Cao Bằng: Bảo tồn giữ gìn trang phục truyền thống của dân tộc Mông đen
Trang phục của dân tộc Mông đen được làm từ vải chàm khá cầu kỳ. Trang phục nữ gồm: khăn đội đầu, áo, yếm, váy, thắt lưng, xà cạp. Ngoài ra, còn có các phụ kiện đi kèm như vòng cổ, trâm cài đầu bằng bạc.
Áo của chị em phụ nữ Mông đen thường có 3 thân, hai nẹp áo vòng lên cổ áo. Chỗ khâu nối giữa thân trước và thân sau để xẻ tà khoảng một gang từ gấu áo lên. Khi mặc trang phục, gấu áo không giấu vào trong váy mà mặc xòe ra ngoài, áo không có cúc mà vắt chéo lên nhau, sau đó dùng dải thắt lưng thắt ngang để giữ áo khỏi xòe ra. Là áo xẻ ngực nên phụ nữ Mông đen thường mặc yếm. Cổ yếm thêu hoa văn, hai bên cổ yếm đính mỗi bên 1 - 2 đồng bạc trắng. Các họa tiết thổ cẩm sặc sỡ được thêu trên cổ yếm, viền cổ áo, thắt lưng, tay áo, xà cạp khiến cho bộ trang phục màu đen không bị đơn điệu.
Phụ nữ dân tộc Mông đen ngày nay vẫn tự thêu hoa văn trên trang phục của mình (Ảnh: Báo Cao Bằng). |
Váy của người Mông đen thường ngắn đến đầu gối. Xà cạp thường là miếng vải đen dài chừng một sải tay gấp lại dùng để cuốn quanh bắp chân, hai đầu miếng vải có hai dây buộc màu đỏ thêu hoa văn. Chiếc váy mặc ôm tròn lấy eo, thân váy xếp ly bồng nhẹ, tạo sự duyên dáng, trẻ trung cho trang phục. Trang phục nam đơn giản hơn với áo cổ tròn có 4 túi, xẻ ngực, quần ống rộng. Hiện nay, mỗi gia đình người Mông có con gái đều có 1 bộ trang phục truyền thống dùng để mặc trong các sự kiện lớn, ngày vui của cộng đồng.
Trang phục là một trong những giá trị tạo nên bản sắc đặc trưng của một dân tộc. Chính vì vậy, việc thêu trang phục truyền thống lâu nay đã trở thành việc làm truyền thống, nếp sinh hoạt của người phụ nữ Mông nơi đây. Qua bàn tay khéo léo của người phụ nữ Mông đen, từng mũi kim, đường chỉ tạo nên những họa tiết, hoa văn độc đáo rất đẹp mắt.
Được biết, vải chàm trong trang phục Mông đen được làm từ cây lanh. Trước đây, để có vải chàm may trang phục, mỗi gia đình đều trồng cây lanh. Tuy nhiên hiện nay, người dân đã không còn tự trồng lanh, dệt vải mà thường mua sẵn trên thị trường để may trang phục. Về hoa văn thì một số chị em vẫn tự thêu theo ý thích và nét hoa văn của dân tộc mình.
Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thạch An Vũ Tuấn Nghĩa cho biết: Hiện nay, đa số người dân các dân tộc không còn mặc trang phục truyền thống trong sinh hoạt hằng ngày, chỉ còn một số ít người cao tuổi vẫn mặc trang phục truyền thống của mình.
Trang phục truyền thống phụ nữ dân tộc Mông Đen tại xã Thụy Hùng, huyện Thạch An, Cao Bằng (Ảnh: Báo Dân tộc miền núi). |
Để bảo tồn các giá trị văn hóa của địa phương, thời gian qua, địa phương đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, thực hiện Đề án "Bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2022 - 2030" trên địa bàn, trong đó tập trung hỗ trợ các mô hình bảo tồn câu lạc bộ dân ca, dân vũ, đội văn nghệ; hỗ trợ nghệ nhân ưu tú trong việc lưu truyền, phổ biến hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống và đào tạo, bồi dưỡng những người kế cận; đặc biệt quan tâm gìn giữ, khôi phục các giá trị văn hóa đặc sắc của người Mông đen.
Với việc lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống, đã từng bước tạo cho thế hệ trẻ người Mông đen ý thức trong việc lưu truyền, giữ gìn và phát huy văn hóa truyền thống dân tộc mình, để văn hóa truyền thống không bị mai một trước sự phát triển, giao thoa văn hóa trong xã hội hiện đại, góp phần đóng góp vào sự đa dạng, bền vững của văn hóa các dân tộc Việt Nam.
Nhiều chương trình, chính sách giúp nâng cao đời sống đồng bào dân tộc Khmer Với trên 17.000 hộ, hơn 74.000 nhân khẩu, người Khmer chiếm gần 8% dân số của tỉnh Bạc Liêu. Những năm qua, dù còn nhiều khó khăn, nhưng các cấp, ngành của địa phương luôn dành sự quan tâm, ưu tiên thực hiện đầy đủ, kịp thời các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước cho đồng bào dân tộc Khmer. Cùng với đó là sự nỗ lực vươn lên của người dân đã và đang góp phần làm cho diện mạo làng quê, phum sóc thay da đổi thịt từng ngày. |
Vĩnh Phúc: Gìn giữ và bảo tồn lễ hội truyền thống xã Đại Đồng Với giá trị, ý nghĩa về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật dân gian, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã công nhận Lễ hội truyền thống xã Đại Đồng (tỉnh Vĩnh Phúc) là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. |