Gia tăng khả năng đầu tư, kết nối thông thương Việt - Hàn phát triển sau đại dịch
Đối mặt nhiều thách thức do dịch bệnh
Theo các chuyên gia kinh tế, các tỉnh ĐBSCL là địa điểm mới của các nhà đầu tư với tiềm năng về nông nghiệp, chế biến nông sản, nông nghiệp chất lượng cao, các ngành sản xuất công nghiệp mới.
Tuy nhiên, đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ tư tại các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL đã tác động nhiều đến đời sống, an sinh xã hội. Nhiều doanh nghiệp trong vùng rơi vào tình thế khó khăn, sản xuất đình trệ, đơn hàng xuất khẩu sụt giảm nhất là các doanh nghiệp thủy sản.
Các nhà đầu tư Hàn Quốc đang hướng tới phát triển Khu Đô thị - Công nghiệp - Nông nghiệp thông minh tại khu vực ĐBSCL |
Thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ cho thấy, kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát vào cuối tháng 4, các tỉnh thành phố vùng ĐBSCL đã phải “đóng băng” hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian dài. Có gần 90% DN trong vùng tạm ngừng hoạt động. Các doanh nghiệp có thể duy trì hoạt động thực hiện “3 tại chỗ”, “4 tại chỗ” cũng chỉ sản xuất từ 5 - 10% công suất. Hiện chỉ còn khoảng 250 doanh nghiệp hoạt động cầm chừng trong tổng số 75.000 doanh nghiệp tại ĐBSCL.
Ông Nguyễn Phương Lam - Giám đốc VCCI Cần Thơ cho biết, nếu so sánh về tỷ lệ DN tạm ngừng hoạt động chờ thủ tục giải thể thì vùng ĐBSCL hiện cao gấp 2 lần so với bình quân cả nước. Doanh thu của hầu hết các DN vùng ĐBSCL còn hoạt động đều giảm sút 40- 50%.
Gia tăng kết nối, tiếp sức cho doanh nghiệp
Theo Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam – Hàn Quốc Vũ Tiến Lộc, đại dịch COVID-19 thực sự là cuộc "sàng lọc đau đớn" đối với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Nhà nước và các doanh nghiệp đã rất nỗ lực để sớm phục hồi nền kinh tế, nhưng thời gian tới, Nhà nước vẫn cần tiếp tục có những hỗ trợ mạnh mẽ hơn để các doanh nghiệp có thể phục hồi nhanh, sớm phát triển sản xuất.
Về giải pháp đối với từng doanh nghiệp, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, đại dịch qua đi thì vẫn còn những khó khăn khác như biến đổi khí hậu, chiến tranh thương mại. Doanh nghiệp sẽ kinh doanh trong môi trường biến đổi, không có gì là cố định. Vì vậy, để có thể phát triển bền vững, các doanh nghiệp cũng cần có mô hình quản trị, mô hình kinh doanh có khả năng chống chịu, có khả năng quản trị rủi ro, có khả năng phòng ngừa và xử lý tốt các tranh chấp.
Lễ khánh thành cầu Hữu nghị Hàn- Việt số 1 tại ấp Hòa Mỹ 1, xã Mỹ An, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long. |
Về phía Hội Hữu nghị Việt Nam – Hàn Quốc, với thế mạnh trong các hoạt động đối ngoại nhân dân đã luôn nỗ lực hoàn thành vai trò cầu nối giữa các đối tác của hai nước, nhất là các doanh nghiệp trong hợp tác kinh tế, thương mại, du lịch… để gia tăng khả năng đầu tư lẫn nhau, nối lại và phát triển hợp tác kinh tế sau đại dịch…
Trong bối cảnh nhiều thách thức do đại dịch COVID-19, Hội Hữu nghị Việt Nam – Hàn Quốc càng đẩy mạnh các hoạt động kết nối mối quan hệ hữu nghị, hợp tác hai bên. Hội đã chủ động, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả trong các hoạt động, tích cực thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa hai nước, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế, đầu tư, thương mại. Tích cực phối hợp với các cơ quan đại diện Hàn Quốc tại Việt Nam cũng như các cơ quan đại diện Việt Nam tại Hàn Quốc nhằm thông tin thị trường và tăng cường quan hệ đối tác, kết nối cung cầu trên cơ sở phát huy tiềm năng hợp tác của doanh nghiệp hai nước…
Ông Seo Teakwon - Phó Chủ tịch điều hành Cơ quan Hợp tác cơ sở hạ tầng và Phát triển đô thị Hàn Quốc tại nước ngoài (KIND) cho biết, tổ chức này đã được Chính phủ Hàn Quốc cấp một số ngân sách để làm một số dự án ở ĐBSCL. Hiện KIND đang chọn lựa chọn 1 trong 5 thành phố ở khu vực này gồm: Cần Thơ, Đồng Tháp, Bến Tre, (Rạch Giá) Kiên Giang và Trà Vinh để triển khai đầu tư một dự án thành phố thông minh. |
Từ phía Hàn Quốc, Chủ tịch Hội hữu nghị Hàn – Việt Choi Young Ju cho biết vì đại dịch COVID-19 nên hai năm qua các hoạt động giao lưu bị đình trệ, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn. Tuy nhiên, trong đại dịch cũng xuất hiện nhiều cơ hội mới cho các doanh nghiệp. Với chức năng thúc đẩy giao lưu văn hóa, kinh tế, Hội đã linh hoạt trong việc triển khai các hoạt động giao lưu kết nối theo phương thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Với uy tín, tâm huyết và sự cống hiến không ngừng nghỉ, sự phát huy hiệu quả vai trò cầu nối của Hội đã giúp củng cố sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, tăng cường các hoạt động hợp tác giao lưu giữa nhân dân hai nước, mở ra nhiều cơ hội hợp tác cho doanh nghiệp Việt nói chung, các doanh nghiệp vùng ĐBSCL nói riêng.
Từ những trợ sức đắc lực này, trong bối cảnh nhiều khó khăn khi đối phó với dịch bệnh, nhiều tỉnh thành trong vùng ĐBSCL và cộng đồng doanh nghiệp cũng đã chuẩn bị tâm thế trong giai đoạn sản xuất, khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh thích ứng với đại dịch.
Theo ông Nguyễn Thanh Mỹ - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần RYNAN Technologies Vietnam, trong bối cảnh vừa chống dịch vừa đảm bảo an toàn sản xuất công ty cũng xây dựng mô hình “2 xanh, 1 sạch” (nhà xưởng xanh, chỗ ở xanh, nhân viên sạch). Đối với sản xuất, áp dụng rất nhiều biện pháp quản trị, kiểm soát rủi ro, chi phí, chuyển đổi số để vẫn duy trì được hoạt động sản xuất và có thêm cơ hội dù ở giai đoạn thị trường chung khó khăn vì dịch.
Để không bị đứt gãy chuỗi sản xuất, nhiều doanh nghiệp nhất là các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu thủy sản đã lựa chọn khôi phục sản xuất theo lộ trình. Theo đó, trong số các loại hình kinh doanh, doanh nghiệp chọn ra nhóm sản phẩm có nhu cầu cao nhất của thị trường thời điểm hiện tại để phát triển, lấp chỗ trống cho những phân khúc đang bị đứt gãy.
Sản phẩm chủ yếu của ĐBSCL là sản phẩm nông nghiệp, luôn duy trì tốc độ tăng trưởng cao (giai đoạn 2016 - 2018 đạt tăng trưởng trên 3%, cao hơn mức bình quân của cả nước), đóng góp khoảng 34,6% GDP toàn ngành nông nghiệp Việt Nam và khoảng 33,5% GDP chung của ĐBSCL. Trong đó, lúa gạo chiếm 80% sản lượng của cả nước, địa phương đạt sản lượng lúa gạo cao nhất Vùng là Kiên Giang (4 đến 4,3 triệu tấn/năm), tiếp theo là An Giang (gần 4 triệu tấn/năm), Đồng Tháp (3,3 triệu tấn/năm). Các tỉnh khác trong Vùng cũng có những đóng góp sản lượng lúa rất lớn cho khu vực và cả nước. Sản phẩm thủy sản của vùng gồm cá tra (chiếm 95% sản lượng cá tra của cả nước), tôm (chiếm 60% sản lượng tôm của cả nước). Tỉnh Kiên Giang dẫn đầu toàn Vùng với sản lượng thủy hải sản nuôi trồng đạt trung bình 800 nghìn tấn/năm, tiếp theo là các tỉnh Đồng Tháp, Cà Mau, An Giang, Bến Tre (sản lượng trung bình khoảng 500 nghìn tấn/năm). Trong đó, các tỉnh phát triển ngành tôm là Cà Mau, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu (sản xuất 100 nghìn đến gần 200 nghìn tấn/năm); các tỉnh đạt sản lượng cá tra lớn là An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang (sản lượng trung bình 300 nghìn đến 500 nghìn tấn/năm). ĐBSCL còn được mệnh danh là “vương quốc trái cây” của cả nước, với sản lượng và nhiều chủng loại phong phú, chiếm tới 65% cả nước. Trong đó, có nhiều sản phẩm chủ lực xuất khẩu như: thanh long, xoài, chôm chôm, vú sữa, bưởi, sầu riêng, nhãn, chuối, dứa, cam, mãng cầu, quýt… Tiền Giang được quy hoạch diện tích trồng tập trung cây ăn quả lớn nhất (hơn 50 nghìn ha), tiếp đến là Vĩnh Long (30 nghìn ha), Sóc Trăng (19 nghìn ha), Bến Tre (18 nghìn ha), Đồng Tháp (16 nghìn ha); Kiên Giang quy hoạch 7.000 ha với sản phẩm nổi tiếng là khóm và chuối. |
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ