Đưa Mo Mường ở 4 huyện của tỉnh Sơn La vào anh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Thầy Mo thực hành nghi lễ (Ảnh minh họa). |
Cụ thể, tại Quyết định số 1178 /QĐ-BVHTTDL do Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL ký ban hành, đã quyết định Tập quán xã hội và tín ngưỡng Mo Mường tại: huyện Mộc Châu, huyện Vân Hồ, huyện Bắc Yên, huyện Phù Yên của tỉnh Sơn La vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Mo Mường là một di sản văn hóa phi vật thể bao hàm nhiều giá trị văn hóa, lịch sử, tín ngưỡng, nghệ thuật, thể hiện thế giới quan, nhân sinh quan của dân tộc Mường. Những áng sử thi trong Mo Mường phản ánh vũ trụ quan, thế giới quan, nhân sinh quan và đời sống xã hội của người Mường cổ. Các sinh hoạt của Mo Mường liên quan đến cả vòng đời một con người.
Mo Mường không đơn thuần chỉ là một “cái tên” mà hàm chứa bên trong nó là những biểu trưng văn hóa, nghệ thuật truyền thống đặc sắc của một dân tộc. Toàn bộ những quan niệm về vũ trụ, thế giới thiên nhiên, con người, xã hội, tâm linh tín ngưỡng, cái đẹp… của người Mường đều có thể tìm thấy trong văn bản và cách thức thực hành lễ tiết Mo.
Mo Mường còn là loại hình nghi lễ gắn liền với các nghi thức tín ngưỡng do thầy mo thực hiện. Con người từ khi sinh ra, lớn lên đến lúc qua đời phải trải qua nhiều sự kiện lớn, trong các sự kiện đó luôn có sự hiện diện của mo. Trong các bài văn vần, thơ mo chứa nhiều câu chuyện cổ, truyền thuyết dân gian, thần thoại, sử thi. Các câu chuyện đó phản ánh lịch sử, giải thích sự vật, hiện tượng trong cuộc sống thời xa xưa.
Theo Cục Văn hóa Di sản, Mo Mường gồm 3 phần chính cấu thành, gồm: lời mo, diễn xướng, môi trường diễn xướng và con người thực hành diễn xướng mo, trong đó lời mo gắn liền với người diễn xướng chiếm vị trí quan trọng nhất. Hiện nay, Mo Mường được sử dụng chủ yếu trong các tang lễ hay nghi thức cầu sức khỏe, bình an của người Mường.
Như vậy, đến nay Bộ VH, TT&DL đã có quyết định đưa tập quán xã hội và tín ngưỡng Mo Mường vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với 3 địa phương ở nước ta. Trước đó, Mo Mường tại tỉnh Thanh Hóa (các huyện Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn, Bá Thước, Lang Chánh, Ngọc Lặc, Thường Xuân, Như Xuân, Như Thanh, Cẩm Thủy, Thạch Thành); Mo Mường tại thành phố Hà Nội (huyện Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai); Mo Mường tại tỉnh Phú Thọ (huyện Tân Sơn, Thanh Sơn, Yên Lập) đã được Bộ VH, TT&DL đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Theo thống kê của Cục Di sản văn hóa (Bộ VH,TT&DL), tập quán xã hội và tín ngưỡng Mo Mường hiện có tại các tỉnh, thành phố ở nước ta gồm Ninh Bình, Phú Thọ, Sơn La, Thanh Hóa, Đắk Lắk và Hà Nội. Hiện nay, Chính phủ đang giao các đơn vị liên quan lập Hồ sơ Mo Mường xây dựng, hoàn thiện để trình lên UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.