Độc đáo nghề chạm bạc dân tộc Nùng U
Theo quan niệm của người Nùng U, bạc và các trang sức làm từ bạc có vai trò rất quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần của họ. Họ cho rằng bạc là vật liệu thiêng có thể đuổi tà ma, gió độc và trị bệnh mỗi khi bị cảm cúm hoặc trái gió, trở trời. Mặt khác, việc sử dụng trang sức bằng bạc còn có nhiều ý nghĩa hết sức nhân văn. Theo nghệ nhân Chảo Xuân Chà, dân tộc Nùng, sinh sống tại thôn Na Hu, xã Tụ Nhân thì trong truyền thuyết của dân tộc Nùng U kể rằng, ngày xưa, người Nùng rất giàu mạnh, cuộc sống no đủ và hạnh phúc. Bỗng một hôm có một đạo quân từ phương Bắc đến xâm chiếm đất đai, cướp bóc của cải. Để bảo vệ đất đai, các thanh niên trai tráng tập hợp thành những đạo quân tạm lánh vào rừng để chống lại. Quân giặc tàn ác, nham hiểm, chúng tìm bắt phụ nữ lấy cối đá đeo vào lưng, lấy kim bằng bạc cắm vào đầu, lại lấy những sợi dây xích bằng sắt buộc vào cổ, còng vào tay, bắt họ phải làm những công việc nặng nhọc để hành hạ nhằm làm cho các trai tráng nản lòng về quy hàng.
Trang sức bạc điểm nhấn trên trang phục phụ nữ Nùng. |
Nhiều ngày trôi qua, sức nặng của chiếc cối đá và vòng xích sắt đã khiến tấm lưng của người phụ nữ còng xuống nhưng họ vẫn một lòng nhớ đến chồng con và chờ ngày họ đến cứu. Câu chuyện về tấm lòng thủy chung của phụ nữ người Nùng đã thấu đến Hạn Hung (tức Vua trời). Cảm phục sự thủy chung đó, Hạn Hung đã sai quân nhà trời xuống giúp người dân đánh đuổi quân giặc. Sau đó ban cho vải vóc để may thành những chiếc váy có chiếc cạp to phía sau tượng trưng cho chiếc cối đá, ban cho bạc để chế tác thành những chiếc vòng cổ (Hô căng), những chiếc dây xà tích (Shằn shồi), những cái vòng tay (ẳn khỏn) và chiếc nhẫn (Poọc mung) để chị em phụ nữ người Nùng làm đồ trang sức nhằm giúp con cháu đời sau không quên những ngày gian nan vất vả và ý chí, nghị lực cũng như sự hy sinh của phụ nữ dân tộc Nùng. Từ đó, những đồ trang sức luôn được phụ nữ người Nùng đeo trên người đến tận ngày nay.
Trước đây, nghề chạm khắc bạc được duy trì ở hầu hết các thôn, bản vùng đồng bào dân tộc Nùng, từ nguyên liệu chính là bạc hoặc sanh căng và những dụng cụ hết sức thô sơ như kéo, kìm, búa, đế gỗ, nồi đun, cân tiểu ly... Với bàn tay tài hoa họ chế tác ra những sản phẩm hết sức tinh tế như vòng cổ, dây xà tích, vòng tay, nhẫn, cúc áo và những sản phẩm trang sức khác. Bên cạnh việc sử dụng cho mục đích trang sức cho phụ nữ dân tộc Nùng, nghề chạm khắc bạc cũng đem lại thu nhập không nhỏ cho các hộ làm nghề này. Năm 2019, nghề chạm bạc của người Nùng tại xã Pờ Ly Ngài và Nàng Ðôn được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo quyết định 2972/QĐ-BVHTTDL của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch.
Những năm gần đây, do nhiều lý do cả về khách quan và chủ quan, nhất là việc thiếu nguyên liệu nên nghề chạm khắc bạc của dân tộc Nùng có chiều hướng mai một, hoạt động này chủ yếu duy trì ở xã là Pờ Ly Ngài và Nàng Đôn. Từ năm 2016, Phòng Văn hóa & Thông tin huyện Hoàng Su Phì đã phối hợp với 2 xã trên tổ chức cho các công ty lữ hành du lịch đưa khách đến tham quan trải nghiệm làng nghề, đưa các nghệ nhân đi tham gia trình diễn, chế tác bạc tại các kỳ cuộc trong và ngoài tỉnh để giới thiệu những giá trị văn hóa độc đáo của làng nghề chạm khắc bạc. Từ đó từng bước bảo tồn, phát huy những giá trị to lớn của nghề chạm khắc bạc của dân tộc Nùng trong huyện.
Để phục vụ phát triển du lịch, huyện Hoàng Su Phì xác định đẩy mạnh các làng nghề truyền thống, trong đó có nghề chạm bạc nhằm giải quyết việc làm cho người dân, đồng thời cung cấp các sản phẩm mua sắm và tham quan trải nghiệm cho khách du lịch cũng như bảo tồn, giới thiệu các giá trị văn hóa của các dân tộc trên địa bàn. Từ năm 2022, huyện triển khai các chương trình, dự án bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số theo chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Mở các lớp tập huấn, hướng dẫn, truyền dạy cho con em người địa phương, đặc biệt là lớp trẻ, hỗ trợ mở các gian trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm, đồng thời tiếp tục đưa các sản phẩm chạm khắc bạc đi giới thiệu tại các kỳ triển lãm, hội chợ trong và ngoài tỉnh để nâng cao giá trị và tìm nguồn tiêu thụ cho các nghệ nhân.
Độc đáo Lễ cúng bản của cộng đồng dân tộc Lào ở Điện Biên Lễ cúng bản (Căm bản) diễn ra vào dịp đầu năm theo lịch của cộng đồng dân tộc Lào có ý nghĩa tưởng nhớ tổ tiên, cầu mong những điều may mắn, tốt đẹp cho bản làng. |
Độc đáo Nhà hát “ba nón lá” ở Bạc Liêu Du khách trong và ngoài nước mỗi khi đến Bạc Liêu, ghé thăm quảng trường Hùng Vương và Nhà hát Cao Văn Lầu có hình ba nón lá đan xen nhau, ai cũng ngợi khen. Năm 2014, Nhà hát “ba nón lá” đã được tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) xác lập kỷ lục “Nhà hát Cao Văn Lầu có hình dạng ba chiếc nón lá lớn nhất Việt Nam”... |