Giảm thời gian nội trợ của phụ nữ - mục tiêu đáng chú ý trong Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030
Một báo cáo được Tổ chức Lao động quốc tế ILO công bố hồi tháng 3/2021 cho thấy, phụ nữ dành trung 20,2 giờ/tuần để làm các công việc nội trợ như: Dọn dẹp nhà cửa, giặt quần áo, nấu ăn, đi chợ, chăm sóc gia đình và con cái. Trong khi đó, nam giới chỉ dành 10,7 giờ cho những công việc này. Thậm chí gần 1/5 nam giới không hề dành thời gian nào cho việc nhà.
“Bất bình đẳng đối với phụ nữ về chất lượng việc làm và phát triển nghề nghiệp cũng bắt nguồn từ trách nhiệm kép mà họ phải gánh vác. Phụ nữ phải dành thời gian làm việc nhà nhiều hơn gấp đôi so với nam giới”, bà Valentina Barcucci, chuyên gia kinh tế lao động của ILO Việt Nam cho hay.
Đại dịch COVID-19 không chỉ làm gia tăng những bất bình đẳng hiện hữu trong thị trường lao động Việt Nam mà còn tạo nên những bất bình đẳng mới. Tổng số giờ làm hàng tuần của phụ nữ trong quý 2/2020 chỉ bằng 88,8% tổng số giờ làm của họ trong quý 4.2019, trong khi con số này ở nam giới là 91,2%.
Trong 3 tháng cuối năm 2020, phụ nữ đã làm việc nhiều hơn 0,8% số giờ so với cùng kỳ năm 2019, trong khi nam giới chỉ làm nhiều hơn 0,6%. Bà Barcucci nhận định: “Những phụ nữ làm việc nhiều giờ hơn bình thường trong nửa cuối năm 2020 có lẽ là để bù đắp cho các khoản thu nhập bị mất trong quý 2. Những giờ làm tăng thêm này khiến gánh nặng kép họ vốn phải gánh vác càng nặng nề hơn, do họ vẫn phải dành quá nhiều thời gian làm việc nhà so với nam giới”.
Lao động nữ gánh nặng kép: Vừa đi làm vừa cáng đáng trách nhiệm gia đình. (Ảnh minh họa) |
Theo đó, mục tiêu tổng quát của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030 là tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước.
Chiến lược đưa ra 6 mục tiêu và 20 chỉ tiêu cụ thể nhằm tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới trong các lĩnh vực: Chính trị; kinh tế, lao động; trong đời sống gia đình và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; y tế; giáo dục, đào tạo; thông tin, truyền thông.
Bên cạnh một số chỉ tiêu cần tiếp tục duy trì kết quả của giai đoạn trước, Chiến lược 2021-2030 còn bao gồm các chỉ tiêu mới như: Giảm tỷ trọng lao động nữ làm việc trong khu vực nông nghiệp; tăng các cơ sở trợ giúp xã hội công lập triển khai các hoạt động trợ giúp, phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; giảm tỷ suất sinh ở vị thành niên; các cơ sở y tế cung cấp thí điểm dịch vụ chăm sóc sức khỏe dành cho người đồng tính, song tính và chuyển giới; nội dung về giới, bình đẳng giới được đưa vào chương trình giảng dạy trong hệ thống giáo dục quốc dân...
Trước đó, thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020, Việt Nam đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ, góp phần thu hẹp khoảng cách giới trong các lĩnh vực, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế- xã hội của đất nước. Đặc biệt, kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 với tỷ lệ 30,26% nữ đại biểu Quốc hội và gần 30% nữ tham gia Hội đồng nhân dân các cấp là minh chứng rõ nét cho những nỗ lực trong thực hiện bình đẳng giới ở Việt Nam.
Những thành tựu này sẽ là nền tảng vững chắc để các cấp, các ngành tiếp tục duy trì và phát huy hơn nữa trong việc thực hiện các mục tiêu quốc gia bình đẳng giới trong giai đoạn tới.