Đầu Xuân đi học chữ Nôm Dao
Thầy Bàn Văn Minh, thôn Minh Lợi, xã Trung Minh, huyện Yên Sơn (ngoài cùng bên phải) dạy chữ Nôm Dao cho các học trò. |
Mang đến điều may mắn, bình an
Vào mỗi dịp đầu năm, trong căn nhà ông La Thừa Vinh, thôn Lũng Pi Át, xã Thổ Bình, huyện Lâm Bình có học trò đến tìm học chữ. Ông Vinh bảo, người Dao, học chữ vào đầu năm mới sẽ mang đến nhiều điều tốt lành, may mắn. Chữ nghĩa sẽ thông suốt, học hành dễ tiếp thu hơn. Người học chủ yếu là con trai. Vì theo quan niệm của người Dao, đàn ông con trai mới học chữ để còn làm thầy, con gái chỉ học thêu thùa, may vá. Tuy nhiên ngày nay, các thầy đều sẵn sàng truyền dạy chữ cho con gái, với mong muốn ngày càng có nhiều người biết và yêu quý chữ viết dân tộc mình.
Em Triệu Thị Bình chia sẻ: “Trong gia đình em hiện có nhiều cuốn sách cổ. Em muốn được hiểu nội dung các cuốn sách này, nên mùa Xuân này, em đến nhờ thầy Vinh dạy chữ. Việc học chữ là lâu dài, là khởi đầu cho chặng đường dài tìm về văn hóa cha ông đi trước”.
Nghệ nhân dân gian Chu Tuần Ngân, thôn Bản Pình, xã Trung Minh, huyện Yên Sơn là người suốt bao năm qua tâm huyết với việc truyền dạy chữ Nôm Dao. Ông say sưa kể về truyền thuyết chữ viết người Dao. Trên 12 chiếc thuyền vượt biển thiên di, trong lúc người Dao chưa xác định được phương hướng trong giông bão, bỗng có một người xưng là Bàn Cổ (một nhân vật là Tổ tiên khai sinh ra trời đất). Người đó viết chữ lên những mảnh giấy người Dao mang theo, đồng thời dạy cho họ cách đọc. Đó là những dòng chữ viết về cách cúng thần linh để cho mưa thuận gió hòa, dạy các bước làm lễ cấp sắc. Lập tức những người trên thuyền làm theo, đang bão giông trời bỗng trở nên yên bình, người Dao vào được đến bờ. Họ thay nhau gìn giữ những dòng chữ quý giá đó, truyền cho nhau cách đọc từ đời này sang đời khác...
Ông La Thừa Vinh, thôn Lũng Pi Át, xã Thổ Bình (huyện Lâm Bình) dạy chữ cho học trò |
Người Dao coi chữ viết của dân tộc là chữ của thần linh ban cho họ. Điều đó giải thích vì sao trong các gia đình người Dao luôn có ý thức giữ gìn quyển sách mà tổ tiên truyền lại như một vật báu. Theo tục lệ từ xa xưa, để duy trì được chữ viết, hàng năm cứ vào dịp Tết Nguyên đán, cùng với việc chuẩn bị lương thực, thực phẩm, các gia đình, dòng họ thường tổ chức truyền dạy chữ Nôm Dao cho con cháu. Đây cũng là dịp để tuyên dương việc học chữ, dạy con trẻ về lễ nghĩa, học nghề và học làm người. Họ tin rằng, học chữ vào đầu năm mới sẽ mang đến nhiều điều tốt lành. Tổ tiên ông bà phù hộ may mắn bình an cho cả người dạy và người học trong năm mới.
Truyền chữ truyền đức nhân
Sau một năm dài làm việc, vào dịp Tết đến Xuân sang cũng là lúc anh Bàn Minh Lâm và Bàn Kim Duy thôn Minh Lợi, xã Trung Minh, huyện Yên Sơn nghỉ ngơi và có thời gian để học và ôn lại chữ tổ tiên. Người dạy là ông Bàn Văn Minh, năm nay 90 tuổi, là một thầy Tào của bản. Ông sở hữu kho sách cổ hàng trăm tuổi. Ông chia sẻ, nhờ biết chữ, đọc được nhiều sách nên ông được nhiều người yêu quý. Do đó, ông coi những cuốn sách cổ của tổ tiên để lại như vật quý trong nhà, cất giữ chúng cẩn thận, không phải ai cũng được nhìn thấy bộ sách này. Khi được người sưu tầm hỏi mua, ông nhất định không bán.
Chữ Nôm Dao luôn được người Dao trân trọng bảo tồn, gìn giữ. |
Người Dao rất trọng những người biết chữ nghĩa. Bởi với họ đó là những tri thức lớn của bản làng. Sau nhiều năm miệt mài học chữ, anh Bàn Kim Duy chia sẻ, việc học chữ Dao - Nôm tương đối khó, bởi đây là loại chữ tượng hình. Tuy nhiên, khi người học đã nắm vững bộ thủ và quy tắc ghép chữ, tập trung, kiên trì thì sẽ học và sử dụng thành thạo. Học chữ người Dao là học cả đời, rèn luyện nhân cách con người thông qua sự kiên trì, ham học hỏi, trân quý văn hóa dân tộc mình.
Theo thầy Lý Văn Bình, thôn 7, xã Tân Tiến, huyện Yên Sơn thì ban đầu các học trò được truyền dạy các bài như “Sơ khai thiên tý” (Sơ khai trời đất): “Sú khai thiên tý/Chí lỉ khiền khuôn/Sú sỉ lài váng/Sỉ tủ su vần/Tủ su chi lý/Cháo huấn chú suân/Séo niền pú dỏ/Diếu hủ kỳ sin/Tủ su lán tó/chio khí chiều dìn”… Dịch nghĩa: “Từ khi khai thiên lập địa/Lập ra kinh sách/Bốn phương truyền lại/Học chữ biết lý/Dạy cho con cháu/Trẻ mà không học/Không gì phòng thân/Học mà lười biếng/ Có việc nhờ người”… Với mỗi câu chỉ bốn chữ thành vần thơ rất dễ thuộc, lúc đầu đọc theo, mặc dù chưa biết chữ nhưng những câu thơ đã học thuộc lòng, dần dần hiểu nghĩa rồi đến viết thành chữ. Và cứ thế đọc nhiều thấm nhiều, viết mãi cũng thành chữ, đó là lòng ham mê học chữ Nôm Dao của học trò sáng dần từ đó.
Trước đây, anh Triệu Văn Ba, thôn 6, xã Tân Long, huyện Yên Sơn không hề biết chữ Nôm Dao. Sau khi được thầy truyền dạy, anh đã cơ bản biết đọc, biết viết. Với anh, việc học chữ Nôm Dao cũng là để học cách làm người, để giữ gìn truyền thống cha ông. Anh Ba cho biết: “Tôi tham gia lớp học này để biết chữ, biết phong tục, tập quán của dân tộc mình. Con cháu phải biết lễ nghĩa, biết kính trên, nhường dưới. Mình chăm chỉ học để sau này dạy con cháu, để chữ dân tộc mình không bị mai một đi”.
Anh Bàn Văn Nam, thôn Bản Tháng, xã Trung Hà (huyện Chiêm Hóa) dạy chữ Nôm Dao vào đầu Xuân năm mới |
Với thầy Lý Văn Bình thì con em người Dao cứ đến nhà muốn học chữ là thầy truyền dạy. Ông cũng không nhớ đã có bao lớp học trò người đến đây theo học viết. Ông khẳng định rằng, với người Dao truyền chữ cũng là truyền đức nhân. Các học trò không chỉ được học chữ viết mà còn được truyền dạy cả văn hóa, phong tục truyền thống, lối ứng xử hòa hợp giữa người với người, giữa người với thiên nhiên.
Vào dịp Tết đến Xuân sang, người Dao gọi là “xí nhất chầu dặt sển”. Vào thời điểm thiêng liêng này, trong một số gia đình người Dao lại diễn ra các lễ trao truyền, giáo dục ý thức tu luyện đạo đức, lối sống, cụ thể là việc dạy các con cháu học chữ Nôm Dao. Theo anh Bàn Văn Nam, thôn Phiêng Ly, xã Trung Hà (huyện Chiêm Hóa) thì hiện nay tục lệ này không còn duy trì phổ biến tuy nhiên ở một số gia đình vẫn trân trọng mỹ tục này. Đầu Xuân, nhiều bố mẹ vẫn cẩn thận chọn ngày tốt để con học chữ với mong muốn con sẽ học hành tấn tới, thành công để trở thành người mà cả cộng đồng tôn trọng, quý mến và tự hào.
Ông đồ Pháp - Jean Sesbastien lần đầu tham gia hội chữ xuân Văn Miếu 2023 Ông đồ đến từ nước Pháp - Jean Sesbastien mặc áo the, đội khăn xếp cho chữ tại Hội chữ Xuân 2023 khiến nhiều du khách đến tham quan và xin chữ tỏ ra bất ngờ. |
Tục xin chữ đầu năm - tôn vinh truyền thống hiếu học của người Việt Nam Từ xa xưa, tục xin chữ, cho chữ không chỉ thể hiện truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo của các thế hệ học trò mà còn là một nét đẹp văn hoá của người Việt Nam vào những ngày Tết đến, xuân về với mong ước một năm mới tốt đẹp, bình an. Mỗi câu chữ vừa là ước nguyện, vừa là lời nhắc nhở để mọi người hướng tới những giá trị tốt đẹp hơn trong cuộc sống. |