Chuyên gia Ấn Độ: "Ngoại giao cây tre" của Việt Nam là khái niệm chiến lược trong quan hệ quốc tế
Cựu Cố vấn An ninh quốc gia Ấn Độ S D Pradhan (trái) trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN. Ảnh: Ngọc Thúy/PV TTXVN tại Ấn Độ |
Theo ông Pradhan, bản sắc “ngoại giao cây tre” cung cấp khuôn khổ cho việc ra quyết định và tạo ra các kế hoạch hành động cụ thể. Trường phái ngoại giao này phản ánh chính sách vững chắc và đường lối đối ngoại linh hoạt của Việt Nam dựa trên nền tảng tư tưởng Hồ Chí Minh và lợi ích quốc gia, dân tộc. “Ngoại giao cây tre” cho thấy Việt Nam nhấn mạnh vai trò của chủ nghĩa đa phương trong giải quyết các vấn đề toàn cầu.
Ông Pradhan cho biết, trong thời gian qua, trường phái “ngoại giao cây tre” đã giúp Việt Nam đạt được những thành tựu đối ngoại quan trọng trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động phức tạp. “Ngoại giao cây tre” giúp nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế và đảm bảo tăng trưởng kinh tế đất nước. Cụ thể, với trường phái ngoại giao này, Việt Nam đã tạo dựng quan hệ đối tác chiến lược với các nước thuộc các khối khác nhau và bảo đảm duy trì nền độc lập nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia. Xét về lợi ích kinh tế, bản sắc “ngoại giao cây tre” đã đưa Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất. Năm 2022, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam là 8,02%, vượt mức dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB). Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 732,5 tỷ USD, tăng 9,5% so với năm 2021. Từ những thành tựu này, ông Pradhan khẳng định trường phái “ngoại giao cây tre” nên được các tổ chức học thuật xem xét như một chủ đề nghiên cứu và cần được phổ biến rộng rãi.
Về những đóng góp của Việt Nam đối với các vấn đề quốc tế, ông Pradhan cho rằng Việt Nam đã góp phần quan trọng tạo dựng môi trường hòa bình, thịnh vượng, đặc biệt với tư cách là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) nhiệm kỳ 2020-2021 và Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 2020. Trong nhiệm kỳ của mình, Việt Nam đã chủ trì hơn 30 cuộc họp để thảo luận các vấn đề an ninh ở Trung Đông, Syria, Colombia, Cộng hòa Trung Phi và Tây Phi; đánh giá hoạt động của các phái bộ gìn giữ hòa bình và phái bộ chính trị đặc biệt của LHQ tại Yemen, CH Cyprus và Libya.
Đề cập đến mối quan hệ giữa Việt Nam và Ấn Độ trong thời gian qua, ông S D Pradhan cho rằng hai nước có cách tiếp cận chung. Theo đó, hai nước nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và an ninh trong tăng trưởng kinh tế và vai trò của chủ nghĩa đa phương. Hai nước cũng đều có mối quan hệ thân thiện với các nước thuộc các khối khác nhau.
Theo ông Pradhan, Ấn Độ và Việt Nam cần tiếp tục phối hợp hành động tại các diễn đàn đa phương để thúc đẩy một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Ngoài ra, hai nước cần tập trung nhiều hơn vào việc phát triển thành trung tâm sản xuất/chế biến để thúc đẩy vai trò là cầu nối thương mại giữa phương Đông và phương Tây. Bên cạnh đó, Việt Nam và Ấn Độ cũng cần tăng cường hợp tác phát triển công nghệ tiên tiến để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng.
Theo Ngọc Thúy - Tiến Hiến/TTXVN
https://baotintuc.vn/thoi-su/chuyen-gia-an-do-ngoai-giao-cay-tre-cua-viet-nam-la-khai-niem-chien-luoc-trong-quan-he-quoc-te-20231223093112877.htm