Chồng Mỹ vợ Việt bán bún đậu mắm tôm đắt khách ngay giữa thành phố New York
Tại nhà hàng của đôi vợ chồng này, món bún đậu được bày biện trên chiếc mẹt đan tre, bên dưới lót lá chuối. Mỗi suất đặc biệt gồm bún, đậu rán, chả cốm, lòng nướng, dồi luộc, thịt lợn và rau thơm, mắm tôm. Những ngày thời tiết đẹp, chủ quán còn kê ghế nhựa dọc vỉa hè để... thực khách trải nghiệm ăn bún đậu vỉa hè "chuẩn Việt Nam". Ghế nhựa cũng là đồ sản xuất tại Việt Nam được Nhung Đào - Jerald Head đưa sang Mỹ.
Chia sẻ với báo chí, chị Nhung cho biết cơ duyên bán bún đậu mắm tôm ở New York xuất phát từ việc vợ chồng quá mê mẩn món ăn này.
Món bún đậu mắm tôm tại nhà hàng MẮM NYC ở New York, Mỹ (Ảnh: Instagram/mam.nyc). |
Vốn là đầu bếp chuyên nấu món Việt bên Mỹ, Jerald sang Việt Nam lần đầu năm 2016 với mong muốn học hỏi thêm kinh nghiệm từ nền ẩm thực bản địa. Tới ngày thứ ba, anh tình cờ gặp Nhung tại một quán ăn, hai người chào nhau rồi trò chuyện, từ đó chính thức quen nhau vào năm 2017.
Nhung kể, hồi mới quen nhau ở Việt Nam, mỗi lần hẹn hò hai người đều đi ăn bún đậu mắm tôm, thậm chí ăn hết ba suất đặc biệt.
“Bình thường mới quen người ta thường hạn chế ăn mắm tôm vì hơi “nặng mùi”, nhưng Jerald thì mê mắm tôm hơn cả người Việt”, Nhung cho biết.
Thời điểm Nhung sang Mỹ định cư cùng chồng năm 2020, đại dịch Covid-19 bùng phát, khiến các nhà hàng ở New York phải đóng cửa.
“Khi đó hai vợ chồng chỉ nghĩ ở nhà lâu quá nên chán, muốn làm bún đậu là món mình thích nhất mà muốn mua ở ngoài cũng không có huống gì là lúc dịch bệnh”, Nhung nói. Dù mục đích ban đầu là chỉ làm vài bàn cho bạn bè biết và tới ăn là vui rồi, nhưng chỉ sau một tuần, khách tới ăn truyền tai nhau và chia sẻ trên mạng xã hội, quán dần đông khách.
Hai vợ chồng tự nấu đậu phụ do "đậu ở Mỹ khô và cứng, vị công nghiệp, không mềm, béo như của Việt Nam". Sau đó, họ mang máy làm đậu bằng hơi nước từ Việt Nam sang. Kết hợp với những bí quyết gia truyền làm đậu từ họ hàng ở Gia Lai (Việt Nam), họ cố gắng làm những bìa đậu "chuẩn Việt" tươi ngon mỗi ngày.
Nhung còn tự làm chả cốm từ số ít nguyên liệu mang sang, trong khi Jerald xắn tay làm dồi lợn theo công thức học từ bố vợ. Hai vợ chồng mua rau thơm trên phố Grand, nhập từ một bang có khí hậu tương đồng Việt Nam.
Nhưng mắm tôm, linh hồn của món ăn này, vẫn phải mua từ một siêu thị ở New York. "Mắm tôm ở siêu thị Mỹ có chất lượng ổn, có thể kinh doanh, nhưng không đủ ngon để so với chất lượng mà chúng tôi hướng tới", Nhung nói.
Họ quyết định chọn mắm tôm từ Việt Nam. "Chọn mắm tôm ngon ở Việt Nam không phải dễ. Sau khi được giới thiệu một đầu mối ở Thanh Hóa và ăn thử thấy ưng ý, hai vợ chồng mừng như bắt được vàng", cô kể.
Khách ăn quán Mắm ngồi trên vỉa hè giống ở Việt Nam (Ảnh: Nico Schinco/The New York Times). |
Công sức của họ đã được đền đáp bằng những đánh giá tích cực của thực khách qua các chia sẻ của họ trên mạng xã hội. Nhiều người Việt nhận xét bún đậu tại Mắm ngon hơn cả quán ở Hà Nội.
Nhung và Jerald cho biết các nhà hàng Việt ở Mỹ thường thay đổi mùi vị của thức ăn để phù hợp hơn với người bản xứ, nhưng hai vợ chồng muốn giữ nguyên hồn cốt của món bún đậu.
“Với những vị khách đến ăn lần đầu tiên, chúng tôi đều khuyến khích họ hãy thử ăn mắm tôm. Chỉ khi họ không ăn được thì mới đổi qua nước mắm hoặc nước tương”, Nhung nói.
Mong muốn hoàn thiện món ăn này hơn nữa, hai vợ chồng còn đưa vào thực đơn những món ăn kèm phù hợp như gỏi nghêu, chả ốc cuốn lá lốt nướng, cà tím nướng… Ngoài ra, để đổi món thì có vài tuần nhà hàng sẽ bán bún hến, bún riêu cua bắp bò, cháo lòng, bún bò huế, vịt cháy tỏi, lẩu dê… nhằm mang đến nhiều hương vị Việt cho thực khách.
Jerald chia sẻ: "Chúng tôi muốn thực đơn của mình đơn giản hơn nhưng gắn kết và có ý nghĩa, giống như kể một câu chuyện về món bún đậu mắm tôm và văn hóa dùng thức ăn ở vỉa hè của Việt Nam vậy”.
Quán bún đậu mắm tôm của Nhung Đào - Jerald Head nằm ở phía đông nam Mahattan (thành phố New York, Mỹ), mở từ 17h - 20h30 thứ 6, từ 12h - 16h ngày thứ 7 và Chủ nhật. Mỗi suất bún đậu mắm tôm được bán với giá 32 USD (tương đương 800.000 đồng). |