Chính thức kéo dài gấp 3 lần thời hạn visa điện tử lên 90 ngày
Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam (Ảnh: Quochoi.vn). |
Luật sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/8/2023. Theo đó, thời hạn thị thực (visa) điện tử sẽ được nâng từ 30 ngày lên 90 ngày và có giá trị nhập cảnh nhiều lần. Lý giải cho sự thay đổi trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng việc kéo dài thời hạn visa sẽ đáp ứng nhu cầu của khách du lịch quốc tế. Ngoài ra, điều này cũng tạo thuận lợi cho người nước ngoài muốn vào Việt Nam nghiên cứu, khảo sát thị trường, tìm kiếm, xúc tiến đầu tư, nhất là các trường hợp có nhu cầu đi đến nhiều nước trong khu vực và quay lại Việt Nam để đánh giá, so sánh về khả năng mở rộng đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
Như vậy, hiện nay thời hạn của từng loại thị thực được quy định như sau: Thị thực ký hiệu SQ sẽ có thời hạn không quá 30 ngày; thị thực ký hiệu HN, DL, EV (visa điện tử) có thời hạn không quá 90 ngày và thị thực ký hiệu VR (visa thăm thân) có thời hạn không quá 180 ngày.
Sau khi Luật được thông qua và có hiệu lực, Chính phủ sẽ ban hành nghị quyết để triển khai thực thi một cách kịp thời. Trong đó, việc quy định nâng thời hạn tạm trú tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực từ 15 ngày lên 45 ngày đang nhận nhiều ý kiến tán thành. Một số ý kiến còn đề nghị tăng lên mức 60 hoặc 90 ngày.
Hiện nay, theo đánh giá của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, khách du lịch từ xa đến Việt Nam thích chọn những chương trình du lịch nghỉ dưỡng dọc đất nước, chủ yếu là nghỉ dưỡng biển với thời gian kéo dài trên 15 ngày. Trong bối cảnh các quốc gia khác trong khu vực đã áp dụng chính sách miễn thị thực với thời hạn tạm trú kéo dài như Thái Lan - 45 ngày, Singapore - 90 ngày… việc nâng thời hạn miễn thị thực sẽ làm tăng tính cạnh tranh của Việt Nam trong vấn đề thu hút và tạo thuận lợi hơn nữa cho khách du lịch quốc tế. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội giữ nguyên như dự thảo luật do Chính phủ trình.