Cựu binh Mỹ dùng hội họa chữa lành vết thương chiến tranh
Những ngày cuối tháng 4/2023, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (Hà Nội) đã diễn ra triển lãm nghệ thuật "David Thomas và những người bạn". Triển lãm trưng bày các sáng tác đồ họa của David Thomas và 21 họa sĩ Việt Nam. Đây là cuộc hội ngộ giữa người cựu binh Mỹ với tinh thần phản chiến và những họa sĩ từng tham gia chương trình lưu trú tại Mỹ do chính ông thực hiện.
Họa sĩ David Thomas (bìa trái) gặp lại những người bạn Việt Nam tại triển lãm hồi tháng 4/2023 (Ảnh: Báo ảnh Việt Nam). |
David Thomas là một trong 58.000 lính Mỹ tham gia cuộc chiến tại Việt Nam. Ông đóng quân tại Pleiku trong hơn 1 năm rồi quay về quê hương sau khi kết thúc quân dịch. Kỷ niệm ông luôn giữ lại trong lòng là nụ cười của những đứa trẻ vùng cao nguyên mỗi khi chúng vây quanh chiếc xe Jeep mà người lính trẻ dừng lại ở bất kỳ buôn làng nào. Không tham gia những cuộc biểu tình phản chiến trên đường phố, David Thomas vẽ rất nhiều tranh về những đứa trẻ Việt Nam, qua đó phản ánh sự tàn phá của chiến tranh đối với mảnh đất này.
David Thomas quay trở lại Việt Nam vào năm 1987 trong nỗ lực tìm về đất nước mà ông đã tham gia chiến tranh, để tìm cách kết nối và hàn gắn quá khứ. Ông không biết rằng chuyến đi đó lại là khởi đầu cho hàng chục chuyến di chuyển giữa Mỹ và Việt Nam trong suốt hơn 30 năm sau đó. Việt Nam trở thành một phần trong cuộc đời ông, quê hương thứ hai, vùng đất với nhiều người thân, bè bạn, những gắn kết tình cảm và tâm hồn, nơi mà khiến trái tim ông luôn thuộc về đó.
Năm 1988, ông sáng lập Indochina Arts Partnership (Hiệp Hội Nghệ thuật Đông Dương, IAP). IAP tổ chức các chương trình lưu trú, hỗ trợ cho nhiều nghệ sĩ Việt Nam sang Mỹ học tập, làm việc, đồng thời tổ chức các chương trình giao lưu, trao đổi nghệ thuật giúp cho nghệ sĩ hai bên hiểu và gắn kết với nhau hơn.
IAP cũng là nơi đầu tiên tổ chức hai triển lãm nghệ thuật lớn: “Nghìn trùng xa cách - An Ocean Apart” (1990 - 1994) và “Nhìn từ hai phía - As Seen By Both Side” (1995 - 2000), trước và sau thời điểm bình thường hóa quan hệ ngoại giao Mỹ - Việt Nam vào năm 1995.
Hai triển lãm này giới thiệu các tác phẩm của nhiều nghệ sĩ quan trọng đương thời của hai quốc gia. Triển lãm được di chuyển để trưng bày ở các bảo tàng lớn vòng quanh nước Mỹ và Việt Nam, trở thành một trong những sự kiện văn hóa nghệ thuật tiêu biểu về ngoại giao, chính trị, văn hóa.
David Thomas cho biết: "Việt Nam – chiến tranh" dường như là một câu cửa miệng, một suy nghĩ thường trực của bất kì người Mỹ nào trong những năm tháng ấy. Nhưng ông phát hiện ra những điều đẹp đẽ khác của vùng đất và con người nơi đó, những tâm hồn đẹp đẽ đầy chất thơ, niềm khao khát hòa bình và sự quật cường vượt qua mọi gian khó thời chiến.
Một tác phẩm của David Thomas (Ảnh: Báo ảnh Việt Nam). |
Dẫu mắc chứng Parkinson mà một phần nguyên nhân là phơi nhiễm chất độc màu da cam trong thời chiến thanh Việt Nam, David Thomas đã biến chứng bệnh trở thành một nguồn cảm hứng sáng tác, mang đến loạt tác phẩm đồ họa ấn tượng. Theo đó, ông dùng cách in kỹ thuật số để lồng ghép những hình ảnh chụp bộ não của chính mình với các họa tiết trừu tượng để phản ánh sự nguy hại của chất độc hóa học, qua đó lên tiếng nói phản đối chiến tranh.
Theo họa sĩ Lê Huy Tiếp, nguyên Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam: IAP là một cầu nối văn hóa nghệ thuật và ngoại giao nhân dân giữa Việt Nam và Mỹ. Dù đã ngừng hoạt động năm 2019, nhưng trong hơn 30 năm, IAP đã kiến tạo và điều hành hàng chục chương trình trao đổi nghệ thuật lớn nhỏ, đưa nghệ sĩ, trí thức Việt Nam sang thăm và làm việc tại Mỹ và ngược lại.
Đánh giá các tác phẩm của họa sĩ David Thomas, họa sĩ Lê Huy Tiếp cho rằng, các tác phẩm của ông là những thông điệp mạnh mẽ lên án chiến tranh và chất độc hóa học, cũng phản ánh nghị lực và sức sáng tạo bền bỉ của một nghệ sĩ. Khi cộng hưởng với các tác phẩm của các nghệ sĩ Việt Nam, triển lãm đã cất lên "tiếng nói" về sức mạnh chữa lành và hàn gắn của nghệ thuật.
Chiếc xích lô "độc nhất vô nhị" ở Boston Trong căn nhà ở Boston (Mỹ), họa sĩ David Thomas lưu giữ một chiếc xích lô. Chia sẻ với phóng viên TTXVN, ông cho biết: "Tôi đã sang Việt Nam rất nhiều lần trong nhiều thập kỷ. Những năm 90, xích lô rất phổ biến, đặc biệt là ở khu vực phố cổ và khách sạn Metropole. Tôi thường tìm một người lái xích lô quen thuộc mỗi khi đến đây. Ông ấy tên là Bang. Vào khoảng năm 1995, Bang bị đau lưng nên muốn nghỉ làm, cùng lúc đó, ông chuẩn bị tổ chức đám cưới cho con gái và muốn bán chiếc xích lô lấy tiền. Tôi đã mua lại với giá 100USD. Thời điểm đó, 100USD không lớn đối với người Mỹ nhưng lại đủ để trang trải cho một đám cưới tươm tất ở Việt Nam. Cả hai chúng tôi đều rất vui về việc đó. Tuy nhiên, để vận chuyển chiếc xích lô đến nhà tôi ở Boston là việc không hề dễ dàng. Tôi đã phải nhờ đến sự giúp đỡ của bạn bè ở Việt Nam. Họ tháo chiếc xích lô ra, gửi sang Lào, Campuchia rồi đến Mỹ bằng đường biển. Tôi sơn lại, thay lốp và mui. Cho đến nay, nó vẫn chạy tốt. Trước đây, tôi thường chở các cháu của mình trên chiếc xích lô này đi dạo quanh nhà. Tôi rất thích chiếc xích lô này vì đó là một phần của Hà Nội, rất khác với xích lô ở Huế hay Thành phố Hồ Chí Minh". |