Ẩm thực – ‘Đại sứ’ quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới
Nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Ngoại trưởng Australia Penny Wong từ ngày 26-28/6, trong bài đăng trên Facebook ngày 27/6, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam viết: "Đại sứ Australia Robyn Mudie rất vui được giới thiệu món phở gà yêu thích của mình tới Ngoại trưởng Australia Penny Wong và đầu bếp Sam Trần (Hồng Nhung) trong chuyến thăm của bà Ngoại trưởng tới Việt Nam".
Đại sứ quán Australia tại Việt Nam cũng cho biết, Ngoại trưởng Penny Wong đã được đầu bếp Sam giới thiệu về lịch sử và sự quan trọng của món phở, đặc biệt là phong cách ăn phở đúng chuẩn Hà Nội.
Ngoại trưởng Wong (áo đen) thưởng thức phở gà cùng Đại sứ Mudie (áo xanh) (Ảnh: Lê Trang). |
Đi kèm bài viết này, Đại sứ quán Australia đăng tải hình ảnh Ngoại trưởng Penny Wong trong trang phục giản dị thưởng thức món phở gà cùng Đại sứ Robyn Mudie và "cả ba người cùng chia sẻ quan điểm về sự giao lưu mạnh mẽ giữa nhân dân hai nước Australia và Việt Nam".
"Quả là một cách tuyệt vời để bắt đầu chuyến thăm của Ngoại trưởng Penny Wong", Đại sứ quán Australia nhận xét.
Cà phê trứng là một ví dụ sống động khác cho thấy ẩm thực thực sự là một “đại sứ” đặc biệt để quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới. Còn nhớ khi sự kiện Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều được tổ chức tại Hà Nội năm 2019, cà phê trứng Giảng - món đồ uống có tuổi đời gần 70 năm tuổi của Hà Nội đã được lựa chọn để phục vụ phóng viên quốc tế và trong nước. Mỗi ngày, hàng nghìn ly cà phê trứng được đem tới Trung tâm báo chí quốc tế phục vụ trong suốt thời gian diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều. Để đảm bảo độ ngon, nóng, cà phê được chế biến trực tiếp ngay tại khu ẩm thực của Trung tâm báo chí. Nhiều nhà báo nổi tiếng đã đăng tải hình ảnh món uống này lên trang cá nhân với những bình luận khen ngợi về sự độc đáo.
Nhắc lại câu chuyện cà phê trứng phục vụ Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều tại tọa đàm "Nhiệm vụ và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thông tin đối ngoại của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam" diễn ra vào ngày 14/6, bà Lê Thị Thu Hằng - Trợ lý Bộ trưởng,Vụ trưởng Vụ Thông tin báo chí cho biết, Trung tâm báo chí đã trở thành nơi quảng bá các món ăn của Việt Nam và sau Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều, cà phê trứng của Việt Nam nổi tiếng toàn thế giới, khách đến Việt Nam ai ai cũng tìm đến cà phê trứng.
Theo bà Lê Thị Thu Hằng, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều không phải là hoạt động chính trị - đối ngoại của Việt Nam nhưng chúng ta đã chủ động xây dựng một chiến dịch truyền thông và rất thành công trong việc quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, từ người dân thân thiện, mến khách, biết hy sinh vì lợi ích của cộng đồng đến các món ăn của Việt Nam.
Không chỉ Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều 2019, trong rất nhiều sự kiện Việt Nam đã biết tranh thủ để giới thiệu ẩm thực đất nước, qua đó quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới. Trong chuyến công du tới Việt Nam vào năm 2016, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Barack Obama đã có dịp thưởng thức món bún chả và uống bia Hà Nội cùng đầu bếp nổi tiếng Anthony Bourdain tại một quán bình dân trên phố Lê Văn Hưu, Hà Nội. Clip ông Obama ăn bún chả sau đó đã được phát sóng trên truyền hình CNN, trong đó ghi lại hình ảnh vị tổng thống Mỹ sử dụng đũa thành thục, vừa ăn bún chả vừa không ngớt lời khen ngợi. Hình ảnh ấy thực sự có sức lay động, truyền đi thông điệp giá trị về một Việt Nam gần gũi, thanh bình nhưng rất hấp dẫn. Sau sự kiện này, đông đảo báo giới, truyền hình nước ngoài, khách quốc tế đã đến tìm hiểu món ăn đặc trưng của người Hà Nội.
Hay hình ảnh Hoàng tử Anh William thưởng thức cà phê phố cổ; cựu Tổng thống Pháp Francois Hollande uống cà phê trên phố Mã Mây vào năm 2016; cựu Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull thưởng thức bánh mỳ vỉa hè ở Đà Nẵng năm 2017; cựu Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và phu nhân thưởng thức món phở bò tại một cửa hàng ở Hà Nội vào năm 2018; cựu Tổng thống Argentina Mauricio Macri dừng chân thưởng thức cà phê ngay tại một quán vỉa hè năm 2019... Những sự kiện ấy không đơn thuần là chuyện ăn uống của nguyên thủ quốc gia, quan chức ngoại giao nữa mà cho thấy ẩm thực đã trở thành một thứ vũ khí của ngoại giao văn hóa Việt Nam, là cách thức ngoại giao dễ đi vào lòng người nhất.