Các tổ chức quốc tế đánh giá cao hợp tác liên ngành của Việt Nam trong phòng chống đuối nước
Phát biểu tại hội thảo liên ngành chia sẻ kết quả triển khai các giải pháp mô hình phòng, chống đuối nước trẻ em được tổ chức tại Nghệ An, ngày 19/7, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà cho biết: Công tác phòng, chống đuối nước trẻ em luôn được sự quan tâm chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, của các cấp, các ngành, các địa phương. Chương trình Phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2021-2030 có can thiệp toàn diện, đa ngành về phòng chống tai nạn thương tích trẻ em, trong đó có mục tiêu giảm tử vong do đuối nước ở trẻ em.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà đánh giá cao sự tham gia của 9 bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, các cơ quan chức năng địa phương trong vấn đề phòng, chống đuối nước; triển khai các giải pháp, mô hình dạy các kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ em và tạo một môi trường an toàn cho trẻ em.
Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà. (Ảnh: BTC) |
Bà Kelly Larson, Giám đốc Chương trình phòng chống tai nạn thương tích, Quỹ từ thiện Bloomberg phát biểu: Nhờ sự phối hợp, vào cuộc tích cực của các cơ quan, bộ, ngành, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác phòng, chống đuối nước ở trẻ em. Hơn 100.000 trẻ em Việt Nam đã được học bơi và kỹ năng an toàn trong môi trường nước miễn phí, gấp đôi mục tiêu ban đầu của Quỹ từ thiện Bloomberg.
Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp như: kêu gọi sự vào cuộc của nhiều cơ quan, ban ngành; xây dựng bể bơi, tổ chức dạy bơi, kĩ năng an toàn cho trẻ em; tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phòng chống đuối nước... Với nhiều cách làm sáng tạo và nỗ lực quan tâm của các cơ quan chức năng, Việt Nam là một mô hình tiêu biểu để các quốc gia khác học hỏi kinh nghiệm. Bà Kelly Larson mong muốn Việt Nam tiếp tục triển khai các trên trong thời gian tới.
Bà Kelly Larson, Giám đốc Chương trình phòng chống tai nạn thương tích, Quỹ từ thiện Bloomberg. (Ảnh: Hồng Anh) |
Theo báo cáo của WHO, cơ chế phối hợp đa ngành trong phòng chống đuối nước đã được nhiều quốc gia áp dụng thành công. Tại Australia, các tổ chức cấp quốc gia phối hợp, trao đổi thông tin thông qua Hội đồng An toàn Nước Australia. Tổ chức này đồng thời phát triển và giám sát việc thực hiện Chiến lược An toàn Nước; tổ chức hội thảo; lập kế hoạch hành động về các vấn đề liên quan đến phòng, chống đuối nước. Tại Thái Lan, năm 2015, Cục Kiểm soát Dịch bệnh Thái Lan đã triển khai chiến lược “Merit Maker trong phòng chống đuối nước” - một chương trình cộng đồng nhằm huy động nguồn lực từ nhiều cơ quan và địa phương để triển khai giải pháp phòng chống đuối nước như lắp đặt hàng rào, biển cảnh báo tại nơi có nguy cơ đuối nước; tổ chức chia sẻ thông tin cho cán bộ y tế; dạy bơi cho trẻ em...
WHO kiến nghị: Để thực hiện công tác phòng chống đuối nước hiệu quả, cần có sự phối hợp chặt chẽ và tham gia tích cực của các ngành nhằm phát huy tối đa nguồn lực và năng lực của các ngành trong công tác này.
Theo Tiến sĩ Angela Pratt, Trưởng Đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam: “WHO hoan nghênh cách tiếp cận của Chính phủ Việt Nam trong việc huy động các cơ quan khác nhau, với cơ quan đầu mối là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để bảo vệ trẻ em khỏi thảm kịch có thể phòng tránh này.”
Hội thảo liên ngành chia sẻ kết quả triển khai các giải pháp mô hình phòng, chống đuối nước trẻ em tại Nghệ An là một trong những hoạt động hưởng ứng Ngày Thế giới Phòng chống Đuối nước 2024 (25/7).
Năm nay, lần đầu tiên Ngày Thế giới Phòng chống Đuối nước diễn ra tại các địa phương có nguy cơ đuối nước ở trẻ em cao như Nghệ An, Thừa Thiên Huế. Với chủ đề “Đuối nước - Khoảnh khắc sinh tồn”, các hoạt động ghi nhận những thành tựu trong công tác phòng, chống đuối nước trẻ em tại địa phương; đồng thời thúc đẩy nâng cao nhận thức của người dân về nguy cơ đuối nước ở trẻ em, cung cấp kiến thức và kỹ năng cho bố mẹ, người giám sát trẻ để giữ an toàn và bảo vệ sinh mạng cho con em mình.
Các em học sinh tham gia hoạt động trải nghiệm tại sự kiện Ngày Gia đình Phòng chống Đuối nước, ngày 20/7 tại Nghệ An. (Ảnh: BTC) |
Cũng trong khuôn khổ chuỗi hoạt động hưởng ứng Ngày Thế giới Phòng chống Đuối nước 2024 tại Nghệ An, ngày 20/7, sự kiện Ngày Gia đình Phòng chống Đuối nước được tổ chức, thu hút sự tham gia của hàng trăm học sinh, phụ huynh trên địa bàn tỉnh.
Thông qua các hoạt động trải nghiệm phong phú như trò chơi "Thẻ tri thức", "Đuổi hình bắt chữ", tham quan khu trưng bày tranh về chủ đề phòng chống đuối nước... cha mẹ và học sinh cùng nhau tìm hiểu về kiến thức, luyện tập kỹ năng an toàn trong môi trường nước; cứu người trong tình huống nguy hiểm do đuối nước.
Hướng dẫn kỹ năng các bước cứu nạn cứu hộ khi gặp trường hợp đuối nước (Ảnh: Báo Thừa Thiên Huế). |
Tại Thừa Thiên - Huế, ngày 28/7, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh phối hợp với Tổ chức Campaign for Tobacco-Free Kids, Tổ chức Huehelp và một số đơn vị, trường học, các địa phương tổ chức lễ hưởng ứng Ngày thế giới phòng, chống đuối nước và Hội thi tìm hiểu kiến thức, kỹ năng phòng chống đuối nước cho trẻ em năm 2024.
Thông qua các phần thi như: vẽ tranh, diễn tiểu phẩm, thi tìm hiểu kiến thức về an toàn trong môi trường nước, hùng biện, các em học sinh được trang bị kiến thức về các biện pháp an toàn khi tham gia hoạt động dưới nước; kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, mỗi năm, khoảng 236.000 người tử vong do đuối nước và hơn 90% các trường hợp xảy ra ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Tại Việt Nam, mặc dù số trẻ em tử vong do đuối nước có xu hướng giảm trong thời gian qua nhưng đây vẫn là một trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho trẻ em. Báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nêu: giai đoạn 2015 - 2020, trung bình mỗi năm ở Việt Nam có gần 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước. Tỷ lệ đuối nước trẻ em ở Việt Nam cao hơn các nước trong khu vực Tây Thái Bình Dương và cao hơn gấp 10 lần các nước phát triển. |
Sự quan tâm của cha mẹ góp phần bảo vệ trẻ em trước nguy cơ đuối nước Đó là khuyến nghị được nhiều chuyên gia về trẻ em, đại diện tổ chức phi chính phủ nước ngoài đưa ra tại sự kiện Ngày hội gia đình phòng, chống đuối nước diễn ra tại Công viên Thống Nhất (Hà Nội) từ ngày 22-23/7. |
Cần hành động cấp bách để phòng, chống đuối nước ở trẻ Từ nay đến 2025, Việt Nam hướng đến 50% trẻ em từ 6-15 tuổi biết bơi, 60% trẻ em được dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước. |