EC sẽ gỡ "thẻ vàng" IUU nếu Việt Nam chuyển biến tích cực trên thực địa 6 tháng tới
Thông tin trên được đại diện Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU cho biết tại Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống các cơ quan thương vụ tại nước ngoài tháng 10/2023 do Bộ Công Thương (Cục Xúc tiến thương mại) tổ chức ngày 31/10.
Việt Nam nỗ lực gỡ "thẻ vàng" IUU trong năm 2023. (Ảnh minh họa: VnEconomy) |
Ông Trần Ngọc Quân, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU dẫn nhận xét của EC cho biết, trên thực địa vẫn có một số vấn đề phát sinh. EC đề nghị các cơ quan chức năng, hiệp hội thủy sản, các địa phương của Việt Nam có hướng dẫn, sức ép nhiều hơn với ngư dân, ngư trường để đảm bảo việc triển khai các biện pháp chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) là "tốt trên thực tế, chứ không phải chỉ tốt trên văn bản chỉ đạo".
Cũng theo ông Quân, EU cũng đã nghiên cứu chương trình phát triển thủy hải sản của Việt Nam và đưa ra nhiều khuyến nghị nhằm giám sát việc đánh bắt và nuôi trồng thuỷ hải sản.
"Phía EC đã thẩm định, lấy mẫu xác suất 20% lô hàng thủy sản của Việt Nam xuất vào EU để kiểm tra thì trong đó, 73% là không đạt yêu cầu", ông Trần Ngọc Quân cảnh báo. Với EU tỷ lệ này là cực kỳ nghiêm trọng bởi các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang EU đã được cấp mã số, thậm chí trước khi đưa thủy sản sang EU còn được kiểm tra, cấp giấy chứng nhận đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm của Bộ NN-PTNT Việt Nam.
Bên cạnh vấn đề khai thác tuân thủ các quy định về IUU, ông Trần Ngọc Quân đề nghị các cơ quan chức năng kiểm soát chặt, hướng dẫn cho doanh nghiệp làm tốt hơn vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm với thủy sản xuất khẩu vào EU.
Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU đang nỗ lực làm việc với các đơn vị của EC để giải thích các trường hợp của doanh nghiệp thủy sản Việt Nam. “Phía châu Âu cho biết là trong 6 tháng tiếp theo, nếu chúng ta có triển vọng tốt trên thực tế thì EC sẽ xem xét gỡ bỏ "thẻ vàng" trước khi Liên minh châu Âu chuyển vào bầu cử nghị viện”, ông Trần Ngọc Quân nói.
Thông tin về việc xuất khẩu thủy sản sang thị trường EU, ông Trần Ngọc Quân cho biết, EU đang quảng bá thuỷ sản của khối này để người dân lựa chọn tiêu thụ với tiêu chí chất lượng, bền vững và thân thiện môi trường. Điều này có thể ảnh hưởng đến thuỷ sản nhập khẩu, trong đó có thuỷ sản nhập khẩu từ Việt Nam. Ba tháng còn lại của năm 2023, dự báo thị trường EU tiếp tục tăng trưởng nhập khẩu thuỷ sản nhưng không đột biến và quay lại mức cùng kỳ năm 2022. Điều này có nghĩa nhiều khả năng xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam sang EU năm 2023 sẽ bằng hoặc giảm nhẹ so với năm 2022.
"Thẻ vàng" IUU được gỡ, ngư dân hưởng lợi gì?Châu Âu nằm trong top 5 thị trường xuất khẩu lớn nhất của thủy sản Việt Nam, sau Hoa Kỳ, Trung Quốc và trước Nhật Bản, Hàn Quốc. Ngày 23/10/2017, Việt Nam bị EC cảnh báo "thẻ vàng" IUU, gây tổn thất về xuất khẩu hải sản và tài chính; ảnh hưởng tới hoạt động khai thác của ngư dân và gây ra nhiều hệ lụy khác. Từ đó đến nay, Việt Nam nỗ lực gỡ "thẻ vàng" để lấy lại hình ảnh và vị thế của hải sản Việt Nam trên trường quốc tế. Theo các chuyên gia, một khi gỡ được "thẻ vàng" IUU, hoạt động xuất khẩu hải sản vào thị trường EU sẽ khởi sắc trở lại, từ đó tác động tích cực đến hoạt động khai thác và đánh bắt của các đội tàu, nhất là các đội tàu đánh bắt xa bờ vì sản phẩm từ hoạt động này chủ yếu là xuất khẩu, trong đó có thị trường EU. Cùng với đó, đời sống của hàng trăm ngàn lao động chính thức và phi chính thức tham gia các hoạt động khai thác, chế biến hải sản được cải thiện. Tại Hội nghị thúc đẩy các giải pháp chống khai thác IUU diễn ra vào đầu tháng 10/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết: chống khai thác IUU chính là vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích của người dân chúng ta, chứ không phải vì việc thanh tra, kiểm tra của EC "Đánh bắt thủy hải sản là sinh kế lâu đời của ngư dân. Do đó, việc chuyển đổi không phải là việc dễ trong ngày một, ngày hai mà chúng ta phải kiên trì thực hiện", Thủ tướng nói. |