Đại lễ Phật đản Vesak, Lễ Trị ân cúng Tiền nhân, Lễ dâng y Kathina, Lễ cầu cho quốc thái dân an, hòa bình thế giới, Lễ cầu siêu các anh hùng liệt sỹ… Phối hợp tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa phật giáo Việt Nam và các nước như: triển lãm ảnh về di tích Phật giáo tại Ấn Độ và một số nước châu Á khác tại Bảo tàng Văn hóa Phật giáo, tăng ni phật tử chùa Đông Đại (Nhật Bản) tặng chùa Quán Thế Âm bức tượng phật “Thập nhất diện quan âm” do nhà điêu khắc hàng đầu Nhật Bản Mizushima Iwane thực hiện. Đặc biệt gần đây, Trung ương GHPGVN đã tích cực vận động và quyên góp được khối lượng lớn trang thiết bị y tế hỗ trợ nhân dân Ấn Độ, Lào, Campuchia ứng phó với dịch Covid – 19, hỗ trợ nhân dân Sri Lanka khắc phục khó khăn do khủng hoảng, thể hiện truyền thống nhân nghĩa của dân tộc ta.
GHPGVN tích cực phối hợp cùng với Liên hiệp các tổ chức hữu nghị, các Hội hữu nghị tại các tỉnh, thành phố tổ chức và tham gia các hoạt động từ thiện, an sinh xã hội có ý nghĩa thiết thực, góp phần xóa đói nghèo, chăm lo đời sống vật chất tinh thần của những người có hoàn cảnh khó khăn, tổ chức khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí, thăm tặng quà, hỗ trợ xây nhà ở cho các chùa Khmer, Học viện Phật giáo Nam tông Khmer, các gia đình chính sách, nạn nhân chất độc da cam là người dân tộc… Có thể kể đến một số hoạt động nổi bật như: Ban Quản trị Chùa Ông (Cần Thơ) ủng hộ và tài trợ học bổng cho con em người Hoa; Chi hội hữu nghị Minh Nguyệt Cư sĩ Lâm duy trì, sửa chữa nơi thờ phượng, tạo ra điểm giao lưu, gặp gỡ của người Hoa tại Cần Thơ và trong cả nước, giúp nhau an cư lạc nghiệp; Liên hiệp các tổ chức hữu nghị và Hội hữu nghị Việt Nam - Lào tỉnh Quảng Nam phối hợp với Ban trị sự Giáo hội phật giáo tỉnh Quảng Nam (Thượng Tọa Thích Huệ Phát, UVTT Ban trị sự) và thành phố Đà Nẵng (Đại đức Thích Pháp Hiếu, UVTT Ban trị sự) tổ chức khám chữa bệnh đa khoa, phẫu thuật các bệnh về mắt miễn phí cho cán bộ nhân dân tỉnh Sê Koong, Lào; Ủy ban Hòa bình Hà Nội phối hợp với Thành hội Phật giáo Hà Nội tổ chức khám sức khỏe miễn phí và tặng quà cho các nạn nhân chất độc da cam, người cô đơn, tàn tật và trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn; nấu cơm, cháo cho bệnh nhân nghèo cho các bệnh nhân nghèo tại bệnh viện trong thành phố; vận động tăng ni, Phật tử chung tay hỗ trợ chương trình máy tính cho em hỗ trợ các học sinh nghèo trong đại dịch Covid-19; Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Đà Nẵng phối hợp Hội Phật giáo thành phố hỗ trợ giúp đỡ 05 tăng sinh người Lào nơi ăn chốn ở tu học tại chùa Tam Bảo, đón tiếp hàng trăm sinh viên Lào và các nhà sư Nam Tông thực hiện các nghi thức tâm linh (Lễ Bái Tam Bảo, Đặt bát, thọ trì tam quy ngũ giới); tổ chức thành công các đại lễ Phật giáo quốc tế với sự tham gia của chư tăng Sri Lanka, Myanmar, Thái Lan, Campuchia, Ấn Độ, Lào…;
Thượng tọa Lý Hùng, trụ trì chùa Pitu Khossarensery, Phó Trưởng ban trị sự GHPGVN thành phố Cần Thơ, UVBCH Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia đã xây dựng đường giao thông nông thôn và cầu bê tông ở các phum sóc có đồng bào Khmer sinh sống tại Cần Thơ và Hậu Giang, tổ chức chương trình mổ mắt nhân đạo cho hàng ngàn lượt người nghèo bị mù tại các tỉnh Trà Kheo, Kan Đal của Campuchia, trao tặng và trồng cây bồ đề có nguồn gốc từ đất Phật Bodhi Gaya (Ấn Độ)…
Ban trị sự GHPGVN nhiều địa phương, đặc biệt là nhà chùa tại một số tỉnh thành phía Nam đã tham gia tích cực hoạt động “Ươm mầm hữu nghị”, vận động đỡ đầu sinh viên Lào và Campuchia trên địa bàn, hỗ trợ học bổng giúp đỡ các lưu học sinh học tập bằng nguồn kinh phí xã hội hóa, góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam với Lào và Campuchia.
Quang cảnh buổi tọa đàm. |
GHPGVN đã tích cực phối hợp với các cơ quan báo chí Việt Nam và phát huy vai trò của các phương tiện truyền thông của GHPGVN như Truyền hình An Viên, Kênh “Phật sự online” và các ấn phẩm báo chí khác triển khai công tác thông tin tuyên truyền đối ngoại, chia sẻ rộng rãi thông tin về các hoạt động đối ngoại nhân dân; phối hợp Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và các tổ chức thành viên thực hiện các phóng sự “Sinh viên Lào viếng Chùa lễ phật và cầu nguyện vui tết cổ truyền nguyên đán”, “Phật giáo là chất keo kết dính của hai nước Việt – Lào anh em”… góp phần lan tỏa những hình ảnh tốt đời, đẹp đạo, hữu nghị, hòa bình, đoàn kết đến nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế. Ban Thông tin Truyền thông của GHPGVN tỉnh Bình Dương đã ký kết chương trình phối hợp hoạt động giai đoạn 2022-2027 với Hội hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ tỉnh Bình Dương.
Các hoạt động giao lưu và đối ngoại nhân dân của GHPGVN đã góp phần củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, tăng cường tình hữu nghị và hợp tác giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân các nước, tăng cường giao lưu văn hóa, giới thiệu tới bạn bè quốc tế về lịch sử, tín ngưỡng văn hóa, tôn giáo, đất nước và con người Việt Nam, nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam, lan tỏa giá trị văn hóa Việt Nam, đồng thời phát huy vai trò của Phật giáo trong việc huy động nguồn lực cho các hoạt động đối ngoại nhân dân. Để ghi nhận những đóng góp tích cực và tâm đức của GHPGVN và các chư tăng đối với hòa bình, đoàn kết, hữu nghị giữa các dân tộc, Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã trao tặng Kỷ niệm chương vì hòa bình, hữu nghị giữa các dân tộc cho nhiều vị chư tăng của Giáo hội.
Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, phấn đấu thực hiện mục tiêu mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra là đưa Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào giữa thế kỷ này. Trong bối cảnh đất nước đứng trước những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, đối ngoại nhân dân có vai trò ngày càng quan trọng là một trong ba trụ cột của nền ngoại giao Việt Nam toàn diện và hiện đại, có trách nhiệm cùng với ngoại giao Đảng và ngoại giao Nhà nước phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước.
Với sứ mệnh cao cả là “xương minh Phật pháp, lợi ích tha nhân và phát triển Giáo hội’, tôi tin tưởng rằng GPHGVN sẽ tiếp tục phát huy vai trò là một lực lượng quan trọng của công tác đối ngoại nhân dân, sẽ có nhiều hoạt động giao lưu và hội nhập quốc tế tích cực và hiệu quả, tăng cường hơn nữa quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa giáo hội và các tổ chức phật giáo các nước trên thế giới; giới thiệu hình ảnh đất nước, con người, văn hóa, truyền thống lịch sử, văn hóa, Phật giáo Việt Nam đến bạn bè, chư tăng quốc tế; phát triển và khai thác tiềm năng du lịch tâm linh, góp phần thiết thực vào công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước và tăng cường hòa bình, hữu nghị giữa nhân dân thế giới như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
* Tít bài do tạp chí Thời Đại đặt.