Doanh nghiệp Hàn Quốc đánh giá cao tiềm năng của thị trường thực phẩm bảo vệ sức khoẻ Việt Nam
Với tiềm năng tăng trưởng lớn, nhiều các nhà sản xuất, đơn vị xuất khẩu các sản phẩm chăm sóc sức khỏe từ Hàn Quốc cũng như các đơn vị nhập khẩu và nhà phân phối tìm cách để khai thác thị trường Việt Nam.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Park Mincheol - Giám đốc Tổng công ty Phân phối Nông thủy sản và thực phẩm Hàn Quốc (aT) khu vực ASEAN cho biết, năm 2022, Việt Nam là thị trường lớn thứ tư của Hàn Quốc về xuất khẩu nông sản và thực phẩm, tăng 17% so với năm 2021. Đặc biệt lượng nhập khẩu các sản phẩm từ nhân sâm tăng tới 50%. Điều này chứng minh người tiêu dùng Việt Nam có nhu cầu lớn đối với thực phẩm Hàn Quốc.
Với vai trò là cơ quan xúc tiến thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm nông sản, thực phẩm Hàn Quốc sang các nước, ông có thể giới thiệu về một số hoạt động của aT tại Việt Nam những năm qua không, thưa ông?
- aT là cơ quan nhà nước trực thuộc Bộ Nông nghiệp, Lương thực và Nông thôn Hàn Quốc.
Các văn phòng của aT ở nước ngoài có vai trò chủ yếu là xúc tiến thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm nông sản, thực phẩm sang nước sở tại bằng các hoạt động như nghiên cứu thị trường, tổ chức và hỗ trợ doanh nghiệp tham gia triển lãm về thực phẩm, kết nối nhà nhập khẩu và xuất khẩu thông qua chương trình hội chợ, hội thảo và hỗ trợ khách hàng nhập khẩu kinh phí để quảng bá thực phẩm, nông sản Hàn Quốc…
aT đã có mặt tại Việt Nam từ 30 năm trước, tức là ngay sau khi hai nước Việt Nam và Hàn Quốc bắt đầu thiết lập quan hệ ngoại giao. Trong 30 năm đó, kim ngạch thương mại Việt Nam-Hàn Quốc nói chung và xuất nhập khẩu các sản phẩm chăm sóc sức khỏe nói riêng không ngừng tăng lên. aT Việt Nam có vai trò thúc đẩy, giới thiệu các sản phẩm nông, thủy sản và thực phẩm chất lượng cao của Hàn Quốc đến với người dân Việt Nam.
Hàng năm, chúng tôi tổ chức rất nhiều hoạt động xúc tiến thương mại và quảng bá như tổ chức các sự kiện lớn, hội nghị B2B, triển lãm và rất nhiều hoạt động trải nghiệm sản phẩm Hàn Quốc tại những trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị nhiều tỉnh, thành khác nhau, nhằm nâng cao mức độ phổ biến của các sản phẩm Hàn Quốc tại thị trường Việt Nam. Thông qua những sự kiện quảng bá về sản phẩm như vậy, chúng tôi muốn giới thiệu đến người tiêu dùng Việt Nam những sản phẩm tốt và chính thống.
Hiện cộng đồng người Hàn Quốc sống và làm việc tại Việt Nam rất đông, đặc biệt là ở các thành phố lớn. Thời gian qua, aT Việt Nam cũng thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động giới thiệu, tìm văn hoá, ẩm thực, nghệ thuật Hàn Quốc… tạo ra những cơ hội hiểu biết, giao lưu và gần nhau hơn giữa người dân, người tiêu dùng Việt Nam và Hàn Quốc.
Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng của thị trường Việt Nam, đặc biệt đối với các sản phẩm chăm sóc sức khỏe có nguồn gốc Hàn Quốc?
- Trong 10 năm gần đây thị trường Việt Nam tăng trưởng rất là nhanh. Tôi nghĩ điều này cũng phản ánh mối quan hệ giữa Việt Nam và Hàn Quốc đang ngày càng tốt đẹp hơn, cùng đó mức tăng trưởng trong hoạt động kinh tế cũng ngày càng tốt.
Năm 2022, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 4 về lượng Hàn Quốc xuất khẩu nông sản và thực phẩm, tăng 17% lượng nhập khẩu thực phẩm Hàn Quốc so với năm trước đó.
So với 2021, năm 2022 Việt Nam nhập khẩu thực phẩm Hàn Quốc tăng 17%, riêng với các sản phẩm từ nhân sâm tăng tới 50%, chứng minh người tiêu dùng của thị trường Việt Nam có nhu cầu lớn đối với thực phẩm Hàn Quốc.
Sau đại dịch COVID-19, mọi người ngày càng quan tâm hơn đến các sản phẩm chăm sóc sức khỏe. Người dân Việt Nam cũng vậy, trong đó các sản phẩm chăm sóc sức khỏe của Hàn Quốc được chú trọng, đặc biệt là nhân sâm.
Ngoài nhân sâm ra, chúng tôi có rất nhiều sản phẩm khác như đông trùng hạ thảo, nấm linh chi… Đây đều là những sản phẩm tốt đang nhận được sự yêu mến của người tiêu dùng Việt Nam.
Tôi tin rằng thị trường Việt Nam sẽ ngày càng mở rộng, không chỉ xếp ở vị trí thứ tư trong số các thị trường xuất khẩu nông sản và thực phẩm của Hàn Quốc mà sẽ nâng thứ bậc lên.
Với các nhà xuất khẩu tại Hàn Quốc, Việt Nam là một thị trường đầy tiềm năng, bởi lý do đó nhiều công ty xuất khẩu của Hàn Quốc đã sang Việt Nam tìm kiếm cơ hội để kết nối với doanh nghiệp trong nước.
Các sản phẩm chăm sóc sức khỏe của Hàn Quốc xuất sang Việt Nam có phải qua những bước kiểm duyệt khắt khe nào không, thưa ông?
- Việt Nam và Hàn Quốc đã ký kết hợp tác thông qua các Hiệp định thương mại tự do (FTA), đồng thời các rào cản về thuế quan và các thủ tục thông quan đã được tháo gỡ nhiều so với trước đây, mối quan hệ ngoại giao cũng đã được nâng cấp lên. Cho nên, các khó khăn trong việc nhập khẩu các sản phẩm chăm sóc sức khỏe từ Hàn Quốc vào Việt Nam gần như đã được giải quyết.
Ngay tại Hàn Quốc cũng có những quy định rất nghiêm khắc đối với những công ty sản xuất thực phẩm chăm sóc sức khoẻ. Vì đây là thực phẩm, tức là mọi người sẽ ăn vào người cho nên các vấn đề về an toàn luôn phải được đặt lên hàng đầu.
Các doanh nghiệp xuất khẩu của Hàn Quốc rất rõ tôn chỉ đó, vì vậy nên họ tuân thủ rất nghiêm ngặt các quy định về an toàn. Cũng nhờ đó, khi nhập khẩu các sản phẩm vào Việt Nam thường không có vấn đề gì xảy ra, đều đáp ứng được quy định của nước sở tại.
Chiều ngược lại, làm thế nào để các sản phẩm của Việt Nam cũng “rộng cửa” hơn khi tiến vào thị trường Hàn Quốc?
- Việt Nam có rất nhiều nông sản tươi ngon, có chất lượng tốt. Hiện tại, Việt Nam cũng có một số loại trái cây nhiệt đới đang xuất khẩu sang Hàn Quốc và người tiêu dùng Hàn Quốc rất thích.
Tuy nhiên, theo tôi những sản phẩm đó nếu muốn thâm nhập sâu vào thị trường Hàn Quốc phải biến thành các sản phẩm đã qua chế biến vì hàng nông sản tươi việc bảo quản rất khó, việc di chuyển cũng tốn nhiều chi phí khác.
Nói cách khác, cần chế biến nông sản tươi thành các sản phẩm cao cấp khác phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng. Như vậy, các nông sản của Việt Nam có thể đi xa hơn, không chỉ xuất khẩu sang Hàn Quốc mà còn các thị trường khác nữa.
Nói đến nhân sâm hay nấm linh chi, người tiêu dùng thường cho rằng đây là các sản phẩm đắt tiền. Ông có quan điểm gì về nhận định này, làm sao để người tiêu dùng Việt Nam có thể tiếp cận được với một mức giá phù hợp hơn?
- Các sản phẩm chăm sóc sức khỏe thường phải sử dụng những nguồn nguyên liệu quý và đắt nhất, bởi vậy giá thành của sản phẩm cũng khó để đạt mức thấp.
Chúng tôi, đương nhiên muốn có những sản phẩm có giá thành phù hợp nhưng sản phẩm có giá thành thấp thì lại không thể đảm bảo chất lượng, trong khi công dụng của nó là bảo vệ sức khoẻ. Mà bảo vệ sức khoẻ lại cần sản phẩm chất lượng cao, an toàn.
Đó là lý do chúng tôi không muốn đưa tới người tiêu dùng những sản phẩm không đủ chất lượng với giá thành có thể thấp.
Với những sản phẩm bảo vệ sức khoẻ, quan trọng là người tiêu dùng cần được tiếp cận hàng thật và tốt nhất.
Nói riêng về sản phẩm sâm thì không chỉ có ở Hàn Quốc. Nhưng sâm của Hàn Quốc lại khá phổ biến ở nhiều thị trường trên thế giới trong đó có Việt Nam. Vậy theo ông điểm khác biệt là gì?
- Ở Hàn Quốc, sản phẩm củ sâm tươi không phải cứ thế là đem vào sử dụng mà sẽ được chế biến, gia công thành nhiều sản phẩm, phù hợp với nhiều lứa tuổi khác nhau, từ trẻ em, thanh niên, đến người cao tuổi… Tức là biến sản phẩm sâm thành nhiều sản phẩm cao cấp và phù hợp với nhiều độ tuổi. Đây chính là điểm mạnh của chúng tôi khi phát triển các sản phẩm hồng sâm.
Đồng thời, sâm Hàn Quốc cũng trải qua một quá trình nghiên cứu rất lâu, trong quá trình đó chúng tôi đã phân tích xem trong sâm có những thành phần gì và chứng minh được hiệu quả của các thành phần thông qua các bài kiểm tra rất nghiêm ngặt. Từ đó, chúng tôi mới quản lý chất lượng của các sản phẩm hồng sâm liên quan.
Riêng về các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, Bộ An toàn Thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc (MFDS) đã chứng nhận cho 316 loại lưu hành, trong đó có 33 loại phục vụ cho sức khỏe làn da, 33 loại giảm mỡ trong cơ, 27 loại cho sức khỏe xương khớp, 24 loại giảm đường máu… Mức tăng trưởng của thị trường này trung bình hàng năm ước tính khoảng 15,9%.
Chất lượng sản phẩm của Hàn Quốc đã được chứng nhận và thừa nhận của người tiêu dùng trong nước và quốc tế, trong đó có Việt Nam.
Xin cảm ơn ông!