Góp sức xây dựng đường biên giới Việt Nam - Campuchia hòa bình, hữu nghị và phát triển
Ông Lê Xuân Hải, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Đồng Tháp:
Hợp tác đào tạo, chăm lo lưu học sinh Campuchia
Lưu học sinh Campuchia nhận bằng tốt nghiệp Y sỹ tại Trường Cao đẳng Y tế Đồng Tháp. (Ảnh: Nguyệt Ánh) |
Trong những năm qua, tỉnh Đồng Tháp đã trở thành một trong những địa phương được nhiều lưu học sinh Campuchia chọn làm điểm đến trong hành trình học tập. Đã có hơn 1.700 lưu học sinh Campuchia được đào tạo tại tỉnh. Khi sang học, các em được các cấp Hội, nhà trường quan tâm, hỗ trợ ký túc xá, sinh hoạt phí, tổ chức thăm hỏi, tặng quà, đưa các em đi tham quan nhân các dịp Lễ, Tết của hai nước. Các nhà trường còn tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn ngắn hạn cho lưu học sinh Campuchia tại trưởng.
Nhiều hoạt động khác cũng được các nhà trường chú trọng triển khai. Đơn cử như tại Trường Cao đẳng Y tế Đồng Tháp, mỗi năm nhà trường tổ chức giao lưu với Sở Y tế tỉnh Prey Veng (Campuchia), tư vấn tuyển sinh, chia sẻ những vấn đề liên quan đến lưu học sinh Campuchia đang học tại trường. Sở Y tế tỉnh Prey Veng cũng đến thăm trường, thăm ký túc xá, nơi lưu học sinh Campuchia ở để động viên các em học tập. Hoạt động đào tạo lưu học sinh Campuchia tạo sự đoàn kết, gắn bó giữa nhà trường và tỉnh bạn Prey Veng.
Trong đợt dịch Covid-19, Trường Cao đẳng Y tế Đồng Tháp đã phối hợp với Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Đồng Tháp và các sở, ngành tổ chức các đợt hỗ trợ nhu yếu phẩm thiết yếu cho các lưu học sinh Campuchia đang học tập tại Đồng Tháp trong mùa dịch.
Hàng năm tỉnh Đồng Tháp dành 15 suất học bổng toàn phần cho lưu học sinh Campuchia. Sau khi ra trường trở về nước, hầu hết các em đều có việc làm ổn định, góp phần chăm sóc sức khỏe nhân dân, duy trì, phát triển tình đoàn kết, hữu nghị, hợp tác giữa nhân nhân hai nước.
Đại tá Phạm Quang hùng, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Phó Chủ tịch thường trực Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia tỉnh Đắk Lắk:
Trao đổi thông tin, đẩy mạnh giao lưu
Nằm ở trung tâm vùng Tây Nguyên, tỉnh Đắk Lắk có đường biên giới dài 71,972 km, tiếp giáp với tỉnh Mondulkiri (Vương quốc Campuchia). Dọc tuyến biên giới có hai huyện Buôn Đôn và Ea Súp giáp với huyện Ko Nhek và một phần huyện Pechr Chenda thuộc tỉnh Mondulkiri.
Đại diện Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia tỉnh Đắk Lắk và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tặng quà lực lượng bảo vệ biên giới nước bạn Campuchia. (Ảnh: Song Quỳnh) |
Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia tỉnh Đắk Lắk thường xuyên trao đổi thông tin, tình hình hoạt động với Hội hữu nghị Campuchia - Việt Nam tỉnh Mondulkiri. Hội cũng phối hợp với Sở Ngoại vụ tham mưu UBND tỉnh hỗ trợ cho Hội Khmer - Việt Nam tỉnh Mondulkiri kinh phí thuê trụ sở và giáo viên dạy học tiếng Khmer; phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh bàn giao nhà làm việc cho Hội Phụ nữ tỉnh Mondulkiri, tặng máy in, hỗ trợ nguồn vốn phát triển kinh tế cho phụ nữ xã Sê Rê Huy, huyện Ko Nhek... Phối hợp với Tỉnh đoàn tổ chức khám, cấp thuốc miễn phí cho bà con....
Các Liên Chi hội Bộ đội Biên phòng tỉnh thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu, trao đổi tình hình giữa chính quyền và nhân dân hai bên biên giới; cấp cứu và khám bệnh cho sĩ quan, binh sĩ các đồn, chốt của bạn; hỗ trợ phòng, chống đại dịch Covid-19; tham mưu UBND tỉnh và các cấp hỗ trợ lực lượng bảo vệ biên giới Campuchia vật liệu xây dựng nhà ở, lương thực, thực phẩm, hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu...
Đại tá Nguyễn Hồng Khiêm, Phó Chỉ huy trưởng Bội đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh An Giang:
Đối ngoại biên phòng góp phần xây dựng vùng biên hòa bình
Tỉnh An Giang tiếp giáp với hai tỉnh Takeo và Kandal (Vương quốc Campuchia). Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh An Giang triển khai đồng bộ các biện pháp công tác đối ngoại, trong đó có hoạt động hữu nghị nhân dân với phía bạn để thắt chặt tình đoàn kết hữu nghị giữa nhân dân hai bên biên giới.
Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh trao đổi, làm việc với chính quyền phía Campuchia thực hiện chương trình kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới. Đến nay có 5 cụm dân cư hai bên biên giới đã ký kết nghĩa, nội dung kết nghĩa được cụ thể hóa, sát với thực tế từng địa bàn và phù hợp với phong tục tập quán của nhân dân hai bên biên giới.
Tỉnh cũng tặng các nhu yếu phẩm, vật tư y tế, gạo và tiền mặt cho phía bạn, Hội Khmer - Việt Nam tại Campuchia, Hội Khmer - Việt Nam chi nhánh tỉnh Takeo để giúp đỡ các hộ người gốc Việt ở Campuchia, tổng trị giá khoảng 3 tỷ đồng.
Các Đồn Biên phòng phối hợp với chính quyền địa phương chúc Tết, tặng quà cho chính quyền, lực lượng bảo vệ biên giới, cụm dân cư kết nghĩa phía bạn Campuchia. Các trạm y tế các xã, phường, thị trấn biên giới và các trạm quân dân y kết hợp đã khám và điều trị cho nhân dân Campuchia. Các cặp cụm dân cư kết nghĩa thường xuyên gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, hỗ trợ nhau về con giống, cây trồng, vật nuôi…
Những ngày lễ, Tết truyền thống của Campuchia, Bộ đội Biên phòng tỉnh đều cử cán bộ, chiến sĩ sang thăm, chúc mừng bà con, các vị sư sãi các chùa dọc biên giới. Ngoài ra, các hoạt động giao lưu văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao giữa các cụm dân cư hai bên biên giới cũng được duy trì thường xuyên, được đẩy mạnh vào các dịp kỷ niệm ngày truyền thống, các dịp lễ, tết.
Thực hiện Chương trình “Nâng bước em tới trường”, cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang trên cơ sở quyên góp từ tiền lương hàng tháng đã nhận đỡ đầu 21 học sinh nghèo học giỏi ở khu vực biên giới 2 tỉnh Takeo và Kandal với mức hỗ trợ mỗi học sinh 500.000 đồng/tháng.
Từ những hoạt động nêu trên, tình đoàn kết, hữu nghị giữa chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân của tỉnh An Giang với hai tỉnh Kandal và Takeo ngày càng gắn bó, tạo được lòng tin, thiện chí, phối hợp tốt trong bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới; đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm; chống xuất, nhập cảnh trái phép... góp phần giữ vững an ninh, trật tự hai bên biên giới.