7 nhóm vấn đề khuyến nghị cho UPR chu kỳ III của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc
Ngày 7/4, tại Hà Nội, Cục Đối ngoại (Bộ Công an) tổ chức Hội thảo “Cập nhật tình hình thực hiện khuyến nghị UPR chu kỳ III và tiến trình tham gia xây dựng Báo cáo Quốc gia UPR chu kỳ IV”.
Sự kiện nhằm cập nhật tình hình thực hiện các khuyến nghị UPR được Chính phủ giao cho Bộ Công an thực hiện, tạo diễn đàn để các đơn vị chia sẻ những thuận lợi, khó khăn trong quá trình thực hiện để cùng nhau bàn bạc và đưa ra các giải pháp thực hiện tốt nhất các nhiệm vụ được phân công, tham gia có hiệu quả vào tiến trình xây dựng báo cáo quốc gia chu kỳ IV của Việt Nam.
Bên cạnh đó, Hội thảo cũng là tư liệu phục vụ công tác tuyên truyền về thành quả của Bộ Công an trong quyết tâm, nỗ lực thực hiện các khuyến nghị theo Cơ chế UPR.
Các đại biểu thảo luận tại Hội thảo (Ảnh: Nguyễn Linh). |
Phát biểu tại Hội thảo, Thiếu tướng Nguyễn Văn Kỷ, Phó Cục trưởng Cục Đối ngoại, Bộ Công an cho biết, Cơ chế UPR là một trong những cơ chế quan trọng nhất của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc với nhiệm vụ rà soát tình hình nhân quyền tại tất cả các nước thành viên Liên hợp quốc, qua đó thúc đẩy các nước thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ, cam kết về quyền con người.
Với nguyên tắc đối thoại, hợp tác, bình đẳng, khách quan, minh bạch, Cơ chế UPR được đánh giá là một trong những cơ chế uy tín và hiệu quả nhất của Liên hợp quốc, có đóng góp tích cực vào việc thúc đẩy các quyền của người dân trên thế giới.
Trên tinh thần đó, Việt Nam luôn nghiêm túc tham gia vào các chu kỳ UPR trong xuyên suốt 12 năm qua, kể từ khi Cơ chế UPR được thành lập và thực hiện đầy đủ các khuyến nghị mà Việt Nam chấp thuận.
Đối với UPR chu kỳ III, Việt Nam chấp thuận 241 khuyến nghị trên tổng số 291 khuyến nghị đến từ 122 nước (hơn 83%), trong đó Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an chủ trì thực hiện 27 khuyến nghị. Trong Bộ Công an, Cục Đối ngoại là đơn vị đầu mối, được lãnh đạo Bộ phân công chủ trì xây dựng kế hoạch triển khai 27 khuyến nghị.
Các khuyến nghị tập trung vào 7 nhóm vấn đề, bao gồm: Nghiên cứu thành lập Cơ quan nhân quyền quốc gia (5 khuyến nghị); Tăng cường, nỗ lực phòng chống mua bán người (9 khuyến nghị, trong đó có 2 khuyến nghị thực hiện một phần); Đảm bảo các quyền dân sự, chính trị (4 khuyến nghị); Thực hiện Công ước Chống tra tấn (CAT) (4 khuyến nghị); Nghiên cứu gia nhập Công ước Chống mất tích cưỡng bức (CPED) (3 khuyến nghị); Củng cố thể chế và chính sách về nhân quyền (1 khuyến nghị); Chia sẻ kinh nghiệm về Luật đặc xá và tái hòa nhập cộng đồng của phạm nhân (1 khuyến nghị).
Thiếu tướng Nguyễn Văn Kỷ, Phó Cục trưởng Cục Đối ngoại, Bộ Công an phát biểu tại Hội thảo (Ảnh: Nguyễn Linh). |
Theo Kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tháng 11/2023 Bộ Ngoại giao sẽ trình Báo cáo quốc gia chu kỳ IV lên Thủ tướng Chính phủ và tháng 4 – 5/2024 Việt Nam sẽ tiến hành Phiên trình bày và đối thoại tại Nhóm làm việc về UPR của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc. Hiện nay, các bộ, ban, ngành được phân công thực hiện khuyến nghị UPR đang tích cực hoàn thiện Báo cáo gửi Bộ Ngoại giao tập hợp trình Thủ tướng Chính phủ.