Công nghệ Đức hỗ trợ Việt Nam tái chế rác thải nhựa
Thay đổi cách ứng xử với rác thải nhựa
Theo Ngân hàng Thế giới, hàng năm Việt Nam có khoảng 3 triệu tấn rác thải nhựa được thải ra đất liền và khoảng 0,28 đến 0,73 triệu tấn chất thải nhựa được thải ra đại dương.
Việc xã hội lạm dụng sử dụng sản phẩm nhựa, nhất là túi ni-lông khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần đã và đang để lại những hậu quả nghiêm trọng đối với môi trường. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), thực trạng ô nhiễm rác thải nhựa hiện rất nghiêm trọng, lượng chất thải nhựa hiện vẫn ở mức rất cao. Đây là một “gánh nặng” nghiêm trọng cho môi trường. Mỗi năm, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt là 25 triệu tấn nhưng chỉ có 30% được xử lý đốt hoặc sản xuất phân hữu cơ, hơn 70% chôn lấp trực tiếp. Trong đó, lượng chất thải nhựa và túi ni-lông chiếm khoảng 8%-12%.
Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu Biển và Hải đảo, rác thải nhựa chiếm khoảng từ 50% đến 80% lượng rác thải biển. Hiện Việt Nam là một trong những nước có lượng chất thải xả ra biển nhiều thứ 4 trên thế giới, với khối lượng khoảng từ 0,28 đến 0,73 triệu tấn/năm (tương đương khoảng 6% tổng chất thải nhựa được thải ra biển của thế giới).
Các chuyên gia nhận định nguồn gây ô nhiễm chính liên quan đến chất thải nhựa trên biển ở Việt Nam bao gồm nguồn thải trên đất liền và các nguồn thải trên biển, trong đó có hoạt động du lịch biển.
Tại nhiều tỉnh thành, chính quyền địa phương phải vật lộn để thu gom, vận chuyển, và xử lý các dòng chất thải ngày càng tăng. Tình trạng này dự báo sẽ trở nên tồi tệ hơn với quá trình đô thị hóa nhanh chóng cùng sự gia tăng kinh tế và dân số.
Tại Diễn đàn Kinh tế thế giới khởi động chương trình “Đối tác Hành động quốc gia về nhựa tại Việt Nam”, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà đã nhấn mạnh: Những vấn nạn về rác thải nhựa đối với môi trường hiện nay không phải lỗi của các sản phẩm nhựa mà thuộc về cách thức chúng ta sử dụng, thải bỏ các sản phẩm nhựa không đúng cách.
Vì vậy, chúng ta cần thay đổi cách ứng xử với nhựa thông qua việc quản lý một cách khoa học, tăng cường tái chế, tái sử dụng các sản phẩm nhựa để kéo dài vòng đời của nhựa, góp phần giảm thiểu việc khai thác tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu phát thải khí nhà kính. Chỉ như vậy, chúng ta mới phát huy được hết các tính năng của sản phẩm nhựa, góp phần bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Công nghệ Đức đến Việt Nam
Chung sức phòng chống biến đổi khí hậu với Việt Nam, Tập đoàn ALBA Châu Á và Công ty VietCycle đã công bố việc ký kết Thỏa thuận hợp tác để cùng phát triển nhà máy tái chế nhựa PET/HDPE đạt chất lượng bao bì thực phẩm lớn nhất Việt Nam. Tổng vốn đầu tư cho nhà máy dự kiến lên đến 50 triệu USD và công suất lên đến 48.000 tấn/năm.
Tiến sỹ Hoàng Văn Thức Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường Bộ Tài nguyên và Môi trường và Phó Đại sứ Đức Tiến sĩ Simon Kreye chứng kiến Lễ Ký kết. (Ảnh: baotainguyenmoitruong) |
Nhà máy tái chế này sẽ sử dụng công nghệ tiên tiến từ Đức, tái chế ra nhựa rPET đạt chuẩn quốc tế. Với tổng mức đầu tư hơn 50 triệu USD, nhà máy dự kiến sẽ hoàn thiện và đi vào hoạt động vào năm 2024.
Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên môi trường) Hoàng Văn Thức cho rằng thoả thuận này như một đóng góp đáng kể vào nỗ lực chống ô nhiễm môi trường của Việt Nam.
Tiến sĩ Axel Schweitzer, Chủ tịch kiêm Cổ đông của Tập đoàn ALBA Châu Á nói “Dự án sẽ đóng góp vào các giải pháp cấp thiết cho vấn đề rác thải nhựa đang gia tăng tại Việt Nam. Nó cũng sẽ tạo ra một số lượng đáng kể việc làm xanh và cải thiện an sinh xã hội cho nhiều lao động thu gom phi chính thức. Đối với cá nhân tôi, điều này cũng quan trọng như các tác động tích cực đến môi trường và thành công kinh tế.”
Sự hợp tác giữa ALBA và VietCycle sẽ cho phép mở rộng mạng lưới thu gom của VietCycle. ALBA và VietCycle sẽ cùng nỗ lực đẩy mạnh bình đẳng giới và hòa nhập xã hội trong hệ thống thu gom và toàn ngành tái chế nhựa.
Các chai nhựa được phân loại để đưa vào nhà máy tái chế. (Ảnh: Đại biểu nhân dân) |
Bên cạnh việc xây dựng nhà máy tái chế đạt chuẩn, hợp tác giữa VietCycle và Alba còn bao gồm mở rộng mạng lưới đồng nát, ve chai của VietCycle từ khoảng 2.500 lên đến hơn 23 nghìn người, tiếp cận ít nhất 500 điểm thu gom phế liệu trên khắp cả nước. Liên doanh của 2 doanh nghiệp sẽ hỗ trợ lực lượng này thực hành hiệu quả hơn công tác thu gom, phân loại phế liệu, đồng thời cung cấp quyền lợi về an sinh như bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội.
Ông Hoàng Văn Thức, Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Bộ Tài nguyên và môi trường cũng đánh giá cao tiềm năng của hợp tác giữa Alba và VietCycle trong việc thúc đẩy thu gom, phân loại, tái chế rác thải, hướng đến mô hình kinh tế tuần hoàn. Đây cũng là dấu ấn quan trọng cho sự tin tưởng, đồng hành và hợp tác của bạn bè quốc tế đối với mục tiêu phát triển bền vững, chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn và cam kết trung hòa carbon của Việt Nam.
Theo thống kê của Hiệp hội Nhựa Việt Nam, lượng chất thải nhựa và túi ni-lông ở Việt Nam, chiếm khoảng 8%-12% chất thải rắn sinh hoạt nhưng chỉ có khoảng 11%-12% số lượng chất thải nhựa, túi ni-lông được xử lý, tái chế, số còn lại chủ yếu là chôn lấp, đốt và thải ra ngoài môi trường. Đây có thể dẫn đến thảm họa môi trường, đặc biệt ô nhiễm đại dương. |
Semula – doanh nghiệp mới nổi có nhiều sáng kiến trong ngành tái chế nhựa tại Singapore Semula Pte Ltd, – công ty mới trong ngành tái chế nhựa tại Singapore vừa công bố những sáng kiến mới nhất nhằm nhấn mạnh cam kết của mình đối với tính bền vững và môi trường ở Singapore. Semula đặt mục tiêu trở thành đơn vị đóng vai trò quan trọng trong phát triển bền vững. |
Tàu cá thu gom rác thải nhựa: Mô hình thúc đẩy nông nghiệp thân thiện môi trường Nhằm góp phần giảm thiểu rác thải nhựa trên đại dương, đặc biệt là rác thải phát sinh từ các đánh bắt hải sản, thời gian qua, nhiều hoạt động thu gom rác thải trên biển đã được triển khai hiệu quả tại nhiều địa phương trên cả nước. |