Cấp hạn ngạch phát thải cho các công ty của những ngành chủ chốt
Cần một lộ trình giảm phát thải rõ ràng
Theo nhóm nghiên cứu, TPHCM cần một lộ trình giảm phát thải rõ ràng, đẩy nhanh tiến độ kiểm đếm và cấp hạn ngạch phát thải cho các công ty của những ngành chủ chốt. Điều này rất quan trọng để các doanh nghiệp có thể tính toán con đường giảm phát thải trong thời gian tới. Bên cạnh đó, TPHCM cần lồng ghép các mục tiêu giảm phát thải cụ thể vào các dự án đầu tư công trong giai đoạn tới, đặc biệt là các dự án cơ sở hạ tầng, cùng với đó là ưu tiên sử dụng các công nghệ sạch, ít phát thải; cần xây dựng sớm sàn trao đổi tín chỉ carbon để có thể sớm thí điểm vào năm 2025.
Hiện trạng và mục tiêu giảm phát thải của TP HCM (Nguồn: Nhóm nghiên cứu của Đại học Bristol (Anh) và Đại học Kinh tế TPHCM)
Để có thể áp dụng những khuyến nghị trên, Nhóm nghiên cứu đã chia sẻ những kinh nghiệm thúc đẩy tín dụng xanh, phát triển thị trường carbon ở tỉnh Giang Tô (Trung Quốc). Đó là các công ty có hiệu suất quản trị môi trường kém sẽ bị hạn chế cho vay, các doanh nghiệp quản trị môi trường tốt thì được ưu tiên hơn; chính quyền cũng sẽ cung cấp dữ liệu môi trường cho các ngân hàng để quyết định điều chỉnh dòng vốn đến các công ty.
Bên cạnh đó là những kinh nghiệm của Singapore, Thượng Hải (Trung Quốc) như thành lập các đơn vị chuyên trách thực hiện mục tiêu; xây dựng khu vực thí điểm chính sách, nghiên cứu đánh giá rủi ro, đưa ra các hướng dẫn và quy định; thúc đẩy đổi mới sáng tạo và đào tạo; nâng cao yêu cầu công bố thông tin…
Nhóm nghiên cứu cũng nhấn mạnh, Việt Nam có thể bỏ lỡ cơ hội từ thị trường carbon tự nguyện trong nước và quốc tế có giá trị khoảng 0,7-1,4 ngàn tỷ USD (theo tính toán của Ngân hàng Thế giới). Các chuyên gia cho rằng, khi ngày càng có nhiều doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tuyên bố cam kết trung hòa carbon hay phát thải ròng bằng 0, nhu cầu cho thị trường tín chỉ carbon bù đắp phát thải đang tăng lên mạnh mẽ, nên việc thiếu vắng một thị trường carbon tại Việt Nam đã đẩy dòng vốn trong nước đến các thị trường trong khu vực.
Công bố khung chiến lược chuyển đổi xanh TPHCM vào tháng 9/2023
Từ năm 2010, TPHCM đã có kế hoạch đầu tư công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường, thực hiện giảm khí thải nhà kính theo Cơ chế phát triển sạch tại bãi rác Đông Thạnh, huyện Hóc Môn. Theo thỏa thuận, Công ty KMDK (Hàn Quốc) thực hiện một dự án thuộc Cơ chế phát triển sạch (CDM) tại bãi rác Đông Thạnh và trả cho TPHCM khoảng 3 triệu USD. Nhưng do gặp khó khăn tài chính nên dự án đã không được triển khai. Không chỉ bãi rác Đông Thạnh mà một số lĩnh vực khác như chiếu sáng công cộng, xử lý nước thải thành nước tái sử dụng… cũng có thể triển khai theo hình thức CDM.
Theo các chuyên gia, tiềm năng tham gia các dự án CDM của TPHCM là rất lớn, không chỉ tăng thêm các giải pháp trong công tác bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, mà còn giúp thành phố thu được những khoản tiền không nhỏ.
Một góc Khu Liên hợp xử lý rác Đa Phước, huyện Bình Chánh, TPHCM
Theo Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi, Lãnh đạo TPHCM nhận thức rõ rằng, TPHCM cần nắm bắt xu hướng chuyển đổi xanh, thúc đẩy chuyển đổi xanh, tạo không gian mới, động lực mới, năng lực cạnh tranh mới cho thành phố, từ đó đóng góp cho kinh tế cả nước. Hiện có những vấn đề nội tại mà nếu không chuyển đổi xanh, không có chiến lược bài bản, chính sách cụ thể lâu dài thì chắc chắn kinh tế TPHCM sẽ không có năng lực cạnh tranh mới, không thể đóng góp tốt cho kinh tế cả nước. Đó là “những thúc bách từ bên trong” của TPHCM, như giảm dần động lực tăng trưởng, ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, yêu cầu cải thiện chất lượng cuộc sống, đảm bảo an ninh năng lượng, bảo tồn, phát triển đa dạng sinh học…
Cũng theo ông Phan Văn Mãi, TPHCM đã nghiên cứu khung chiến lược chuyển đổi xanh, phát triển bền vững. Khung chiến lược này sẽ chính thức công bố tại Diễn đàn kinh tế TPHCM năm 2023 diễn ra vào tháng 9/2023. Về cơ bản trong khung chiến lược này, TPHCM xác định nguồn lực để thực hiện là tài chính xanh, nhân lực chất lượng cao, kết nối trong nước, hợp tác quốc tế.