Đắk Lắk - Mondulkiri: Đối ngoại nhân dân gìn giữ tình hữu nghị
Bình yên nơi biên giới
Xã biên giới Ia R’vê, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk có hơn 2.000 hộ dân với 6.901 nhân khẩu thuộc 25 dân tộc sinh sống. Năm 2014, xã Ia RVê huyện Ea Súp đã kết nghĩa với xã Noong Khơ Lâk, huyện Ko Nhet, tỉnh Mondulkiri, Campuchia. Từ đó, nhân dân hai xã thường xuyên giữ gìn, vun đắp tình đoàn kết hữu nghị giữa đôi bên, phối hợp bảo vệ môi trường, tài nguyên trên khu vực biên giới; chấp hành và thực hiện tốt các văn kiện pháp lý về biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia, phối hợp bảo vệ nguyên trạng đường biên, mốc giới…
Hai xã hỗ trợ, trao đổi kinh nghiệm trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, phòng chống tội phạm với Câu lạc bộ “Phòng chống tội phạm”, “Phòng chống mua bán người”, “Phụ nữ với pháp luật”, “Phụ nữ không vi phạm quy chế biên giới”… Ngoài ra còn có các mô hình tổ, nhóm tín dụng tiết kiệm, hũ gạo tình thương, thực hành tiết kiệm, giúp nhau giảm nghèo bền vững…
Xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk kết nghĩa với xã Sơ Rê Hui, huyện Koh Nheak, tỉnh Mondulkiri, Vương quốc Campuchia vào năm 2014. Ảnh: Nguyễn Ngọc Lân |
Không chỉ xã Ia RVê kết nghĩa với xã Noong Khơ Lâk, tỉnh Đắk Lắk còn tổ chức kết nghĩa cho xã Krông Na huyện Buôn Đôn, với xã Sơ rê Hui, huyện Koh Nheak. Hai bên đã ký kết Bản ghi nhớ và hàng nằm đều có tổ chức tổng kết. Ngày lễ hai nước, hai xã đều tổ chức thăm hỏi, tặng quà, hỗ trợ cho nhau…
Đại tá Phạm Quang Hùng, Phó chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam – Campuchia tỉnh Đắk Lắk cho biết, trong những năm qua, các cấp Hội từ tỉnh đến cấp xã/phường đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến nhân dân, cán bộ hội viên về hiệp ước, hiệp định, quy chế biên giới đất liền; kết quả công tác phân giới cắm mốc Việt Nam - Campuchia; về tình đoàn kết, hữu nghị truyền thống, nghĩa cử nhân văn cao đẹp của Việt Nam giúp Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng cùng nhiều nội dung liên quan đến các sự kiện quan trọng, các ngày lễ lớn của hai nước. Đã có 341 buổi tuyên truyền với hơn 21.205 lượt người tham gia, học tập.
Hai bên cũng tổ chức chiếu phim tài liệu ở các thôn, buôn thu hút trên 1.500 lượt người tham gia... Qua đó, góp phần giúp hội viên và nhân dân hai bên khu vực biên giới kịp thời nắm thông tin, nhận thức sâu sắc về truyền thống đoàn kết hữu nghị và hợp tác giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Campuchia nói chung và hai tỉnh Đắk Lắk - Mondulkiri nói riêng
Trong hai năm 2022-2023, Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức 6 đoàn thăm hỏi, động viên, chúc tết tặng 26 xuất quà với giá trị hơn 26.000.000 đồng cho các lực lượng bảo vệ biên giới của tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Mondulkiri đang làm nhiệm vụ trên tuyến biên giới, tạo sự đoàn kết, gắn bó, hợp tác giúp đỡ lẫn nhau trong công tác phối hợp, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ biên giới lãnh thổ giữa hai tỉnh. Hội cũng thăm và tặng 6 suất quà trị giá 1.800.000 đồng cho 03 hộ dân người Campuchia đang sinh sống tại huyện Buôn Đôn nhân dịp Tết cổ truyền của Vương quốc Campuchia.
Ngoài ra, Hội đã phối hợp với Sở Ngoại vụ tỉnh tham mưu UBND tỉnh hỗ trợ cho Hội Khmer-Việt tỉnh Mondulkiri 100 triệu đồng để thuê trụ sở và giáo viên dạy học tiếng Khmer. Đồng thời, phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức Hội nghị Tổng kết 5 năm thực hiện “Bản Thoả thuận, hợp tác vì hoà bình và phát triển” bàn giao nhà làm việc cho Hội Phụ nữ tỉnh Mondulkiri, tặng 2 máy in trị giá 10 triệu đồng, hỗ trợ nguồn vốn phát triển kinh tế cho 5 phụ nữ xã Sê Rê Huy-huyện Ko Nhét với số tiền 150 triệu đồng. Với Tỉnh đoàn, Hội đã phối hợp tổ chức khám, cấp thuốc miễn phí cho 500 người dân tại Trung tâm y tế xã Pu Chi Ry, huyện Pách chan đa với số thuốc trị giá 75 triệu đồng, trao tặng 2 tấn gạo và 10 nghìn khẩu trang y tế cho thanh niên tỉnh Mondulkiri.
Mới đây nhất, vào tháng 3/2023, tại Thành phố Sen Mo No Rum, tỉnh Mondulkiri, hai Hội hữu nghị của tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Mondulkiri đã phối hợp tổ chức thành công Hội nghị Tổng kết 5 năm thực hiện Bản Ghi nhớ về hợp tác, phát triển quan hệ hữu nghị nhân dân, giai đoạn 2017-2022. Đồng thời, tặng 20 suất quà trị giá gần 32 triệu đồng cho Hội Hữu nghị Campuchia-Việt Nam cùng các thành viên của Hội; thăm, chúc tết và tặng quà trị giá 3 triệu đồng cho Hội Khmer - Việt tỉnh Mondulkiri.
Hội Hữu nghị Việt Nam-Campuchia tỉnh Đắk Lắk và Hội Hữu nghị Campuchia-Việt Nam tỉnh Mondulkiri kí kết Bản ghi nhớ thực hiện giai đoạn 2023-2028. Ảnh: Kim Bảo |
Đối ngoại nhân dân giữ vai trò quan trọng
Đại tá Phạm Quang Hùng, Phó chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam – Campuchia tỉnh Đắk Lắk cho rằng: để có được những kết quả trên, Hội đã rút ra được một số kinh nghiệm trong việc tổ chức các hoạt động hữu nghị nhân dân. Cụ thể:
Tổ chức tốt các hoạt động đối ngoại nhân dân với tinh thần đoàn kết, hoà binh, hữu nghị, tin cậy và hiểu biết lẫn nhau trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của hai bên, góp phần tích cực vào việc củng cố, xây dựng, vun đắp mối quan hệ hữu nghị và hòa bình, ổn định giữa nhân dân hai nước Việt Nam-Campuchia.
Luôn có sự lãnh đạo chặt chẽ từ Trung ương Hội, sự chỉ đạo, quan tâm của Tỉnh ủy, Uỷ ban nhân dân tỉnh và sự phối kết hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, đoàn thể ở địa phương đối với công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới.
Thường xuyên trao đổi thông tin, tình hình hoạt động giữa Hội tỉnh Đắk Lắk và Hội tỉnh Mondulkiri, trên cơ sở đó tăng cường các hoạt động đoàn kết, hữu nghị, hợp tác nhân dân giữa hai tỉnh.
Hội Hữu nghị Việt Nam-Campuchia tỉnh Đắk Lắk và Hội Hữu nghị Campuchia-Việt Nam tỉnh Mondulkiri đã thực hiện đúng các nội dung trong Bản Ghi nhớ về hợp tác, phát triển quan hệ hữu nghị nhân dân ký ngày 24/7/2017 trên tinh thần hữu nghị, hợp tác, thân thiện và tạo niềm tin cũng như kỳ vọng của hai bên góp phần thực hiện tốt phương châm “Láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài” giữa Việt Nam và Campuchia.