Thuế carbon – Công cụ kinh tế hiệu quả giảm phát thải khí nhà kính
Chính sách thuế hướng tới tăng trưởng xanh
Thuế carbon được áp dụng đối với lượng khí CO2 phát thải của quá trình đốt cháy nhiên liệu hóa thạch. Cơ sở nền tảng của việc áp dụng thuế carbon là đưa ra chi phí bổ sung cho mỗi tấn CO2 phát thải vào khí quyển nhằm mục đích nội hóa các chi phí ngoại tác do phát thải CO2 gây ra cho xã hội. Thuế carbon sẽ được tính toán để bù đắp những phí tổn xã hội của việc phát thải CO2 như chi phí khắc phục sự cố môi trường. Nói cách khác, thuế carbon được thiết kế để giảm thiểu hoặc loại bỏ các ngoại ứng tiêu cực từ việc phát thải CO2.
Thuế carbon là xu hướng đang được các quốc gia trên thế giới áp dụng ngày càng rộng rãi. (Ảnh: Shutterstock) |
Theo trang thống kê Statista, trong nỗ lực cắt giảm khí nhà kính và khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo, ngày càng nhiều quốc gia áp dụng thuế carbon.
Năm 1990, Phần Lan trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới áp dụng thuế carbon. Kể từ đó, hàng chục quốc gia đã theo sau. Tính đến ngày 31/3/2022, Uruguay là quốc gia có mức thuế carbon cao nhất trên toàn thế giới với mức gần 156 USD/CO₂. Tiếp đó là Liechtenstein (130,81 USD/tấn CO2); Thụy Điển (125,56 USD/tấn CO2); Thụy Sĩ (93,81 USD/tấn CO2)… Ba Lan có mức thuế thấp hơn 1 USD /tấn CO2.
Tại Đông Nam Á, Singapore là quốc gia đầu tiên của khu vực áp dụng cơ chế định giá carbon. Nước này bắt đầu thực thi việc đánh thuế carbon vào năm 2019, áp dụng cho tất cả các cơ sở thải ra 25 nghìn tấn khí nhà kính trở lên hàng năm, bao gồm các nhà máy lọc dầu và nhà máy điện.
Trong bài phát biểu về ngân sách mới đây, Bộ trưởng Tài chính Singapore Lawrence Wong cho biết thuế carbon của nước này sẽ tiếp tục được điều chỉnh lên 45 SGD/tấn vào năm 2026 và 2027, sau đó là từ 50 đến 80 SGD/tấn trong vòng 3 năm tiếp theo.
Trong khi đó, Thái Lan dự kiến áp thuế carbon vào năm 2023. Cơ quan thuế của nước này sẽ đưa ra các biện pháp và mức thuế rõ ràng đối với sản phẩm liên quan đến việc phát thải CO2 trong quá trình sản xuất.
Các chuyên gia đánh giá, thuế carbon tạo ra nguồn thu cho ngân sách nhà nước để đầu tư cho nghiên cứu, phát triển năng lượng tái tạo và công nghệ carbon thấp góp phần bảo đảm phát triển bền vững.
Động lực cho Việt Nam
Tháng 12/2022, Liên minh châu Âu (EU) thông báo sẽ thực hiện “cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM)”. Theo đó sẽ đánh thuế carbon đối với tất cả hàng hóa xuất khẩu sang thị trường này dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất tại nước sở tại.
CBAM ban đầu sẽ áp dụng đối với 6 loại hàng hóa nhập khẩu có nguy cơ ô nhiễm cao là sắt thép, xi măng, phân bón, nhôm, điện và hydro. Đây là những lĩnh vực chiếm tới 94% lượng khí thải công nghiệp của EU. Các nhà nhập khẩu sẽ phải báo cáo lượng khí thải có trong hàng hóa nhập khẩu, nếu lượng khí thải này vượt quá tiêu chuẩn của EU sẽ phải mua “chứng chỉ khí thải” theo mức giá carbon hiện nay tại EU.
Thuế carbon sẽ được tính toán để bù đắp những phí tổn xã hội của việc phát thải CO2 như chi phí khắc phục sự cố môi trường. (Ảnh: Tạp chí Tài chính) |
Dự kiến 10/2023, 27 quốc gia thành viên EU sẽ bắt đầu thực hiện thí điểm CBAM. Nhà nhập khẩu sẽ được yêu cầu tuân thủ các nghĩa vụ báo cáo và không chịu phí CBAM.
EU đang là một trong những thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam. Do vậy, trong tương lai, các doanh nghiệp sản xuất trong các ngành có nguy cơ cao như thép, nhôm, lọc dầu, xi măng, giấy, thủy tinh, phân bón, năng lượng… của Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường EU sẽ gặp nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, bên cạnh những thách thức với các mặt hàng xuất khẩu, CBAM tạo ra động lực trực tiếp giảm phát thải cho các nhà sản xuất bị ảnh hưởng. Việc này sẽ có tác động lớn hơn nếu có thể mở rộng sang các ngành khác, phù hợp với chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam.
Nhiều ý kiến chuyên gia đề nghị Việt Nam nên áp dụng thuế carbon như một công cụ giúp giảm phát thải và tăng thu ngân sách. Tuy nhiên cần nghiên cứu kỹ trước khi thực hiện thí điểm và áp dụng rộng rãi. Trong đó phải xem xét đến sự phù hợp giữa thuế carbon và các loại thuế khác trong hệ thống thuế quốc gia nhằm tránh đánh thuế hai lần, tạo ra gánh nặng thuế cho các hoạt động kinh tế và đời sống xã hội.