Công nghệ: chìa khóa bảo tồn, phát triển tiếng Việt cho thế hệ kiều bào trẻ
Công nghệ hỗ trợ học tiếng Việt
Nguyễn Anh Kiệt, CEO của công ty Kan-tek chuyên thiết kế ứng dụng và website cho doanh nghiệp tại Mỹ thấu hiểu sâu sắc nỗi lo của nhiều bậc phụ huynh là kiều bào khi thấy con mình dần xa rời tiếng Việt. Trước thách thức của việc học tiếng Việt tại các trung tâm truyền thống với chi phí cao và sự bất tiện, anh Kiệt đã tạo một ra giải pháp công nghệ mới: ứng dụng ABC Tiếng Việt.
ABC Tiếng Việt, ứng dụng dạy giao tiếp tiếng Việt cho trẻ em gốc Việt. (Ảnh: ABC Tiếng Việt) |
Với sứ mệnh kết nối ngôn ngữ và văn hóa Việt, ABC Tiếng Việt không chỉ hướng dẫn trẻ em học giao tiếp tiếng Việt một cách tự nhiên, mà còn lồng ghép các giá trị văn hóa, phong tục đặc trưng vào từng bài học. “Chúng tôi lồng ghép các từ ngữ lễ nghi như 'dạ', 'thưa', 'vâng ạ' vào các bài học để trẻ không chỉ học tiếng mà còn hiểu và trân trọng văn hóa Việt”, anh Kiệt chia sẻ với báo chí.
Ứng dụng này cho phép học viên học mọi lúc, mọi nơi trên iPad hoặc điện thoại, với giao diện song ngữ Anh - Việt, cùng tính năng phát âm, ghi âm và điều chỉnh giọng nói. Tính đến giữa tháng 9/2024, ứng dụng ABC Tiếng Việt thu hút hơn 10.000 lượt tải xuống từ Google Play, chứng minh sức hấp dẫn và tiềm năng to lớn của công nghệ trong việc hỗ trợ duy trì ngôn ngữ và văn hóa Việt.
Sống động, tăng tính tương tác
Không chỉ riêng ABC Tiếng Việt, các nền tảng công nghệ khác như Zoom, Google Classroom hay các ứng dụng học ngôn ngữ như Duolingo cũng đã và đang góp phần không nhỏ vào việc giảng dạy tiếng Việt cho cộng đồng người Việt tại nước ngoài. Chẳng hạn, phương pháp trò chơi hóa của Duolingo đã giúp người học tiếp cận tiếng Việt một cách dễ dàng và thú vị hơn, đồng thời duy trì động lực học tập qua từng bài học.
Tại buổi tọa đàm về việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc giảng dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài vào năm 2022, PGS.TS Đỗ Phương Thảo, giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết: các công cụ như PowerPoint, Video Editor, và YouTube đã giúp cô tạo ra những bài giảng sống động, tăng tính tương tác cho học sinh ở xa. Ngoài ra, các phần mềm quản lý lớp học trực tuyến như Google Classroom còn hỗ trợ giáo viên kết nối với phụ huynh và theo dõi quá trình học tập của học sinh một cách hiệu quả.
"Nguồn học liệu số vô cùng phong phú và đa dạng, giúp giáo viên linh hoạt điều chỉnh bài giảng để phù hợp với từng đối tượng học sinh", cô Thảo nói. Những tài liệu này không chỉ giúp giáo viên tiết kiệm thời gian chuẩn bị mà còn tạo sự tương tác, hứng thú cho người học, đặc biệt là với học viên trẻ.
Tại Nhật Bản, từ năm 2021, cô Phạm Phi Hải Yến (giáo viên dạy tiếng Việt tại Trường cao đẳng tổng hợp về trẻ em thành phố Kobe, tỉnh Hyogo) đã tổ chức lớp học trực tuyến “Líu Lo tiếng Việt” để truyền bá ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam tới trẻ em kiều bào. Với mỗi tuần hai buổi học, cô Yến phân chia lớp thành hai nhóm: những học sinh chưa biết tiếng Việt và những học sinh đã có thể giao tiếp cơ bản. Nhờ sự phân nhóm này, cô có thể áp dụng các phương pháp dạy phù hợp với từng đối tượng, tạo ra môi trường học tập nhẹ nhàng, không áp lực cho các em.
Cô Hải Yến mở lớp học " Líu Lo tiếng Việt" cho những trẻ em gốc Việt từ năm 2021. (Ảnh: Phạm Phi Hải Yến) |
Cô Yến cũng cho rằng việc kết hợp giữa giảng dạy ngôn ngữ và văn hóa là điều then chốt: “Các em cần hiểu về cội nguồn, văn hóa của mình trước khi có thể thực sự muốn học tiếng Việt”. Điều này không chỉ kích thích sự tò mò mà còn xây dựng niềm tự hào dân tộc trong lòng trẻ em kiều bào.
PGS.TS Nguyễn Thiện Nam, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội cũng chia sẻ câu chuyện về việc dạy tiếng Việt trực tuyến cho một bé gái 7 tuổi người Việt tại Mỹ. Phương pháp dạy phát âm tiếng Việt trực tuyến, kết hợp với thời gian học hợp lý, đã giúp bé gái này nhanh chóng nhận diện mặt chữ và phát âm chuẩn, góp phần gắn kết sâu sắc hơn với văn hóa mẹ đẻ.
"Giảng dạy tiếng Việt không chỉ dừng lại ở ngôn ngữ, mà người thầy còn đóng vai trò là cầu nối văn hóa. Sự hiểu biết về văn hóa Việt Nam và sự kết hợp khéo léo trong cách truyền tải giúp các em kiều bào không chỉ học tiếng, mà còn thấm nhuần bản sắc dân tộc", PGS.TS Nguyễn Thiện Nam cho biết.
Gìn giữ tiếng Việt bằng công nghệ
Năm 2022, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội đã tiên phong ra mắt “Kênh giảng dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài” với nhiều khóa học online tiếng Việt bậc sơ cấp cho kiều bào gần 20 quốc gia trên thế giới. Đây là một bước tiến lớn trong Đề án “Tăng cường dạy tiếng Việt trên mạng trực tuyến cho người Việt Nam ở nước ngoài”, giúp học viên kiều bào có điều kiện nâng cao năng lực tiếng Việt, đồng thời giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Kênh học này ứng dụng hệ thống ngữ liệu dạy tiếng Việt qua nền tảng dạy học tiên tiến, hiện đại, phù hợp với việc phát triển năng lực tiếng Việt của người học trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, bao gồm gói sản phẩm mô hình Blended class (dạy tập huấn cho kiều bào là giáo viên tiếng Việt khi về Việt Nam) thí điểm miễn phí cho kiều bào.
GS.TS Hoàng Anh Tuấn - Hiệu trưởng Nhà trường cho biết: Chúng tôi đang nỗ lực hoàn thành các chương trình và lớp học trực tuyến hoàn thiện cho kiều bào theo từng bậc năng lực, tập trung trước hết vào bậc trung cấp (bậc 3, 4 theo Khung năng lực tiếng Việt); tổ chức, quản trị và điều hành hệ thống các khóa học đa dạng phục vụ kiều bào các lứa tuổi, thành phần với nhu cầu khác nhau theo Khung năng lực tiếng Việt 6 bậc; hoàn thành bộ ngữ liệu kịch bản dạy học trực tuyến (video cho chương trình khóa học thụ động, các mô hình tương tác…).
Mặc dù công nghệ đã giúp giảm bớt khó khăn trong việc dạy và học tiếng Việt từ xa, nhưng vẫn còn nhiều thách thức. Nhiều gia đình kiều bào tại các quốc gia có điều kiện kinh tế khó khăn gặp trở ngại trong việc tiếp cận công nghệ hiện đại hoặc kết nối internet ổn định. Tuy nhiên, với sự phát triển không ngừng của công nghệ, cùng sự nỗ lực cải tiến trong phương pháp giảng dạy, những khó khăn này có thể sẽ dần được giải quyết.
Những ứng dụng học ngôn ngữ và các lớp học trực tuyến tiếp tục mở ra những cơ hội mới, không chỉ cho thế hệ trẻ kiều bào mà còn cho cả cộng đồng người Việt ở khắp nơi trên thế giới. Sự kết hợp giữa công nghệ và giáo dục chắc chắn sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì và phát triển tiếng Việt cho các thế hệ mai sau.