Đại sứ Olivier Brochet: Việt Nam có sự gắn bó sâu sắc với cộng đồng Pháp ngữ
Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet. Ảnh: Việt Đức/TTXVN |
-Thưa Đại sứ, việc lãnh đạo cao nhất của Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Pháp ngữ lần thứ 19 và thăm chính thức Cộng hòa Pháp có ý nghĩa như thế nào đối với quan hệ song phương giữa hai nước cũng như trong khuôn khổ hợp tác Pháp ngữ? Đại sứ có thể chia sẻ về chủ đề và chương trình nghị sự chính của hội nghị lần này?
Chúng tôi rất vui mừng được đón tiếp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sang dự Hội nghị Thượng đỉnh Pháp ngữ lần thứ 19 và thăm chính thức Cộng hòa Pháp, điều này cho thấy sự gắn bó sâu sắc của Việt Nam với cộng đồng Pháp ngữ, đồng thời khẳng định Việt Nam rất coi trọng quan hệ song phương với Pháp.
Việc lãnh đạo cao nhất của Việt Nam thăm chính thức Cộng hòa Pháp sẽ là dịp để chúng tôi khẳng định mong muốn tăng cường quan hệ đối tác với Việt Nam, một quốc gia có vị trí rất quan trọng ở châu Á, một đất nước mà chúng tôi có nhiều gắn bó về mặt lịch sử, về mối liên hệ trong khuôn khổ Pháp ngữ.
Chúng tôi đánh giá cao việc Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, ngay sau khi nhậm chức một thời gian ngắn, đã dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh Pháp ngữ lần thứ 19. Như chúng ta đã biết, từ những năm 1990, Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF) - được thành lập vào năm 1970 - đã đóng một vai trò quan trọng trong các hoạt động hội nhập quốc tế của Việt Nam, điển hình là Hội nghị Cấp cao Pháp ngữ lần thứ VII đã được tổ chức tại Hà Nội vào năm 1997.
Việt Nam nhận thức rõ những cơ hội mà cộng đồng Pháp ngữ mang lại, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, cũng như những đóng góp của đất nước đối với cộng đồng Pháp ngữ, vì đây là quốc gia thành viên lớn nhất của Tổ chức quốc tế Pháp ngữ tại châu Á.
Hội nghị thượng đỉnh Pháp ngữ lần thứ 19 sẽ được tổ chức tại hai địa danh tiêu biểu của nước Pháp là Trung tâm tiếng Pháp quốc tế tại lâu đài Villers-Cotterêts (nơi mà vua François Đệ nhất vào thế kỷ XVI đã ký một trong những quyết định nổi tiếng nhất của ông - sắc lệnh Villers-Cotterêts, theo đó tiếng Pháp trở thành ngôn ngữ chính thức trong luật pháp và hành chính tại Pháp) và Cung điện lớn Grand Palais ở Paris, một công trình kiến trúc đẹp của nước Pháp được xây dựng từ đầu thế kỷ XX, nơi diễn ra các cuộc thi đấu kiếm trong Thế vận hội Olympic Paris 2024 vừa qua.
Với chủ đề “Sáng tạo, đổi mới và khởi nghiệp bằng tiếng Pháp”, Hội nghị lần này sẽ là dịp để các nguyên thủ quốc gia và chính phủ các nước thành viên cùng nhau trao đổi, bàn bạc, giải quyết những thách thức lớn đối với quá trình phát triển và đổi mới. Phần lớn nội dung các cuộc họp sẽ tập trung vào vấn đề này, cả về thách thức và cơ hội của sáng tạo, đổi mới, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo.
Bên cạnh đó, cũng giống như các hội nghị cấp cao khác, Hội nghị lần này cũng sẽ đề cập đến tình hình quốc tế cùng quan tâm. Bên lề Hội nghị, sẽ có nhiều sự kiện mà Việt Nam tham dự cùng các nước thành viên khác như “Làng Pháp ngữ” với những gian hàng giới thiệu sự đa dạng văn hóa của cộng đồng Pháp ngữ hay Triển lãm FrancoTech về doanh nghiệp và thị trường nói tiếng Pháp. Dự kiến, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ tham dự và có bài phát biểu tại sự kiện này. Ngoài ra, còn có những hoạt động giao lưu, gặp gỡ thanh niên. Chúng tôi rất vui mừng được đón tiếp hai bạn trẻ Việt Nam cùng với hai bạn trẻ Campuchia và hai bạn trẻ Lào đến giới thiệu một dự án chung mà cả ba quốc gia cùng thực hiện.
-Đại sứ đánh giá thế nào về hoạt động Pháp ngữ tại Việt Nam, vai trò của Việt Nam trong cộng đồng Pháp ngữ và những cơ hội mà cộng đồng này mang lại cho Việt Nam?
Chúng tôi phối hợp tích cực với các nhà chức trách Việt Nam trong lĩnh vực Pháp ngữ. Tôi nói “chúng tôi” ở đây là muốn nói đến GADIF - Nhóm các Đại sứ quán, Phái đoàn và Tổ chức Pháp ngữ tại Việt Nam. Chúng tôi thường xuyên gặp gỡ, trao đổi về các hoạt động nhằm thúc đẩy và phát triển cộng đồng Pháp ngữ, chủ yếu trong lĩnh vực văn hóa và ngôn ngữ. Trong khuôn khổ GADIF, Việt Nam cũng có thể thảo luận cùng chúng tôi về những vấn đề cụ thể liên quan đến cộng đồng Pháp ngữ. Các hoạt động Pháp ngữ tại Việt Nam diễn ra sôi nổi, phong phú và đa dạng, điều này được thể hiện qua Lễ kỷ niệm Ngày quốc tế Pháp ngữ 20/3 do Bộ Ngoại giao Việt Nam tổ chức.
Tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng Văn phòng khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF) đặt trụ sở tại Hà Nội, điều này hết sức có ý nghĩa đối với hoạt động hợp tác đại học của Việt Nam và chứng minh tầm ảnh hưởng của Việt Nam trong khu vực.
Với dân số khoảng 100 triệu người, mặc dù số lượng người nói tiếng Pháp hiện nay không được đông đảo như cách đây 20 - 30 năm, Việt Nam luôn ủng hộ việc dạy và học tiếng Pháp, tạo cơ hội cho các bạn trẻ được tiếp cận và học tập tại các trường đại học hàng đầu ở Pháp, Bỉ, Thụy Sĩ, Canada...
Về mặt kinh tế, Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF) có 88 quốc gia và chính phủ thành viên và quan sát viên. Như vậy, Việt Nam có thể tiếp cận thị trường quan trọng này với hàng trăm triệu người tiêu dùng, có cơ hội thu hút đầu tư, xuất khẩu nhiều hơn, hay đơn thuần là có quan hệ hợp tác thực chất với các nước thành viên của OIF - cộng đồng chia sẻ văn hoá và tầm nhìn chung. Tôi tin rằng lợi ích mà Việt Nam có được từ cộng đồng Pháp ngữ có thể được gói gọn trong chính chủ đề của chính Hội nghị Thượng đỉnh lần này, đó là “Sáng tạo, đổi mới và khởi nghiệp bằng tiếng Pháp”.
-Sau hơn 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược, quan hệ Việt - Pháp đã có những bước phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực. Đại sứ có thể chia sẻ tầm nhìn và những trọng tâm hợp tác trong quan hệ hai nước để có thể phát huy tiềm năng, thế mạnh, hỗ trợ nhau cùng phát triển?
Việt Nam và Pháp đã tạo dựng hiệu quả một mối quan hệ không chỉ bền chặt, hữu nghị, mà còn là sự tin cậy ngày càng cao với mong muốn tăng cường quan hệ đối tác song phương. Điều này được thể hiện qua việc hai nước cùng nhau kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm ngoái và chuyến thăm chính thức Việt Nam của Bộ trưởng Bộ Quân đội Pháp Sébastien Lecornu nhân dịp kỷ niệm 70 năm trận chiến Điện Biên Phủ vào tháng 5 vừa qua.
Chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ là dịp để hai nước tiếp tục những nỗ lực chung nhằm tăng cường quan hệ đối tác song phương với những đường hướng hợp tác mới trong các lĩnh vực hai bên cùng quan tâm, cũng như vai trò quốc tế của hai nước nhằm củng cố an ninh.
Trong lĩnh vực phát triển bền vững, Việt Nam và Pháp có thể tăng cường hợp tác về năng lượng và giao thông, đặc biệt là vận tải đường sắt. Những hoạt động hợp tác về đổi mới, sáng tạo cũng rất triển vọng và thiết thực đối với Việt Nam bởi hiện nay có nhiều doanh nghiệp Pháp có thể chia sẻ kinh nghiệm và công nghệ với đối tác Việt Nam, góp phần tăng cường hơn nữa mối quan hệ giữa hai bên.
Nhân cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo cấp cao của hai nước tới đây, Việt Nam và Pháp dự kiến sẽ ký kết một hiệp định liên chính phủ trong lĩnh vực giáo dục. Chúng tôi hy vọng rằng văn kiện này sẽ giúp phía Pháp phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam trong việc tăng cường đào tạo tiếng Pháp tại các trường học Việt Nam, qua đó nâng cao chất lượng và số lượng những người nói tiếng Pháp tại Việt Nam.
Còn một lĩnh vực nữa mà tôi cũng muốn đề cập, đó là tăng cường giao lưu nhân dân giữa hai nước, đặc biệt là giao lưu giữa các thế hệ trẻ. Chúng tôi mong muốn ngày càng có nhiều sinh viên Việt Nam lựa chọn sang Pháp du học, bởi vì chúng tôi biết những gì mà nền giáo dục Pháp có thể đem đến cho các bạn trẻ cũng như vai trò của các bạn du học sinh trong việc đóng góp vào sự phát triển quan hệ giữa hai nước trong các lĩnh vực. Mặt khác, chúng tôi cũng vui mừng khi thấy ngày càng nhiều sinh viên Pháp sang học trao đổi, một hoặc hai học kỳ, tại các trường đại học Việt Nam có liên kết với các đối tác Pháp. Những hoạt động giao lưu này sẽ góp phần quan trọng trong việc tăng cường quan hệ giữa hai nước trong tương lai.
Văn hóa cũng là chủ đề trọng tâm trong quan hệ đối tác Việt - Pháp. Chính phủ Việt Nam đã xác định phát triển công nghiệp văn hóa, sáng tạo là một trong những mục tiêu quan trọng để tạo đà tăng trưởng, trong đó có tăng trưởng kinh tế. Với thế mạnh trong lĩnh vực này, phía Pháp hoàn toàn có thể giúp Việt Nam trong các dự án liên quan.
Tôi rất vui mừng trước sự phát triển hợp tác giữa Nhà hát Hồ Gươm và Nhà hát Hoàng gia Versailles của Pháp để làm phong phú thêm các chương trình biểu diễn của Nhà hát tại Hà Nội và tôi đặc biệt cảm ơn Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã luôn quan tâm và ủng hộ sự hợp tác này.
Như các bạn đã biết, chủ đề của Năm kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Pháp là “Văn hóa sẻ chia” đã thể hiện rõ tinh thần hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực này, không phải là mang những sản phẩm văn hóa Pháp đến với Việt Nam mà là hai bên cùng nhau xây dựng chính sách để quảng bá các giá trị văn hóa Pháp, đồng thời chuyển giao công cụ và kỹ năng giúp Việt Nam phát triển công nghiệp văn hóa, sáng tạo.
Điều này đã được thể hiện trong nhiều sự kiện, chẳng hạn như Liên hoan nhiếp ảnh quốc tế Photo Hanoi’ 25 lần thứ hai tại Hà Nội vào năm tới mà chúng tôi đang tiến hành các bước chuẩn bị. Khi sự kiện này được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2023, các buổi triển lãm của Photo Hanoi’23 đã thu hút gần 200.000 lượt khách tham quan và 5 triệu lượt theo dõi trên mạng xã hội. Điều này góp phần quảng bá rất hiệu quả nghệ thuật nhiếp ảnh và đất nước Việt Nam cũng như tạo cơ hội cho các nghệ sĩ trẻ được toả sáng.
Trong chuyến công tác mới đây tại Thành phố Hồ Chí Minh, tôi đã đến thăm một xưởng phim hoạt hình của Pháp đang hoạt động khá tốt, giúp chuyển giao công nghệ Pháp vào Việt Nam. Nếu như cách đây ba năm, nhân sự của họ chỉ có khoảng 100 người thì hiện nay con số này đã tăng lên gấp đôi.
Và còn nhiều lĩnh vực khác mà hai bên có thể hợp tác thông qua các quan hệ giữa các doanh nghiệp, đối tác công hoặc trong khuôn khổ hợp tác phi tập trung.
Trân trọng cảm ơn Đại sứ!